Đại biểu Quốc hội: Vẫn còn thiếu thuốc, chuyển tuyến khó khăn
Quốc hội, cử tri và Nhân dân có quyền được biết về tình hình, tiến độ thực hiện cam kết của Chính phủ |
Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế vẫn còn
Đánh giá rất cao sự nỗ lực của Bộ Y tế trong việc giải quyết những vấn đề nóng và khó trong thời gian qua, nhưng đại biểu Nguyễn Anh Trí (TP. Hà Nội) đã chuyển đến Quốc hội một số ý kiến của cử tri về việc vẫn còn hiện tượng để thiếu thuốc, vật tư y tế cục bộ tại các bệnh viện công lập ở một số tỉnh, thành phố.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (TP. Hà Nội) |
“Chúng tôi được biết Bộ Y tế rất cố gắng để giải quyết tồn tại trên bằng cách đã có các văn bản pháp lý cần thiết nhằm mua sắm thuốc, vật tư y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Vậy đề nghị các tỉnh, thành, địa phương đôn đốc, kiểm tra để tổ chức mua sắm cho được cho đủ và cho đúng, xin đừng để tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư khám, chữa bệnh kéo dài thêm. Cập nhật trong mấy ngày vừa qua thì tình trạng này vẫn còn xảy ra tương đối phổ biến”, đại biểu Nguyễn Anh Trí tâm tư.
Đại biểu Nguyễn Công Hoàng (Thái Nguyên) |
Theo đại biểu Nguyễn Công Hoàng (Thái Nguyên), các nghị định, thông tư đã giải quyết được vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế nhưng lúc này cần tập trung vào vấn đề tập huấn cho các cơ sở y tế về công tác đấu thầu và quản lý đấu thầu, quản lý dự án. Bởi trước đây tất cả đều do Bộ Y tế đấu thầu tập trung, còn hiện nay, ngoài danh mục đấu thầu tập trung thì giao cho cơ sở y tế chủ động trong việc đấu thầu thuốc và cung ứng. Nhưng khi giao như vậy có bất cập là cơ sở chưa có người đủ năng lực để làm công việc này.
Vì vậy, đại biểu đề nghị, để nâng cao công tác thuốc và vật tư y tế cần phải nâng cao chất lượng cán bộ quản lý và đấu thầu cho các cơ sở y tế. Bên cạnh đó, phải nâng cao công tác dược lâm sàng để khi thiếu thuốc này, phải phối hợp với dược lâm sàng để thay thế bằng thuốc khác, chứ không phải thiếu thuốc này là cho bệnh nhân đi mua.
Giải trình vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, tại thời điểm này ngành y tế là một trong những ngành được ưu tiên, nhất là liên quan đến các cơ chế, chính sách để tháo gỡ vấn đề thuốc, vật tư y tế. Ví dụ như các ngành khác khi triển khai thực hiện mua sắm vẫn phải đảm bảo 3 báo giá thì riêng ngành y tế đã có những quy định tháo gỡ là chỉ cần có một báo giá trong trường hợp cần thiết vẫn đảm bảo được việc mua sắm.
Hiện nay vấn đề mua thuốc có 3 nơi đảm nhận. Bộ Y tế chỉ phụ trách vấn đề đấu thầu tập trung cấp quốc gia (chỉ chiếm khoảng từ 16 đến 18% tổng số), còn lại là đấu thầu tập trung cấp tỉnh và các cơ sở trực tiếp chủ động mua sắm.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan |
“Trong quá trình làm chúng tôi thấy tại sao cơ chế, chính sách đã tháo gỡ nhưng vẫn còn vướng mắc trong quá trình tổ chức thực tế. Trong tháng 8, tháng 10, Bộ đã liên tục có các văn bản đề nghị các nơi tổng hợp lại những vấn đề còn vướng mắc để bộ tiếp tục trình các cấp có thẩm quyền tháo gỡ”, bà Đào Hồng Lan nói và cho biết qua tổng hợp, còn một số việc cần tháo gỡ.
“Do việc triển khai thực tế ở địa phương rất nhiều cơ sở giao cho các đơn vị làm nhiệm vụ đấu thầu, anh em thì toàn là bác sĩ không hiểu rõ về cơ chế mua sắm như thế nào nên trong quá trình làm cũng còn lúng túng”, Bộ trưởng Y tế nói về vấn đề vướng mắc thứ nhất.
Thứ hai, vấn đề phân cấp, phân quyền, Bộ phân cấp toàn diện cho các cơ sở thuộc Bộ đảm bảo việc mua sắm, nhưng thực tế ở dưới địa phương, có nơi các cơ sở y tế chỉ được đảm bảo mua được trong vòng 100 triệu đồng, trên 100 triệu đồng là phải trình qua Sở Y tế, qua Sở Tài chính và lên Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
“Chính vì vậy quy trình này cũng rất lâu. Chúng tôi rất mong các tỉnh rà soát lại các quy định này, đảm bảo làm sao vừa quản lý được nhưng vẫn đảm bảo được trao quyền cho các đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện, tránh thủ tục phiền hà”, Bộ trưởng Y tế nói.
Chuyển tuyến vẫn cần thiết, không thể bỏ
Cũng theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, cử tri có ý kiến rất nhiều về vấn đề chuyển bảo hiểm y tế, theo đó việc khi đi khám bệnh, bệnh nhân phải đi xin giấy chuyển viện rất phiền toái, mất thời gian.
Trong điều kiện công nghệ thông tin tiến bộ như hiện nay…, khi đã có đến trên 93% dân số Việt Nam đã có bảo hiểm y tế thì việc có barie đi xin giấy chuyển viện rất nên bãi bỏ, cần đẩy mạnh tiến trình thông tuyến hơn nữa, thực chất hơn nữa.
“Tôi nghĩ lần sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế sắp đến phải sửa đổi để người có bảo hiểm y tế muốn khám, chữa bệnh ở đâu cũng được, phù hợp với tình trạng bệnh tật, chất lượng khám chữa bệnh, thời gian đi lại, điều kiện chăm sóc của người có bảo hiểm y tế. Phải coi đây là nội dung sửa đổi quan trọng nhất trong lần sửa đổi này”, đại biểu đề xuất.
Đồng tình với đại biểu Nguyễn Anh Trí, đại biểu Nguyễn Công Hoàng (Thái Nguyên) cho rằng, việc chuyển bảo hiểm có 2 ý nghĩa: Để quản lý quỹ cho bảo hiểm y tế và không để vượt cấp lên tuyến trên quá nhiều với những bệnh thông thường. Để giải quyết vấn đề này đại biểu Hoàng đề xuất, cơ sở y tế tuyến huyện làm được các kỹ thuật gì thì cần công khai danh mục đó, còn kỹ thuật nào không làm được thì đương nhiên người dân được phép chuyển mà không cần phải xin giấy chuyển.
Với những trường hợp đặc biệt – cơ sở làm được, nhưng muốn chuyển lên trên (vì lý do nào đó như quá tải – PV) thì việc chuyển tuyến ấy cơ sở y tế phải chủ động giải quyết cho người dân. “Rất đơn giản như thế đã giải quyết được 80% những bức xúc của người dân trong việc này”, đại biểu Hoàng tin tưởng.
Về vấn đề này Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, việc chuyển tuyến thì từ năm 2014, chúng ta thấy cứ phải chuyển từ tuyến dưới lên tuyến trên tuần tự nhưng đến năm 2016 đã được thông tuyến ở cấp huyện và đến năm 2021 đã thông tuyến toàn tỉnh. Bước để chuyển tuyến, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân bây giờ cũng đã cơ bản được giải quyết, chỉ có vấn đề là từ tuyến huyện có đi thẳng lên tuyến Trung ương hay không; hoặc là từ tuyến tỉnh người dân có được chuyển trực tiếp lên tuyến Trung ương hay không?
Việc điều chuyển tuyến này để đảm bảo làm sao đáp ứng được yêu cầu chữa bệnh cho người dân nhưng cũng đảm bảo được vấn đề phù hợp với khả năng chữa bệnh ở từng tuyến, đảm bảo tránh quá tải dồn hết lên trên tuyến trên.
Chính vì vậy, hiện nay chuyển tuyến được thực hiện thành 2 luồng. Một là, từ tuyến dưới lên tuyến trên, nếu cơ sở không đáp ứng được các yêu cầu về khám, chữa bệnh cho người dân. Hai là, từ tuyến trên xuống tuyến dưới, khi tình trạng bệnh tật ổn định thì chuyển về tuyến dưới để đảm bảo tiếp tục công tác điều trị lâu dài.
“Chúng tôi nghĩ việc này hoàn toàn phù hợp để đảm bảo được chất lượng cho công tác khám, chữa bệnh và điều trị. Tuy nhiên để giảm được thủ tục hành chính, vấn đề này chúng tôi xin tiếp thu. Hiện nay Bộ đang tập trung chỉ đạo vấn đề sử dụng hình thức chuyển tuyến điện tử cũng như hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử để giảm bớt những khó khăn, thủ tục cho người dân Bộ cũng đang nghiên cứu để triển khai thực hiện”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết.
Vị Bộ trưởng cũng khẳng định, vai trò của giấy chuyển tuyến rất cụ thể, ghi rõ được những tình trạng lịch sử điều trị cũng như tóm tắt bệnh án… nên việc chuyển tuyến này là giấy hay điện tử thì vẫn là một điều rất cần thiết.