Đà Nẵng đặt mục tiêu kinh tế số chiếm 35-40% GRDP vào năm 2030
Sáng 25/10, Hội thảo Quốc gia về Chính phủ số 2024 đã diễn ra tại Đà Nẵng với chủ đề “Đà Nẵng - Thành phố xanh và bền vững: Cơ hội đầu tư và phát triển thương mại trong thời đại mới”. Hội thảo do Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng phối hợp với Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế IDG Việt Nam cùng các hiệp hội công nghệ và truyền thông hàng đầu tổ chức, quy tụ gần 300 đại biểu từ nhiều lĩnh vực trong nước và quốc tế.
Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Anh Thi, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tổ chức Hội thảo Chính phủ số và vinh danh những lãnh đạo chuyển đổi số xuất sắc, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của Việt Nam.
Bà Thi cho biết Đà Nẵng đã có nền tảng chính quyền điện tử từ năm 2014 và đến nay đã triển khai thành công nhiều dịch vụ công tiện ích, ứng dụng công nghệ vào công tác quản lý đô thị và phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Đà Nẵng hiện có tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt 95%, cao nhất cả nước, cùng với tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến toàn trình đạt 65%.
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng Trần Ngọc Thạch chia sẻ rằng địa phương đang tích cực thực hiện các giải pháp cải tiến, như đa dạng hóa hình thức hỗ trợ nộp hồ sơ trực tuyến, kế thừa dữ liệu số và sử dụng mã QR trên kết quả thủ tục hành chính.
Đà Nẵng đặt mục tiêu kinh tế số chiếm 35-40% GRDP vào năm 2030. |
Về kinh tế số, Đà Nẵng đạt tỷ lệ đóng góp 20,7% vào GRDP năm 2023, vượt mục tiêu đề ra cho năm 2025 và đạt 2,3 doanh nghiệp công nghệ số trên mỗi 1.000 dân, gấp ba lần trung bình cả nước. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030, kinh tế số sẽ chiếm 35-40% GRDP, đồng thời hoàn thành hệ thống đô thị thông minh kết nối với mạng lưới ASEAN.
Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội, ban hành vào tháng 6/2024, đã cho phép Đà Nẵng triển khai các cơ chế đột phá trong phát triển công nghệ, thu hút đầu tư, thử nghiệm chính sách và phát triển nguồn nhân lực về vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, hỗ trợ Đà Nẵng đạt được mục tiêu phát triển đô thị thông minh và bền vững.
Bà Nguyễn Thị Anh Thi cũng kỳ vọng hội thảo sẽ đem đến những sáng kiến thiết thực nhằm giải quyết các vấn đề về thể chế, hạ tầng và dữ liệu số, nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công và quản lý đô thị, góp phần xây dựng thành phố thông minh.
Được tổ chức thường niên từ năm 2005, Hội thảo Quốc gia về Chính phủ số là sự kiện trọng điểm, tạo diễn đàn để các nhà lãnh đạo, chuyên gia và nhà đầu tư cùng trao đổi chính sách và giải pháp, thúc đẩy hệ thống Chính phủ điện tử, hỗ trợ quá trình vận hành và quản lý nhà nước hiện đại.