Đắk Lắk: Tín dụng chính sách xã hội tăng trưởng gần 8,5%
Theo ông Đào Thái Hoà, Giám đốc NHCSXH chi nhánh tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh Đắk Lắk có 41.903 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn tín dụng chính sách xã hội với tổng doanh số gần 2.000 tỷ đồng, tăng hơn 536 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách xã hội triển khai trên địa bàn khoảng 7.980 tỷ đồng, tăng hơn 624 tỷ đồng so với cuối năm 2023, tỷ lệ tăng trưởng gần 8,5%, với 168.321 khách hàng còn dư nợ.
Ông Đào Thái Hoà, Giám đốc NHCSXH chi nhánh tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại cuộc họp |
Ông Hoà cho hay, chất lượng tín dụng tiếp tục được duy trì và nâng cao. Tổng nợ quá hạn và nợ khoanh hơn 8,1 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,102%, đạt chỉ tiêu nghị quyết đề ra, duy trì dưới 0,2%. So với cuối năm 2023, có 8 phòng giao dịch cấp huyện có nợ quá hạn giảm gồm: Lắk, Krông Pắc, Cư M’gar, Krông Búk, Ea Súp, Ea H’leo, M’Đrắk, Krông Ana và 2 phòng giao dịch không có nợ quá hạn Buôn Hồ và Krông Bông; 10/15 phòng giao dịch cấp huyện giảm nợ khoanh so với cuối năm và 1 phòng giao dịch huyện Lắk không có nợ khoanh.
Song song với việc tập trung thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch tín dụng được giao, NHCSXH chi nhánh tỉnh Đắk Lắk thường xuyên quan tâm, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác phân tích, đánh giá chất lượng tín dụng tại từng đơn vị để chỉ đạo triển khai các giải pháp phù hợp với từng địa bàn.
Công tác kiểm tra, giám sát của Ban đại diện HĐQT, các hội, đoàn thể cấp tỉnh và kiểm tra, kiểm soát nội bộ, kiểm tra chuyên đề bảo đảm kế hoạch đề ra. Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác các cấp thực hiện tốt những nội dung ủy thác, giải ngân nhanh chóng, đúng đối tượng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Các đại biểu tham dự cuộc họp cũng đã tập trung thảo luận về một số nội dung liên quan đến công tác huy động tiền gửi của các tổ chức, cá nhân để tạo thêm nguồn vốn cho vay; tăng cường công tác tuyên truyền, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tín dụng chính sách; thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ kỹ năng triển khai tín dụng chính sách cho các tổ vay vốn, tổ chức chính trị - xã hội; tăng nguồn vốn cho vay đối với hội viên phụ nữ; tăng cường sự phối hợp trong công tác kiểm tra, giám sát của Ban đại diện HĐQT và hội, đoàn thể các cấp…
Ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk chủ trì cuộc họp |
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Đắk Lắk biểu dương và đánh giá cao những kết quả đạt được trong việc triển khai thực hiện các chương trình tín dụng của NHCSXH chi nhánh tỉnh Đắk Lắk trong 9 tháng năm 2024 cũng như sự phối hợp chặc chẽ với các hội, đoàn thể nhận ủy thác các cấp đã phát huy hiệu quả cao, giúp chất lượng tín dụng ngày càng nâng cao…
Để phát huy hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội triển khai trên địa bàn, ông Nguyễn Tuấn Hà cho rằng, thời gian tới, Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Đắk Lắk và các sở, ngành cần thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Các chương trình tín dụng chính sách xã hội triển khai trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã phát huy hiệu quả tích cực. |
Trong quá trình xây dựng Đề án đầu tư tín dụng đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách xã hội khác bằng nguồn vốn ngân sách địa phương trên địa bàn giai đoạn 2024 - 2025 và giai đoạn 2026 – 2030 phải bảo đảm cơ sở pháp lý, dự báo tình hình sát thực để hoàn thiện nội dung có tính khả thi cao.
Đặc biệt, những tháng còn lại của năm 2024, cần tập trung bám sát nghị quyết của Ban đại diện HĐQT năm 2024 để hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch; đôn đốc các địa phương chuyển vốn ủy thác sang NHCSXH để cho vay; đánh giá chính xác tỷ lệ hộ nghèo để triển khai hiệu quả công tác tín dụng chính sách nói riêng và công tác an sinh xã hội nói chung. Đảm bảo, duy trì chất lượng tín dụng một cách ổn định, bền vững…