Đà Nẵng vinh danh tổ tiết kiệm và vay vốn tiêu biểu
Phát biểu tại Hội nghị, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Đà Nẵng cho rằng, thời gian qua, các tổ TK&VV là cầu nối đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng người thụ hưởng, giúp người vay sử dụng vốn vay đúng mục đích và có hiệu quả. Các tổ trưởng tổ TK&VV như những con ong chăm chỉ giúp hàng ngàn hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo tiếp cận vốn vay để phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện cuộc sống; duy trì và tạo việc làm cho hàng trăm ngàn lao động; hỗ trợ hàng ngàn học sinh, sinh viên chi trả chi phí học tập; cho vay xây dựng hàng ngàn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường, nhà ở xã hội…
Nhờ những tổ trưởng tổ TK&VV tâm huyết và tận tụy, nguồn vốn tín dụng chính sách ngày càng phát huy hiệu quả trên địa bàn Đà Nẵng |
Đồng thời, việc chuyển tải hiệu quả đồng vốn đến người thụ hưởng góp phần ngăn chặn tệ cho vay nặng lãi, giúp người dân tự lập và khẳng định vị thế trong xã hội. Nhờ những tổ trưởng tổ TK&VV tâm huyết và tận tụy, nguồn vốn tín dụng chính sách không những phát huy hiệu quả mà còn được bảo toàn và ngày càng được mở rộng thông qua việc huy động vốn, chất lượng tín dụng được nâng cao. Trong số 1.880 tổ TK&VV có đến 1.828 tổ không có nợ quá hạn, chiếm tỷ lệ 97,23%/tổng số tổ.
Lãnh đạo TP. Đà Nẵng biểu dương 1.880 tổ TK&VV, đặc biệt 185 Tổ TK&VV tiêu biểu giai đoạn 2018-2023 được lựa chọn Vinh danh lần này. Ông Minh tin tưởng, các tổ trưởng tổ TK&VV sẽ tiếp tục duy trì và phát huy những thành tích đạt được, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong thời gian tới. Các tổ trưởng tổ TK&VV tiêu biểu hôm nay sẽ lan tỏa những kinh nghiệm, sự nhiệt huyết của mình đến các tổ trưởng khác và thế hệ tổ trưởng tương lai.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng đề nghị HĐND thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố và các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, giám sát và tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động tín dụng chính sách.
Đặc biệt, Chủ tịch UBND các phường, xã quản lý Tổ TK&VV thường xuyên quan tâm, theo dõi, giám sát và kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc để hoạt động của tổ TK&VV được thuận lợi. Các tổ trưởng tổ TK&VV tiếp tục làm tốt vai trò là cầu nối đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng. Cùng đó, chủ động, sáng tạo, đổi mới trong cách làm, lồng ghép đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động ủy nhiệm, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tổ viên vay vốn sử dụng vốn đúng mục đích nhằm phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn ưu đãi.
Theo ông Đoàn Ngọc Chung, Giám đốc NHCSXH TP. Đà Nẵng, giai đoạn 2018-2023, thông qua hoạt động của mạng lưới tổ TK&VV giúp chuyển tải 6.859 tỷ đồng vốn tín dụng chính sách đến tay 140.508 người thụ hưởng một cách nhanh chóng, thông suốt, bảo đảm công khai, dân chủ. Đến 31/7/2023, tổng dư nợ cho vay thông qua tổ TK&VV khoảng 4.363 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 98,46% trong tổng dư nợ của NHCSXH, tăng 2.725 tỷ đồng (+166%) so với đầu năm 2018. Hiện có 1.880 tổ TK&VV với 83.082 khách hàng vay vốn tại 56 xã, phường, tăng 84 tổ so với đầu năm 2018. Bình quân mỗi xã, phường có 33 tổ TK&VV đang hoạt động, mỗi tổ bình quân có 44 thành viên, tăng 8 thành viên so với đầu năm 2018; tổ TK&VV quản lý mức dư nợ bình quân 2.321 triệu đồng/tổ, tăng 1.409 triệu đồng so với đầu năm 2018.
Hiện NHCSXH TP. Đà Nẵng đang triển khai 13 chương trình tín dụng chính sách từ nguồn vốn Trung ương và 9 chương trình tín dụng chính sách từ nguồn vốn địa phương ủy thác được thực hiện thông qua tổ TK&VV. Giai đoạn 2018-2023, tổ TK&VV cùng NHCSXH triển khai một số chương trình tín dụng mới như: năm 2018 triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP; năm 2020 triển khai cho vay theo Quyết định số 3212/QĐ-UBND của UBND TP. Đà Nẵng để cho các hộ gia đình, cá nhân còn nợ tiền sử dụng đất tái định cư vay trả nợ đúng hạn và các hộ gia đình, cá nhân thuộc diện giải tỏa, di dời nhà vay xây nhà để ở. Năm 2021 cho vay người lao động trong lĩnh vực du lịch bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 từ nguồn vốn UBND thành phố ủy thác. Năm 2022 triển khai cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.
Trong khi đó, đến 31/7/2023 nợ quá hạn 1.157 triệu đồng, giảm 2.610 triệu đồng so với đầu năm 2018, tỷ lệ nợ quá hạn 0,027%, giảm 0,203% so với đầu năm 2018. Nợ khoanh 797 triệu đồng, giảm 893 triệu đồng so với đầu năm 2018, tỷ lệ nợ khoanh 0,018%, giảm 0,085% so với đầu năm 2018.
Từ năm 2018-2023 thực hiện bàn giao nợ giữa các địa phương 93 trường hợp với số tiền gốc 2.622 triệu đồng, xử lý thu hồi nợ giảm 402 trường hợp, với số tiền 4.046 triệu đồng. Bên cạnh đó, những tổ viên gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, tổ TK&VV báo cáo chính quyền địa phương phối hợp hội đoàn thể, NHCSXH lập hồ sơ đề nghị xử lý rủi ro, giai đoạn 2018-2023, đề nghị xử lý khoanh nợ 53 trường hợp với số tiền gốc 1.254 triệu đồng, xóa nợ 533 trường hợp với số tiền 4.709 triệu đồng.
Đặc biệt, việc triển khai nghiệp vụ nhận tiền gửi tổ viên tổ TK&VV đã đi đúng định hướng, từng bước tạo cho người nghèo ý thức dành tiền tiết kiệm để tạo lập vốn tự có, quen dần với hoạt động tín dụng, tài chính. Đồng thời, tạo thêm nguồn vốn để mở rộng cho vay trên địa bàn, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo tại địa phương. Đến 31/7/2023, số dư tiền gửi tổ viên trên 237 tỷ đồng, tăng 98 tỷ đồng so với đầu năm 2018, với 100% số tổ TK&VV có số dư tiền gửi; bình quân một tổ TK&VV có số dư tiền gửi 126 triệu đồng, một tổ viên có số dư tiền gửi bình quân 2,8 triệu đồng.