Đà Nẵng lãng phí đầu tư xe buýt
Còn theo đánh của một số người đã từng đi xe buýt này, chất lượng tốt, nhân viên phục vụ tận tình, tài xế xe chạy chấp hành tốt luật giao thông, đậu đỗ đúng trạm…
Người dân chưa quan tâm sử dụng xe buýt |
Tuy nhiên, dịch vụ tốt là thế, nhưng sau gần hai tháng đi vào hoạt động, 5 tuyến xe buýt trợ giá ở Đà Nẵng rất ít người đi, thậm chí có chuyến chạy không khách. Theo thống kê của Trung tâm điều hành đèn tín hiệu giao thông vận tải công cộng, đến đầu tháng 2/2017, nghĩa là sau hơn một tháng đưa vào vận hành 5 tuyến xe buýt có trợ giá, thì bình quân chỉ 4,2 lượt hành khách/lượt xe.
Đây là con số quá nhỏ so với một chiếc xe có sức chứa 40 chỗ ngồi. Sự kỳ vọng vào hệ thống xe buýt công cộng thay cho phương tiện cá nhân trong tương lai vẫn còn rất xa vời.
Chính vấn đề này khiến nhiều người hoài nghi về hiệu quả của phương tiện công cộng, mặc dù đây là loại hình có trợ giá của nhà nước… Hàng năm, ngân sách địa phương phải chi khoảng 2 tỷ đồng/năm để trợ giá, nhưng hiệu quả hoạt động của 5 tuyến buýt vẫn đang là dấu hỏi lớn bởi người dân Đà Nẵng dường như không mặn mà.
Trước đó, để giảm thiểu phương tiện cá nhân tham gia giao thông, tháng 12/2016, UBND TP. Đà Nẵng đưa vào hoạt động 5 tuyến xe buýt có trợ giá, hoạt động trên địa bàn thành phố. 5 tuyến xe buýt này sau khi đưa vào vận hành chính quyền TP. Đà Nẵng giao cho Trung tâm Điều hành Đèn tín hiệu giao thông vận tải công cộng thuộc Sở Giao thông - Vận tải quản lý về hoạt động và Công ty cổ phần Công nghiệp Quảng An 1 vận hành.
Thời gian hoạt động từ 5h - 21h hàng ngày, với tần suất 10 phút/chuyến vào giờ cao điểm và 20 phút/chuyến vào giờ bình thường, với giá vé chung trên tất cả các tuyến một lượt 5 nghìn đồng.
Để khuyến khích người dân làm quen và sử dụng 5 tuyến buýt mới, Đà Nẵng phê duyệt chủ trương miễn phí cho mọi hành khách đi trên 5 tuyến xe buýt có trợ giá trong vòng 1 tháng kể từ ngày khai trương. 5 tuyến xe buýt này có 61 xe luân phiên hoạt động theo tiêu chuẩn B40 được đầu tư mới, trang bị hệ thống điều hòa, kiểm soát vé, niêm yết rõ ràng các thông tin về tuyến, cùng hệ thống camera giám sát an ninh trên xe.
Thế nhưng những kỳ vọng của chính quyền thành phố không thành hiện thực. Đơn cử, trên tuyến xe buýt số 07 từ bến xe Phạm Hùng đến bến xe Xuân Diệu, lúc nào cũng không quá 10 hành khách trên chiếc xe 40 chỗ ngồi... Theo một nhân viên soát vé, hầu như chuyến xe nào cũng như vậy, rất ít khách và tình trạng xe chạy nhưng không có khách diễn ra thường xuyên. Nhân viên này chia sẻ, làm theo ca, mỗi ca chạy 6 chuyến và có ca chỉ bán được khoảng hơn 15 vé...
Việc đầu tư xe buýt tại Đà Nẵng là cần thiết, nhưng theo phương thức nào để tránh lãng phí là vấn đề đang được dư luận quan tâm. Nguyên nhân, theo một số tài xế thì do cự ly đường trong thành phố ngắn nên hầu hết người dân thường có thói quen sử dụng phương tiện cá nhân. Cùng đó, các tuyến buýt bố trí chưa hợp lý, về nguyên lý phải đi ngang qua trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại… nhưng hiện các tuyến đều có bất cập nên không thu hút được khách.
Còn theo tài xế xe buýt tuyến Hoàng Diệu - Lotte, ông Nguyễn Văn Hòa, một trong những bất cập lớn nhất cản trở người dân sử dụng rộng rãi dịch vụ xe buýt công cộng tại Đà Nẵng hiện nay là việc đặt biển ở trạm dừng vẫn chưa phù hợp với thực tế. Cạnh đó, chính thói quen tùy tiện đậu đón khách không đúng nơi quy định của những tuyến xe buýt trước đây nên thời gian đầu, người dân vẫn chưa quen với việc đến trạm dừng để lên và xuống xe.
Để người dân sử dụng xe buýt thường xuyên, trước tiên chúng ta cần phải khớp nối nhiều tuyến xe buýt với nhau. Bởi hiện vị trí các trạm thường cách nhau khá xa nên người dân có tâm lý e ngại vì phải di chuyển xa. Một thực trạng khác, hiện phần lớn người dân đi xe buýt vẫn chưa nắm rõ lộ trình cụ thể của từng tuyến, do đó ngành chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền thông tin về xe buýt công cộng để người dân được biết.
Còn nói về tính hiệu quả của các tuyến xe buýt nói trên, một chuyên gia cho rằng, Đà Nẵng cần hệ thống xe buýt, nhưng có nên mở ngay một hệ thống xe buýt như hiện nay hay không? Bởi hệ thống đường sá trong nội thành quá ngắn. Do đó, trước khi đưa vào thực tế cần thực hiện khảo sát nhu cầu sử dụng của người dân.
Cùng đó, khảo sát tuyến, phân tuyến như thế nào cho hợp lý, phù hợp với nhu cầu đi lại của hành khách. Chứ không phải cứ nói triển khai là đầu tư ngay dẫn đến không mang lại hiệu quả, gây lãng phí, tốn kém ngân sách. Đưa xe buýt vào hoạt động với mục đích tăng cường các phương tiện công cộng phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, giảm các loại phương tiện cá nhân chứ không phải cứ có xe buýt là văn minh, để rồi lãng phí
Rõ ràng, tất cả các phương án, giải pháp đều cần có thời gian để đi vào thực tế và phát huy hiệu quả. Song với những gì diễn ra trong gần hai tháng hoạt động của các tuyến xe buýt có trợ giá, Đà Nẵng còn nhiều việc cần làm để tránh tình trạng lãng phí tiền và công sức đầu tư.