Đà Nẵng xã hội hoá nhà ở xã hội
Cung không đủ cầu
Từ năm 2005 đến nay, TP. Đà Nẵng đã triển khai 5 đề án phát triển nhà ở xã hội gồm: Đề án nhà ở xã hội dành cho nhân dân giai đoạn 2005 - 2010; Đề án 7.000 căn hộ phục vụ cho chương trình nhà ở cho nhân dân; Đề án xây dựng nhà ở cho sinh viên, học sinh trường trung học, cao đẳng; Đề án phát triển nhà ở cho công nhân trong các khu công nghiệp và Đề án xây dựng khu chung cư nhà ở xã hội bố trí cho người có công.
Mới đây, theo đại diện Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng, địa phương sẽ dự kiến hoàn thành 1.880 căn nhà ở xã hội trong năm 2024. Trong đó, tại chung cư nhà ở xã hội tại lô đất B4-2, thuộc Khu đô thị xanh Bàu Tràm Lakeside sẽ hoàn thành 1.461 căn, chung cư nhà ở xã hội đường Vũ Mộng Nguyên hoàn thành 209 căn và khu chung cư nhà ở xã hội Khu công nghiệp Hòa Khánh - Khối nhà B2 hoàn thành 210 căn.
Trong khi nhiều tỉnh, thành trên cả nước đang gặp nhiều vướng mắc, lúng túng khiến cho việc phát triển quỹ nhà ở xã hội gặp khó, thì Đà Nẵng bằng nhiều nỗ lực đã có những bứt phá. Theo đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, thành phố được Chính phủ giao chỉ tiêu hoàn thành 12.800 căn hộ chung cư nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030 (gồm 6.400 căn hộ trong giai đoạn 2021-2025 và 6.400 căn hộ trong giai đoạn 2026-2030).
Việc phát triển nhà ở xã hội đã được TP. Đà Nẵng chú trọng, thực hiện nhiều giải pháp như, quan tâm, bố trí quỹ đất “sạch”, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho thuê với quỹ nhà ở xã hội cho thuê cao nhất cả nước… Theo ông Lê Quang Nam, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, nhiều năm qua công tác phát triển nhà ở xã hội đã trở thành chủ trương, chính sách đặc thù của địa phương. Từ đó, góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở và thực hiện tốt công tác đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn thời gian qua.
Trên thực tế, dù nằm trong top địa phương dẫn đầu về đầu tư nhà ở xã hội của cả nước, song nguồn cung nhà ở xã hội của Đà Nẵng vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu. Trên địa bàn thành phố có rất nhiều gia đình muốn xin thuê nhà ở xã hội nhưng chưa được đáp ứng.
Hiện, nhiều công nhân đến từ các địa phương khác làm việc trong các khu công nghiệp trên địa bàn, song phải thuê nhà trọ nên cuộc sống rất khó khăn. Theo thống kê sơ bộ, Đà Nẵng hiện có khoảng 28.000 lao động ngoại tỉnh và lao động nước ngoài đang làm việc tại các khu công nghiệp, kéo theo nhu cầu về an cư tăng cao.
Ông Chuang Bo Wen, đại diện Công ty TNHH Foxlink (Khu Công nghệ cao Đà Nẵng) cho biết, hiện tại doanh nghiệp đang có nhu cầu sử dụng số lượng lớn người lao động nên rất cần có các dự án ở cho công nhân. Bởi vậy, đề xuất thành phố sớm bố trí thêm địa điểm xây dựng nhà ở cho công nhân để thu hút người lao động từ các địa phương khác.
Đà Nẵng đang kêu gọi đầu tư vào phân khúc nhà ở xã hội ở địa phương. |
Kêu gọi đầu tư nhà ở xã hội
Hiện, trên địa bàn Đà Nẵng có hai hình thức phát triển nhà ở xã hội là Nhà nước đầu tư xây dựng để cho thuê và doanh nghiệp đầu tư xây dựng dựng để bán và cho thuê. Triển khai chương trình phát triển nhà ở Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030, chính quyền địa phương đang tiếp tục dành quỹ nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước hiện có và bố trí nguồn vốn ngân sách để xây dựng nhà ở xã hội. Đối tượng được thuê như, hộ gia đình, cá nhân thuộc diện di dời, giải tỏa các khu chung cư, nhà tập thể xuống cấp thuộc sở hữu Nhà nước…
Bên cạnh việc đầu tư nhà ở xã hội từ nguồn vốn ngân sách, TP. Đà Nẵng cũng đang triển khai nhiều chính sách ưu đãi cho các chủ đầu tư nhằm gia tăng quỹ nhà ở xã hội theo chủ trương xã hội hoá. Trên thực tế, trước nhu cầu lớn về nhà ở của người dân và người lao động đang làm việc trên địa bàn, thành phố sẽ tiếp tục huy động nguồn ngân sách Nhà nước và kêu gọi đầu tư vào phân khúc nhà ở xã hội ở địa phương.
Đơn cử, dự án chung cư nhà ở xã hội Khu công nghiệp Hòa Khánh, do Công ty cổ phần Địa ốc xanh Sài Gòn Thuận Phước làm chủ đầu tư tại quận Liên Chiểu được Quỹ Đầu tư phát triển thành phố tài trợ vay vốn ưu đãi, thời hạn vay 4 năm, lãi suất 6,5%... Dự án này có tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng, được đầu tư trên diện tích hơn 3,8 ha tại Khu công nghiệp Hòa Khánh với quy mô 8 khối nhà, gần 2.000 căn hộ. Dự án khi đi vào hoạt động góp phần tạo nơi ở ổn định cho người dân có thu nhập thấp, chưa có nhà ở làm việc tại Khu công nghiệp Hòa Khánh và phụ cận…
Hỗ trợ cho nhà đầu tư, thành phố có các cơ chế hỗ trợ, ưu đãi đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội như, miễn tiền sử dụng đất, miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, vay vốn ưu đãi… Ngoài cơ chế hỗ trợ, ưu đãi đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội theo quy định, thành phố còn ưu tiên bố trí quỹ đất đã giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh để giao nhà đầu tư nhằm tạo điều kiện để nhà đầu tư sớm triển khai dự án.
Trong khi đó, về quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, Đà Nẵng đã rà soát, bổ sung quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội theo Chương trình phát triển nhà ở thành phố giai đoạn 2021-2030, lập 9 quy hoạch phân khu đô thị với tổng diện tích đất dự kiến 178 ha, trong đó, đang triển khai 64,4 ha, quy hoạch mới đến năm 2030 là 113,6 ha bảo đảm quỹ đất phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030 và giai đoạn tiếp theo.