Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam: Nhiều đề xuất bảo vệ lợi ích người lao động
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tham dự Đại hội |
Chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XIII Nguyễn Đình Khang cho biết: Đại hội đã nghe Báo cáo tóm tắt Báo cáo của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII trình Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam; tham luận, thảo luận tại Đại hội và tổ chức 10 diễn đàn chuyên đề làm sâu sắc thêm những định hướng lớn và nhiệm vụ, giải pháp trong Báo cáo chính trị, củng cố thêm về lý luận và thực tiễn làm cơ sở nhanh chóng đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống.
Đại hội đã thông qua các văn kiện quan trọng: Báo cáo của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII trình tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam; Báo cáo kiểm điểm Ban Chấp hành khóa XII, nhiệm kỳ 2018-2023; Điều lệ Công đoàn sửa đổi, bổ sung.
Tại Đại hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu chỉ đạo, khẳng định rõ vị trí, vai trò của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam, biểu dương đóng góp to lớn của đội ngũ công nhân, viên chức, lao động và Công đoàn trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hơn 90 năm qua và nhiệm kỳ 2018-2023. Tổng Bí thư nhấn mạnh những yêu cầu, nhiệm vụ mới đặt ra cho giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn những năm tới; trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội quan tâm chăm lo, xây dựng, phát huy vai trò, sứ mệnh của giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.
Chủ tịch Nguyễn Đình Khang cho biết, Đại hội đã phát huy dân chủ bầu Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khoá XIII gồm 168 ủy viên, là những người có phẩm chất đạo đức, năng lực, tâm huyết với giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn để gánh vác trọng trách do Đảng, công nhân, viên chức, người lao động giao phó. Ban Chấp hành đã họp phiên thứ nhất bầu Đoàn Chủ tịch, Thường trực Đoàn Chủ tịch, Ủy ban kiểm tra và Chủ nhiệm ủy ban kiểm tra. Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ra mắt và nhận nhiệm vụ trước Đại hội.
Ban chấp hành Công đoàn khóa 13 ra mắt Đại hội |
Thông qua 10 diễn đàn chuyên đề và 10 trung tâm thảo luận tại Đại hội, đại biểu đã thảo luận sôi nổi, trách nhiệm về kết quả hoạt động công đoàn nhiệm kỳ 2018-2023; xác định mục tiêu tổng quát của phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn nhiệm kỳ 2023-2028 là: đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn, xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, tập trung thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, trọng tâm là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tích cực, chủ động tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội.
Hoàn thiện mô hình tổ chức, thu hút, tập hợp đông đảo người lao động gia nhập công đoàn; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm, uy tín và phương pháp công tác tốt. Đổi mới, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, ý thức pháp luật của đoàn viên, người lao động; xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Đến cuối nhiệm kỳ, hướng đến kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập, Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, là chỗ dựa tin cậy của người lao động, cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng, Nhà nước ta.
Đoàn Công đoàn Ngân hàng Việt Nam do Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú làm trưởng đoàn tham dự Đại hội |
Nhiều đề xuất có lợi cho người lao động
Trong phiên cuối vào sáng nay (3/12), Ban Chấp hành khóa 12 cũng thông qua báo cáo tổng hợp các kiến nghị của cán bộ công đoàn, người lao động cả nước. Theo đó hơn 17 triệu đoàn viên, công đoàn trong cả nước đã gửi tới Đảng, Nhà nước 8 nhóm kiến nghị chính. Một trong những kiến nghị nổi bật chính là nhóm kiến nghị về việc xây dựng chính sách pháp luật liên quan tới người lao động; quan tâm tới tính đặc thù của công đoàn cơ sở, và người lao động; kiến nghị giải pháp để tăng cường quản lý nhà nước, hạn chế tình trạng người sử dụng lao động vi phạm pháp luật đối với người lao động...
Qua ghi nhận liên quan tới ngày giờ làm việc, mới đây Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu sớm thực hiện nội dung Nghị quyết kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Chính phủ căn cứ tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nghiên cứu đề xuất giảm thời giờ làm việc bình thường đối với người lao động thấp hơn 48 giờ/tuần và báo cáo Quốc hội xem xét vào thời điểm thích hợp hướng tới đảm bảo sự công bằng giữa thời giờ làm việc của người lao động khu vực cơ quan, hành chính nhà nước (40 giờ/tuần) và khu vực doanh nghiệp (48 giờ/tuần); tạo điều kiện để người lao động nghỉ ngơi, tái sản xuất sức lao động, chăm sóc con cái, đảm bảo hạnh phúc gia đình.
Công đoàn kiến nghị cơ quan chức năng nghiên cứu tăng ngày nghỉ lễ, tết hàng năm vào thời điểm thích hợp, vì số ngày nghỉ này của nước ta đang thấp hơn bình quân chung của các nước Đông Nam Á và thế giới từ 5-6 ngày. Nghiên cứu bổ sung tăng 2 ngày nghỉ lễ dịp Quốc Khánh (nghỉ từ mùng 2-5/9), tạo cơ hội cho công nhân, người lao động được đưa con đến trường trong ngày khai giảng. Đây là nguyện vọng rất thiết tha của số đông công nhân có con đang tuổi đến trường.
Bên cạnh đó, cần thường xuyên thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về lao động, công đoàn, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động, nhất là các doanh nghiệp không hoặc chậm trả lương, trốn đóng bảo hiểm xã hội, để xảy ra tai nạn lao động, gây khó khăn cho hoạt động công đoàn và người lao động. Chính phủ sớm có chủ trương trình cấp có thẩm quyền có chính sách đặc thù giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho hơn 200 nghìn người lao động bị nợ bảo hiểm xã hội do doanh nghiệp giải thể, pháp sản, chủ bỏ trốn hoặc tái cơ cấu.
Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam đề ra các nhóm chỉ tiêu phấn đấu gồm 7 nhóm chỉ tiêu hàng năm và 3 nhóm chỉ tiêu đến hết nhiệm kỳ. Trong đó: phấn đấu cả nước có 15 triệu đoàn viên công đoàn, thành lập tổ chức cơ sở ở 100% doanh nghiệp có từ 25 lao động trở lên; Ít nhất 83% doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức công đoàn đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được công đoàn thương lượng, ký kết được thỏa ước lao động tập thể theo quy định của pháp luật; Phấn đấu 90% trở lên số vụ việc về lao động khởi kiện tại tòa án được công đoàn hỗ trợ, tham gia tố tụng bảo vệ khi đoàn viên có yêu cầu.
Công đoàn Ngân hàng Việt Nam có 3 đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XIII, nhiệm kỳ 2023-2028. Đó là đồng chí Đào Minh Tú - Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn khóa XII, Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam; đồng chí Nguyễn Khánh Chi - Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn Ngân hàng Việt Nam; đồng chí Hồng Quang - Ủy viên Ban Thường vụ Công đoàn Ngân hàng Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam. |