Đà Nẵng: Doanh nghiệp “đau đầu” với bài toán nhân lực
“Đỏ mắt” tìm người lao động
Theo thống kê của Sở Lao động Thương binh và xã hội TP. Đà Nẵng, lực lượng lao động hiện đang làm việc trong các ngành kinh tế, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn khoảng 630 nghìn người. Trung bình mỗi năm có từ 30 đến 35 nghìn người vào độ tuổi lao động và có khoảng 15 nghìn học sinh, sinh viên và các học viên học đào tạo nghề ra trường… Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp ở địa phương vẫn đang “đau đầu” với bài toán nguồn nhân lực.
Vào thời điểm cuối năm như hiện nay, số lượng đơn hàng của doanh nghiệp bắt đầu tăng cao, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp ở địa phương lại đang thiếu lao động. Tại các Khu công nghiệp Hoà Khánh, Hòa Cầm hay Khu công nghiệp An Đồn… nhiều công ty đang đăng tuyển lao động. Dù đưa ra các chế độ đãi ngộ hấp dẫn về lương, thưởng, hỗ trợ tìm nhà trọ… song nhiều nơi vẫn không tìm đủ công nhân.
Công ty TNHH Daiwa Đà Nẵng 100% vốn đầu tư Nhật Bản, ở Khu công nghiệp Hòa Khánh. Đây là doanh nghiệp sản xuất dụng cụ câu cá. Doanh nghiệp này dự tính mở rộng quy mô sản xuất, tăng công suất sản xuất lên 30%, cần tuyển dụng thêm 300 lao động, song vẫn không tuyển đủ lao động, đặc biệt là lao động phổ thông. Theo đại diện công ty, so với thời gian trước, việc tuyển dụng công nhân phổ thông hiện nay rất khó khăn. Dù doanh nghiệp này đã thay đổi nhiều chính sách trong tuyển dụng cũng như chính sách việc làm để thu hút người lao động. Đơn cử như, đơn giản hóa quá trình tuyển dụng. Theo đó, ứng viên chỉ cần đăng ký căn cước công dân và số điện thoại, bộ phận nhân sự sẽ gọi điện phỏng vấn và tuyển dụng trực tuyến.
Tương tự, ông Okuda Hiroyuki, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Murata, Khu công nghiệp Hòa Khánh cũng cho biết, một trong những thách thức lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp đó là tuyển dụng lao động phổ thông. Thời gian qua, do tình hình sản xuất tăng cao, công ty cần tuyển nhiều nhân sự để đáp ứng nhu cầu mở rộng và đảm bảo chất lượng sản phẩm. Chúng tôi mong muốn nhận được sự hỗ trợ của cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức đào tạo để cải thiện nguồn nhân lực về số lượng cũng như chất lượng.
Đang có sự mất cân đối giữa cung và cầu nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp ở Đà Nẵng. |
Cung cầu lệch pha?
Để giải quyết nhu cầu nhân lực cho doanh nghiệp, Sở Lao động thương binh xã hội thành phố Đà Nẵng đã tham mưu cho UBND thành phố thực hiện nhiều kế hoạch để thu hút thị trường lao động. Trung tâm giới thiệu việc làm thành phố phối hợp với doanh nghiệp tổ chức phiên giao dịch việc làm định kỳ vào thứ 6 hằng tuần tại 3 địa điểm.
Bên cạnh đó, từ đầu năm 2024 đến nay, Sở Lao động thương binh xã hội thành phố cũng đã tổ chức tổng cộng nhiều phiên “Ngày hội việc làm”. Trong đó, có 2 phiên được tổ chức tại 2 trường đại học và 2 phiên ở 2 các địa phương để giới thiệu cho quân nhân xuất ngũ và người lao động trên địa bàn. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là số doanh nghiệp tuyển dụng nhiều, song người lao động đến các phiên giao dịch việc làm lại rất ít. Điều này, cho thấy sự mất cân đối giữa cung và cầu ở người lao động.
Trên thực tế, nguồn cung lao động tại TP. Đà Nẵng không hề nhỏ. Song, các doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động. Nguyên nhân đầu tiên, dẫn đến việc thiếu hụt lao động là do người lao động chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp như kỹ năng lao động, tác phong lao động. Bên cạnh, một số bộ phận người lao động đang có xu hướng chuyển sang lao động tự do, kinh doanh… Trong khi, mức lương tối thiểu khoảng hơn 4,4 triệu/người/tháng; tiền lương bình quân của doanh nghiệp ngoài nhà nước là 5,5 triệu/người/tháng… cũng chưa đủ sức hấp dẫn người lao động.
Đặc biệt, hiện nay các địa phương lân cận Đà Nẵng cũng đang có nhiều chính sách phát triển khu công nghiệp và thu hút doanh nghiệp và người lao động về làm việc. Trên thực tế, thời gian gần đây các khu công nghiệp của nhiều địa phương lân cận như Quảng Nam, Quảng Ngãi hay Thừa Thiên - Huế đang có nhu cầu tuyển dụng khá nhiều. Nhiều người lao động ở đây đã chọn làm việc gần nhà, thay vì khăn gói vào Đà Nẵng như trước đây.
Việc các doanh nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng đang thiếu hụt nhân sự, đặc biệt là lao động phổ thông, là bài toán khiến cả doanh nghiệp và chính quyền cần tính toán và giải quyết. Bởi, nếu không có nguồn nhân lực thì việc phát triển sản xuất, kinh doanh thu hút đầu tư sẽ ảnh hưởng. Để giải được bài toán này, chính quyền địa phương cần có chính sách kết nối giữa trường học và doanh nghiệp, đào tạo theo nhu cầu thực tế. Đồng thời, có thêm những chính sách thu hút nguồn lao động từ các địa phương khác.
Về phía doanh nghiệp cũng cần có chính sách tiền lương hợp lý, chế độ phúc lợi xã hội hấp dẫn cho người lao động. Doanh nghiệp xây dựng môi trường lao động làm việc ổn định, góp phần giữ chân người lao động, để họ gắn bó với doanh nghiệp lâu dài.