Đà Nẵng chuyển đổi đất rừng để đầu tư các dự án trọng điểm
Đà Nẵng sẽ chuyển đổi 29,73 ha diện tích đất rừng trồng là đất rừng sản xuất sang mục đích khác tại dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí tổng hợp Làng Vân |
Theo đó, UBND thành phố đã có tờ trình chuyển chuyển đổi 29,73 ha diện tích đất rừng trồng là đất rừng sản xuất sang mục đích khác tại dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí tổng hợp Làng Vân tại phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu).
Ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, dự án này được quy hoạch trên khu đất có diện tích gần 1.000 ha do Công ty cổ phần Vinpearl làm chủ đầu tư. Tổng vốn đầu tư của dự án dự kiến 35.000 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, sẽ góp phần hình thành cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch, đô thị cao cấp, sản phẩm dịch vụ du lịch đẳng cấp, góp phần tạo việc làm cho người dân địa phương…
Bên cạnh đó, UBND thành phố cũng có tờ trình đề nghị chuyển 43,88 ha đất rừng sản xuất sang mục đích khác tại dự án Khu công nghiệp Hòa Ninh, nằm trên địa bàn huyện Hòa Vang. Được biết, toàn bộ diện tích trên đều là rừng trồng, từ nguồn vốn của nhân dân, cây trồng chủ yếu là cây keo lá tràm. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng diện tích đất trên tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan gồm Luật Lâm nghiệp 2017; Luật Đất đai, Luật Đầu tư. Đồng thời, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch lâm nghiệp quốc gia theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
Sau khi có chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng của HĐND thành phố, UBND TP. Đà Nẵng sẽ triển khai các bước tiếp theo gồm: Quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng, thu hồi rừng, trồng rừng thay thế và các thủ tục có liên quan về đất đai theo quy định. Được biết, dự án Khu công nghiệp Hòa Ninh do Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các Khu Công nghiệp Đà Nẵng làm chủ đầu tư. Việc đầu tư Khu công nghiệp này phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng. Đặc biệt, khu công nghiệp này sẽ được phát triển theo hướng sinh thái, thông minh có cơ sở hạ tầng đồng bộ, đảm bảo hợp lý trong sản xuất, bố trí bến bãi, kho tàng theo mô hình cộng sinh công nghiệp, sử dụng các hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại, không gây ảnh hướng đến môi trường...
Bên cạnh hai dự án trên, Đà Nẵng cũng chấp thuận chuyển đổi gần 5 ha diện tích rừng sản xuất để làm hộc rác số 7 tại bãi rác Khánh Sơn, chuẩn bị cho tình huống 2 nhà máy xử lý chất thải rắn không như tiến độ. Theo báo cáo của UBND thành phố, khối lượng rác phát sinh trên địa bàn thành phố khoảng 1.100 tấn/ngày, được xử lý bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh tại bãi rác Khánh Sơn. Dự báo đến năm 2025, khối lượng rác đạt trên 1.500 tấn/ngày và đến năm 2040 đạt khoảng 3.000 tấn/ngày... Bởi vậy, việc đầu tư nâng cấp, cải tạo một số hạng mục Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn giai đoạn 2, cụ thể là xây dựng Hộc rác số 7 là cấp thiết.
Hiện, thành phố đang nỗ lự xử lý hài hòa quyền lợi của các hộ dân được giao khoán đất rừng, quyền lợi sinh kế của họ; đồng thời, có giải pháp thu hồi rừng phù hợp, tận dụng mảng xanh, tránh tình trạng thay đổi quá nhiều đến cảnh quan...