Đà Nẵng: Cần thêm sản phẩm, dịch vụ để “giữ chân” du khách
Thị trường khách truyền thống
Theo số liệu từ Sở Du lịch TP. Đà Nẵng, tổng số du khách Hàn Quốc đến Đà Nẵng trong 4 tháng đầu năm 2024 đạt 636.964 lượt, chiếm 41,3% tổng lượt khai báo của khách quốc tế (đứng đầu thị trường quốc tế đến Đà Nẵng); tổng số khách Nhật Bản đến địa phương đạt 47.508 lượt, chiếm 3,3% tổng lượt khai báo của khách quốc tế.
Hàn Quốc và Nhật Bản là hai thị trường nằm trong tốp 10 thị trường khách quốc tế lớn nhất của Đà Nẵng từ đầu năm 2024 đến nay. Trên thực tế, sau đại dịch Covid-19, Hàn Quốc là thị trường phục hồi nhanh nhất và nhanh chóng trở lại vị trí dẫn đầu với tỷ trọng gần 50% thị trường khách quốc tế đến thành phố. Trong khi đó, Nhật Bản cũng được xác định là thị trường trọng điểm của ngành du lịch Đà Nẵng trong những năm gần đây.
Được biết, quý I/2024, hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Tổng lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt hơn 1,88 triệu lượt, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách quốc tế ước đạt gần 636.000 lượt, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2023; khách nội địa ước đạt gần 1,25 triệu lượt, tăng 24,3% so với cùng kỳ năm 2023. Doanh thu lưu trú, ăn uống, lữ hành ước đạt hơn 7.600 tỷ đồng, tăng 25,6% so với cùng kỳ năm 2023...
Theo đại diện Công ty Seven Star Hà Nội, du khách Hàn Quốc đến Đà Nẵng hiện nay rất nhiều, dẫn đầu các thị trường khách quốc tế đến với địa phương. Chỉ cần duy trì được tỷ lệ này, giữ vững thị phần khách vốn có thì lượng khách từ thị trường Hàn Quốc đến Đà Nẵng sẽ ổn định. Điều quan trọng là cần chú trọng hơn các dịch vụ đi kèm để khách có được những trải nghiệm tốt nhất trong chuyến đi của họ.
Hàn Quốc và Nhật Bản là hai thị trường nằm trong tốp 10 thị trường khách quốc tế lớn nhất của Đà Nẵng. |
Trong khi đó, thị trường Nhật Bản cũng được xác định là trọng điểm của ngành du lịch TP. Đà Nẵng với sự tăng trưởng ổn định. Hiện tại, nhu cầu đi lại, giao thương, trao đổi du khách giữa các thành phố của hai nước, trong đó có TP. Đà Nẵng thuận lợi nhờ chính sách mở cửa du lịch giữa Chính phủ hai bên.
Tuy nhiên, khách du lịch thường có xu hướng tìm kiếm các thị trường mới để thay thế cho các điểm đến đã đi. Có thời điểm, ngành du lịch và các đơn vị kinh doanh lữ hành ở Đà Nẵng đã phải lo lắng, do sự dịch chuyển của du khách Hàn Quốc. Thực tế, không ít du khách Hàn Quốc, hay Nhật Bản đã lựa chọn điểm đến là Nha Trang (Khánh Hòa) thay vì Đà Nẵng. Một trong những nguyên nhân do giá phòng. Nha Trang chỉ từ 700 đến 800 nghìn đồng/phòng, còn Đà Nẵng giá vẫn ở mức cao hơn. Các tour du lịch, hãng lữ hành họ sẽ chọn địa điểm rẻ hơn..
Cần thêm những sản phẩm mới
Đại diện một số hãng lữ hành cho rằng, ngành du lịch địa phương nên phát động một chiến lược thu hút khách Hàn Quốc đã từng đến Đà Nẵng bằng cách kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp du lịch, dịch vụ, khu nghỉ dưỡng có các chương trình tri ân, ưu đãi giảm giá cho những khách quay trở lại du lịch lần thứ hai, thứ ba...
Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng, thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc rất quan trọng đối với điểm đến Đà Nẵng. Đây là hai thị trường tiềm năng của ngành du lịch nên thành phố dùng rất nhiều tiềm lực để giữ và thu hút khách. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần xúc tiến, quảng bá thêm các địa phương mới của Hàn Quốc (thay vì chỉ một số tỉnh, thành phố truyền thống như trước đây); hình thành nhóm doanh nghiệp đi khai thác các thị trường khách này; kết nối thêm với các doanh nghiệp nước sở tại để nắm bắt thông tin, hợp tác…
Du lịch Đà Nẵng cần thêm sản phẩm mới để "giữ chân" du khách đến từ thị trường truyền thống. |
Riêng đối với thị trường Nhật Bản, du khách khó tính hơn thì có thể tính thêm các giải pháp khác như: tăng cường các chuyến bay thuê chuyến ngoài đường bay thường lệ; xây dựng các sản phẩm chuyên đề dành riêng cho từng nhóm khách…
Được biết, ngành du lịch Đà Nẵng sẽ sớm phát động chiến dịch tri ân khách từ thị trường Hàn Quốc để thu hút khách quay lại; tìm kiếm các địa phương mới của hai thị trường này để xúc tiến, quảng bá; tạo ra sản phẩm phù hợp hơn. Các hoạt động triển khai xúc tiến quảng bá du lịch bao gồm: tập trung truyền thông về du lịch nghỉ dưỡng, golf, ẩm thực, MICE, shopping, spa; giới thiệu các sản phẩm du lịch mới, du lịch về đêm và các chương trình sự kiện của thành phố; tổ chức chương trình kích cầu du lịch, chương trình thí điểm thu hút khách du lịch cưới đến Đà Nẵng.
Ngay trong năm 2024, ngành du lịch thành phố cũng sẽ tham gia Hội chợ triển lãm Tourism Expo tại Tokyo (Nhật Bản); trong quý III/2024 sẽ phối hợp Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng và các doanh nghiệp du lịch tại Đà Nẵng, Quảng Nam đón các đoàn Famtrip lữ hành Nhật Bản khảo sát du lịch golf, du lịch học đường; trong năm 2024 cũng sẽ tổ chức buổi gặp gỡ làm việc với các đối tác du lịch tại Seoul (Hàn Quốc) và chương trình giới thiệu du lịch Đà Nẵng tại Busan.
Bên cạnh những nỗ lực của chính quyền địa phương, bà Trương Thị Hồng Hạnh Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cũng đề nghị các doanh nghiệp du lịch cần có ý tưởng, cách làm mới của riêng mình; tự hoàn thiện dịch vụ, tạo ra các sản phẩm, trải nghiệm mới chào bán cho các thị trường khách; chủ động tham gia các công tác xúc tiến, quảng bá tới các thị trường khách, đối tác. Các doanh nghiệp trong nước có thể kết nối tạo ra hệ sinh thái, điểm đến đạt chất lượng tốt, khẳng định được thương hiệu điểm đến... góp phần “giữ chân” các du khách.