Đa dạng hóa đầu ra cho sản phẩm OCOP
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, thành phố hiện có 66 sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm), thời gian tới số lượng sản phẩm sẽ tăng khi mở rộng thêm địa bàn là các quận, TP.Thủ Đức thay vì chỉ áp dụng cho 5 huyện ngoại thành. Đồng thời, định hướng phát triển sản phẩm OCOP gắn với 6 lĩnh vực, gồm: thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, lưu niệm - nội thất - trang trí, dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch.
Bán hàng qua livetream Tik Tok tại Cần Giờ vừa qua là một trong những các đa dạng hóa đầu ra cho sản phẩm OCOP, đặc sản địa phương của TP.HCM |
Vừa qua, TP.HCM tổ chức ngày hội "Ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động kinh doanh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng OCOP của thành phố thông qua hình thức thương mại điện tử - nền tảng mạng xã hội" (từ ngày 19 đến ngày 21/10). Theo đó, ngày hội có sự tham gia, trải nghiệm và bán hàng của hơn 80 người là KOC, KOL (người có sức ảnh hưởng), TikToker. Với sự có mặt của 66 sản phẩm OCOP, sự kiện giúp quảng bá nhiều đặc sản của thành phố như yến sào, cà phê, bánh tráng, mật dừa nước... đến với khách hàng.
Đại diện Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng hoạt động này nhằm đẩy nhanh hơn nữa quá trình phát triển kinh tế số và hỗ trợ các sản phẩm mô hình OCOP, cũng như mô hình thanh niên phát triển kinh tế trên địa bàn huyện Cần Giờ và các huyện ngoại thành của TP.HCM. Từ hình thức này sẽ mở ra những triển vọng tăng cường liên kết và đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP của TP.HCM và Cần Giờ đến với người dân trong nước và quốc tế, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực về tiềm năng công nghệ số trong xã hội.
Sau 3 ngày, các sản phẩm OCOP của thành phố đã tiếp cận 16 triệu người với hơn 350.000 người xem các phiên livestream bán hàng, thu về hơn 900 triệu đồng.
Về phía cơ quan đề xướng chương trình bán sản phẩm OCOP theo hình thức này, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khẳng định việc hợp tác với các nền tảng xã hội, livestream đóng vai trò quan trọng trong tiêu thụ nông sản. Đồng thời góp phần gia tăng giá trị của nông sản các địa phương, thiết thực tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trên bình diện cả nước, hiện có 10.323 sản phẩm với tài nguyên bản địa từng địa phương, đã được cơ quan quản lý cấp chứng nhận OCOP. Trung tâm cũng đã có nhiều chương trình xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP ở các kênh truyền thống lẫn thương mại điện tử. Thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục hỗ trợ xuất khẩu sản phẩm OCOP, trước hết là tại thị trường ASEAN và Trung Quốc.