Đà Nẵng nỗ lực phát triển nhà ở xã hội
Chị Lê Thị Mai, sống trong căn hộ 51,5m2 gồm 2 phòng ngủ tại khu chung cư Phong Bắc, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ (Đà Nẵng). Chị là một giảng viên của Trường Đại học sư phạm (Đại học Đà Nẵng) đã may mắn tiếp cận được chương trình nhà ở xã hội từ cách đây 5 năm và được Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội quận Liên Chiểu hỗ trợ vay gần 50% giá trị căn hộ. Chị Mai chia sẻ, nếu không tiếp cận chương trình cho vay ưu đãi mua nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ, có thể bây giờ gia đình chị vẫn đang ở trọ. Bởi lẽ, với đồng lương giáo viên eo hẹp, cộng nhiều khoản tiêu dùng cá nhân, chị khó có cơ hội tích góp đủ tiền mua nhà, đất.
Chị Mai thông tin thêm, năm 2018, chị được tổ chức Công đoàn trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) giới thiệu các chương trình tín dụng chính sách, trong đó có chương trình vay mua nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP. Theo đó, chị có thể vay tối đa 80% giá trị căn nhà trong thời gian 25 năm, lãi suất trung bình khoảng 4,8%/năm. Vậy là chị quyết định liên hệ với Ngân hàng Chính sách xã hội quận Liên Chiểu nhờ hướng dẫn, làm hồ sơ vay vốn.
Khó có thể tả hết niềm hạnh phúc của người dân có thu nhập thấp khi tiếp cận được các chính sách về nhà ở xã hội. Đây cũng là động lực để chính quyền và cơ quan chức năng Đà Nẵng tiếp tục quan tâm, triển khai các chương trình nhà ở xã hội để tạo điều kiện cho người dân thành phố “an cư để lạc nghiệp”.
UBND Đà Nẵng giao UBND các quận, huyện thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về quy hoạch, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội |
Đến nay, UBND Đà Nẵng ban hành nhiều chính sách liên quan đến nhà ở. Thành phố đã ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh Chương trình phát triển nhà ở Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030. Chương trình hướng đến mục tiêu phát triển nhà ở phải tuân thủ các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển đô thị bền vững theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và thực tế phát triển kinh tế - xã hội của thành phố theo từng thời kỳ... Theo đó, các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị hình thành mới phải được quy hoạch xây dựng theo hướng nhà ở xanh, đô thị thông minh, ứng dụng công nghệ số, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Các khu đô thị, khu nhà ở phải quy hoạch, đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; tăng tỷ trọng nhà ở có diện tích trung bình, giá cả hợp lý phù hợp với khả năng chi trả của đa số người dân; tập trung cải tạo, xây dựng lại kết hợp với chỉnh trang, tái thiết đô thị đối với các nhà khu chung cư cũ, nhà ở và khu phố cũ...
Chính quyền Đà Nẵng đặt mục tiêu đạt tỷ lệ nhà ở kiên cố đến năm 2025 đạt hơn 70%, diện tích nhà ở bình quân 30m2 sàn/người với tổng diện tích sàn nhà ở dự kiến đầu tư xây dựng hơn 13 triệu m2 sàn. Trong đó, dự kiến hoàn thành hơn 10,22 triệu m2 sàn. Tỷ lệ nhà ở kiên cố đến năm 2030 đạt hơn 95%, diện tích nhà ở bình quân đạt 32m2 sàn/người với tổng diện tích sàn nhà ở dự kiến đầu tư xây dựng từ năm 2026-2030 hơn 12,38 triệu m2. Trong đó, dự kiến hoàn thành hơn 9,4 triệu m2 sàn.
Trong giai đoạn 2021-2030, tổng diện tích đất ở để xây dựng nhà ở trên địa bàn là 2.145ha, tổng nhu cầu vốn đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn khoảng 181.130 tỷ đồng. Trong Chương trình phát triển nhà ở được điều chỉnh, UBND Đà Nẵng định hướng và có giải pháp phát triển các loại hình nhà ở như: nhà ở xã hội, nhà ở thương mại, nhà ở tái định cư, nhà ở công vụ, nhà ở của hộ gia đình và cá nhân, cải tạo và xây dựng lại nhà chung cư...
Quan tâm phát triển nhà ở xã hội
Đối với việc phát triển nhà ở xã hội, mới đây nhất, UBND Đà Nẵng ban hành văn bản số 2765/UBND-SXD giao các sở, ngành chức năng, UBND các quận, huyện triển khai Quyết định số 338/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030 và văn bản số 2199/UBND-ĐTĐT của Bộ Xây dựng về việc triển khai thực hiện Đề án.
UBND Đà Nẵng giao các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục rà soát, đề xuất phân cấp, đơn giản hóa, rút ngắn các thủ tục hành chính về đầu tư, quy hoạch, đất đai, xây dựng... theo thẩm quyền; ưu tiên giải quyết các hồ sơ, thủ tục liên quan đến các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Trong đó, có việc thực hiện bố trí quỹ đất nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị.
Sở Xây dựng có nhiệm vụ là cơ quan đầu mối tham mưu UBND thành phố triển khai Đề án; hướng dẫn, đôn đốc và giải quyết những khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền và báo cáo UBND thành phố xem xét, quyết định đối với trường hợp vượt thẩm quyền; định kỳ tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện Đề án. Xây dựng nội dung điều chỉnh Kế hoạch phát triển nhà ở thành phố giai đoạn 2021-2025 phù hợp với Chương trình phát triển nhà ở thành phố giai đoạn 2021-2030, trình UBND thành phố phê duyệt trong quý IV/2023.
UBND thành phố yêu cầu Sở Xây dựng thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về quy hoạch, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội trong quá trình thẩm định các đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền. Lưu ý, khi quy hoạch các khu đô thị mới, khu công nghiệp mới phải kèm theo quy hoạch nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đảm bảo hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo quy định; bố trí các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân độc lập tại các vị trí phù hợp, thuận tiện, có quy mô lớn, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Đồng thời, rà soát, thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về việc dành 20% quỹ đất ở đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để đầu tư phát triển nhà ở xã hội. Công khai, giới thiệu quỹ đất đầu tư nhà ở xã hội cho doanh nghiệp để nghiên cứu, đề xuất đầu tư…
Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thực hiện rà soát quỹ đất 20% dành để xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị nhưng chưa sử dụng để lựa chọn, giao các chủ đầu tư khác thực hiện dự án nhà ở xã hội. Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND thành phố phê duyệt và công bố Danh mục dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội độc lập phải lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu để doanh nghiệp quan tâm, nghiên cứu, đề xuất tham gia. Tham mưu UBND thành phố bố trí kế hoạch vốn để triển khai các dự án đầu tư xây dựng nhà ở từ nguồn vốn ngân sách thành phố.
UBND thành phố giao UBND các quận, huyện thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về quy hoạch, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội trong quá trình thẩm định, phê duyệt các đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền. Lưu ý, khi quy hoạch các khu đô thị mới, khu công nghiệp mới nhất thiết phải kèm theo quy hoạch nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đảm bảo hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo quy định; bố trí các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân độc lập tại các vị trí phù hợp, thuận tiện, có quy mô lớn, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội…