Đà Nẵng: Thiếu mặt bằng, doanh nghiệp khó mở rộng sản xuất
Thiếu mặt bằng sản xuất
Tại buổi gặp mặt giữa lãnh đạo thành phố Đà Nẵng với cộng đồng doanh nghiệp cách đây không lâu, nhiều doanh nghiệp cho biết có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh trong năm 2023, tuy nhiên còn đang gặp nhiều khó khăn vướng mắc, nhất là do thiếu mặt bằng sản xuất.
Bà Mai Thị Ý Nhi - Giám đốc kinh doanh Công ty Mỹ Phương Foods, cho biết cũng như nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa khác, khó khăn lớn nhất hiện nay của công ty là thiếu mặt bằng, nguồn vốn đầu tư mở rộng sản xuất và mong muốn có được nhà xưởng tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã được quy hoạch.
Ông Trần Anh Khoa, Giám đốc Công ty TNHH Hân Thịnh Phát - doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực in ấn, cũng trăn trở: Doanh nghiệp muốn mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó tạo việc làm nhiều hơn cho người lao động. Song, mặt bằng sản xuất còn hạn chế, vài trăm mét vuông diện tích đất doanh nghiệp hiện có thì không thể mở rộng quy mô.
Nhà máy của Mabuchi Motor tại Đà Nẵng dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất, nhưng phải đối mặt với vấn đề về đảm bảo không gian. |
Thực tế cho thấy, hiện Đà Nẵng còn nhiều doanh nghiệp phải nằm lẫn trong các khu dân cư. Điều này không những hạn chế về mặt bằng sản xuất mà còn tiềm ẩn những rủi ro lớn về ô nhiễm môi trường, cháy nổ, giao thông.
Tương tự, ông Nakaya Yoichi - Giám đốc Công ty TNHH Mabuchi Motor Đà Nẵng, cho biết hiện nhà máy tại Đà Nẵng là một trong những cứ điểm quan trọng của Tập đoàn Mabuchi (Nhật Bản) và dự kiến sẽ được tiếp tục mở rộng quy mô trong tương lai. Để thực hiện mục tiêu này, doanh nghiệp cần thành phố hỗ trợ về nhân lực chất lượng cao và mặt bằng sản xuất.
Mabuchi hiện đang tiếp tục đầu tư các thiết bị cần thiết để sản xuất các sản phẩm mới, tuy nhiên nếu mở rộng quy mô thì công ty phải đối mặt với thiếu hụt không gian hoạt động.
Theo ông Phạm Đắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Đà Nẵng, mặt bằng sản xuất ổn định có thể đóng góp đến 50% vào thành công của doanh nghiệp. Những năm qua, để góp phần giải bài toán mặt bằng sản xuất cho doanh nghiệp, chính quyền Đà Nẵng đã ban hành một loạt chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc thuê đất phục vụ sản xuất kinh doanh, tuy nhiên khi đưa vào thực hiện vẫn còn khá nhiều bất cập.
Hạ tầng công nghiệp đầu tư chậm
Trước yêu cầu cấp thiết phải phát triển hạ tầng công nghiệp mới, ngay từ năm 2019, Đà Nẵng đã ban hành các quyết định quy hoạch Khu công nghiệp Hòa Cầm giai đoạn II (120 ha, tổng vốn đầu tư hơn 2,1 ngàn tỷ đồng), Khu công nghiệp Hòa Ninh (400 ha, tổng vốn hơn 6 ngàn tỷ đồng), Khu công nghiệp Hòa Nhơn (360 ha, tổng vốn hơn 5,6 ngàn tỷ đồng).
Giữa năm 2020, cả 3 khu công nghiệp này được đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng. Nhưng sau đó, các nhà thầu không đáp ứng yêu cầu hồ sơ nên thành phố thông báo hủy thầu bước sơ tuyển.
Năm 2022, sau khi được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch 3 khu công nghiệp mới này, thành phố tiếp tục mời thầu các nhà đầu tư quan tâm, nộp hồ sơ. Tuy nhiên, cho đến nay, cả 3 khu công nghiệp này đều chưa tìm được chủ đầu tư xây dựng.
Song song với các khu công nghiệp mới thì từ năm 2018, Đà Nẵng cũng đã triển khai chủ trương đầu tư 3 cụm công nghiệp mới gồm: Cụm công nghiệp Cẩm Lệ giai đoạn I (29 ha), Cụm công nghiệp Hòa Nhơn (gần 25 ha), Cụm công nghiệp Hòa Khánh Nam (hơn 13 ha).
Tuy vậy, do những vướng mắc về mặt bằng, thủ tục, cơ chế vận hành mà đến nay vẫn chưa cụm công nghiệp nào được hoàn thành, đưa vào khai thác. Ngay cả cụm công nghiệp đã hoàn thiện hạ tầng vẫn chưa thể đưa vào khai thác do những vướng mắc về cơ chế.
Ông Phạm Đắc Bình chia sẻ, với hơn 90% doanh nghiệp của thành phố là nhỏ và siêu nhỏ, hàng ngàn cơ sở sản xuất trong khu dân cư, nhu cầu thuê hạ tầng trong các cụm công nghiệp với diện tích vừa phải, đáp ứng yêu cầu sản xuất là rất lớn. Thống kê sơ bộ, hiện có hơn 900 cơ sở muốn di dời vào cụm công nghiệp với nhu cầu sử dụng diện tích gần 200 ha để mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh. Nhưng ngay cả khi tất cả các cụm công nghiệp trên địa bàn được đưa vào khai thác thì vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu mặt bằng sản xuất của các doanh nghiệp.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Đà Nẵng kiến nghị, thành phố cần nhanh chóng đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới để có mặt bằng bố trí cho doanh nghiệp. Đồng thời, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được thuê mặt bằng phù hợp với năng lực tài chính.