Đà Nẵng: Chăm lo “sức khoẻ” của doanh nghiêp
Những tín hiệu khởi sắc
Theo Cục Thống kê TP. Đà Nẵng, từ ngày 16/3 đến 15/4/2024, thành phố đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký cho 428 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 1.433,4 tỷ đồng…
Cộng dồn 4 tháng đầu năm 2024, thành phố đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 1.241 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 4.345,1 tỷ đồng; số doanh nghiệp thành lập mới tương đương so với cùng kỳ năm 2023 nhưng số vốn đăng ký giảm 22,4%. Điều này, thể hiện sự thận trọng của doanh nghiệp mới thành lập trong đầu tư khi bắt đầu gia nhập thị trường.
Trong khi đó, về thu hút đầu tư, cộng dồn từ đầu năm 2024 đến ngày 15/4/2024, thành phố đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 5 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký mới 8.415 tỷ đồng; thu hút được 21,658 triệu USD đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Đặc biệt, một dấu hiệu tích cực của thị trường khi số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2023 (tương đương với 952 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc)… Lũy kế đến ngày 31/3/2024, trên địa bàn thành phố có 40.223 doanh nghiệp và chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động. Đóng góp của doanh nghiệp trong tổng thu nội địa trên địa bàn thành phố năm 2023 đạt 13.802,7 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 75,7% trong tổng thu nội địa trên địa bàn (18.236,4 tỷ đồng).
TP. Đà Nẵng đã và đang triển khai hành loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển. |
Theo ông Trần Văn Vũ, Cục trưởng Cục Thống kê TP. Đà Nẵng, trong quý I/2024 ghi nhận sự dần phục hồi của nền kinh tế của địa phương sau một năm chững lại, bởi những biến động về tình hình địa chính trị quốc tế, các chi phí tăng cao, cầu tiêu dùng suy giảm trong năm vừa qua.
Trong đó, hoạt động dịch vụ, du lịch của thành phố tiếp tục là động lực tăng trưởng quan trọng. Lĩnh vực công nghệ thông tin và xuất khẩu phần mềm tiếp tục tăng trưởng ổn định; hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư được đẩy mạnh, nhất là trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt khá và cao hơn so với cùng kỳ năm 2023 (tăng 1.158 tỷ đồng về giá trị và tăng 11,06% về tỷ lệ so với dự toán).
Tuy nhiên, trước khó khăn thách thức của nền kinh tế, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng trên địa bàn thành phố vẫn tiếp tục tăng (tăng 14,1%) so với cùng kỳ năm 2023 (tương đương 2.897 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc). Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố có 221 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện hoàn tất thủ tục giải thể và rút lui khỏi thị trường, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2023. Bên cạnh đó, thành phố đã tiến hành thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đối với 5 doanh nghiệp với số vốn giảm là 100,7 tỷ đồng.
Trước đó, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường ở Đà Nẵng cũng đã có xu hướng gia tăng trong các tháng đầu năm 2023, do sức chống chịu bị bào mòn sau thời gian dài gồng mình chống dịch, trong khi những khó khăn, thách thức phải đối mặt lại ngày càng gia tăng buộc nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể…
Hàng loạt chính sách hỗ trợ
Năm 2024, Đà Nẵng tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, thực hiện hiệu quả chủ đề của năm là “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tiếp tục khơi thông các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội”. Trong đó, ưu tiên thu hút công nghiệp công nghệ cao, trọng tâm là công nghệ thiết kế vi mạch bán dẫn, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ số… đón đầu dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang dịch chuyển sang Việt Nam…
Từ đầu năm 2024 đến nay, tại Đà Nẵng số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2023 |
Theo nhiều người, có được những tín hiệu khởi sắc của kinh tế xã hội, đặc biệt số lượng doanh nghiệp quay lại thị trường như thời gian vừa qua, là cộng hưởng của nhiều chính sách mà Đà Nẵng đã và đang triển khai. Trước đó, thành phố đã triển khai hành loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển. Đến nay, nhiều chính sách đã và mang lại hiệu quả thiết thực góp phần giúp các doanh nghiệp thụ hưởng ổn định, phát triển sản xuất, kinh doanh...
Cụ thể, hiện thành phố đang thực hiện 55 chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn. Trong đó, có 38 chính sách hỗ trợ Trung ương ban hành và 17 chính sách hỗ trợ tại địa phương do thành phố ban hành. Nhìn chung các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được ban hành kịp thời, giải quyết khó khăn trước mắt của doanh nghiệp, tạo nguồn lực tài chính cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh và tăng thêm động lực để doanh nghiệp phát triển. Từ đó, đóng góp đáng kể tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố…
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều chính sách vẫn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu ngày càng cao của cộng đồng doanh nghiệp, như chính sách tiếp cận đất đai; nhất là cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh, số lượng doanh nghiệp chạm được các chính sách còn quá ít. Nguyên nhân có thể đến từ chính nội tại của các chính sách vì đưa ra tiêu chí điều kiện quá khắt khe; chính sách dàn trải, thiếu thực tế; quy mô, nguồn lực yếu; nhưng cũng không ngoại trừ yếu tố kém linh hoạt trong thực thi công vụ, thủ tục hành chính còn rườm ra, chồng chéo gây cản trở doanh nghiệp tiếp cận...
Đà Nẵng xác định “sức khỏe” của doanh nghiệp, nhà đầu tư là yếu tố hàng đầu quyết định đến sự phát triển. |
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch TP. Đà Nẵng cho rằng, thời gian qua thành phố đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhân lực du lịch hiệu quả như hỗ trợ cho vay chuyển đổi nghề; miễn phí tham quan các di tích, danh thắng, bảo tàng…qua đó hỗ trợ ngành du lịch từng bước phục hồi sau Covid-19... Tuy nhiên một số doanh nghiệp du lịch ở địa phương hiện vẫn khó về tiền thuê lại đất. Bởi vậy, ông Dũng đề xuất chính quyền thành phố có hỗ trợ về tiền thuê lại đất. Song song với đó, cần chú trọng khai thác, mở rộng thêm các sản phẩm du lịch để thu hút du khách, đặc biệt là sản phẩm du lịch biển...
Tiếp tục chăm lo cho “sức khoẻ” của doanh nghiệp trong thời gian tới, được biết Đà Nẵng sẽ thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong thực tiễn của các doanh nghiệp. Trong đó, tập trung các nội dung liên quan đến tiếp cận đất đai, các chính sách hỗ trợ cho thuê lại đất, chênh lệch trong mức phí sử dụng hạ tầng tại các khu công nghiệp; sớm đưa cụm công nghiệp Cẩm Lệ đi vào hoạt động; các vướng mắc về phòng cháy, chữa cháy; tổ chức các chương trình hỗ trợ, đào tạo doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, chuyển đổi số… Đồng thời, khảo sát các doanh nghiệp về mức độ tiếp cận chính sách, tuyên truyền về triển khai chính sách để doanh nghiệp có thể nắm bắt và thực hiện...
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng từng khẳng định, thành phố xác định “sức khỏe” của doanh nghiệp, nhà đầu tư là yếu tố hàng đầu quyết định đến sự phát triển; đặc biệt sức mạnh nội lực của các doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng. Bởi, đây chính là nhân tố bảo đảm việc phát huy hiệu quả các nguồn ngoại lực, tạo thành nguồn lực tổng hợp to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội.