Đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng
Cần làm rõ khái niệm người tiêu dùng Người tiêu dùng Việt Nam lạc quan nhất ASEAN Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhưng không làm phát sinh chi phí cho doanh nghiệp |
Phát biểu tại Tọa đàm, TS. Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VNBA cho biết, ngày 20/6/2023, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 trong đó có rất nhiều điều khoản quy định mới liên quan đến hoạt động ngân hàng. Để hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực thi hành, Bộ Công thương đang lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Dự thảo). Qua nghiên cứu nội dung Dự thảo Nghị định và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 cũng như trên cơ sở ý kiến của một số tổ chức tín dụng hội viên trong quá trình triển khai còn những vướng mắc và nhiều quy định cần được làm rõ hơn. “Do đó, việc sớm đưa ra cụ thể những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai là nội dung hết sức quan trọng để đơn vị soạn thảo tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn triển khai Luật Bảo vệ QLNTD 2023 phù hợp với thực tiễn đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng cũng như giúp cho tổ chức cung ứng dịch vụ yên tâm triển khai theo đúng quy định của Luật”, ông Hùng nhấn mạnh.
Góp ý cụ thể đối với Dự thảo, bà Nguyễn Thị Phương, Phó Chủ nhiệm CLB Pháp chế Ngân hàng cho biết, về quy định hoàn thành việc đăng ký tại Khoản 3 Điều 12 Dự thảo Nghị định quy định: trước ngày 31/1 hàng năm, tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm gửi báo cáo tình hình áp dụng hàng năm hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung đã đăng ký tới cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận đăng ký theo Mẫu số 05 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này. Theo bà Phương, cơ quan soạn thảo nên bỏ nội dung này vì làm tăng chi phí, mất thời gian không cần thiết của tổ chức, cá nhân. Bởi theo quy định từ Điều 9 đến Điều 12 Dự thảo, các nội dung, hình thức của hợp đồng mẫu và điều kiện giao dịch chung đã được cơ quan có thẩm quyền kiểm soát tại thời điểm đăng ký. Cho dù tổ chức, cá nhân kinh doanh có vi phạm, không chấp hành và không đưa vào báo cáo thì theo quy định tại Dự thảo cũng chưa có cơ chế để cơ quan quản lý nhà nước thanh tra, kiểm tra, phát hiện.
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch Kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng và bà Nguyễn Quỳnh Anh - Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia - Bộ Công thương chủ trì cuộc họp |
Ngoài ra, trước ngày 31/1 hàng năm là giai đoạn các tổ chức tín dụng nói riêng, các doanh nghiệp nói chung đang thực hiện các loại báo cáo và thời gian này khá cận Tết Nguyên đán nên khả năng sẽ dẫn đến chậm trễ. Do đó, đại diện CLB Pháp chế đề nghị loại bỏ quy định tại Khoản 3 Điều 12 Dự thảo. Đồng thời, để thủ tục hành chính nhanh gọn, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân thực hiện trách nhiệm báo cáo đề nghị quy định rõ báo cáo có thể “nộp trực tiếp hoặc bằng phương tiện điện tử” và quy định rõ cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận đăng ký.
Trong khi đó đại diện của Sacombank đề nghị xem xét lại Điều 22 Dự thảo quy định về Trách nhiệm của tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian. Theo đại diện ngân hàng này, trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không đề cập tới nền tảng số trung gian nhưng Dự thảo Nghị định lại đề cập đến khá nhiều trách nhiệm có liên quan. Vì vậy, ngân hàng đề xuất theo hướng chỉ nên đề cập đến nền tảng số lớn đã được quy định tại Điều 23, còn nền tảng số trung gian không đề cập trong Luật nên không hướng dẫn ngoài phạm vi này.
Không chỉ liên quan đến quy định tại Dự thảo Nghị định mà nhiều quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng khiến các ngân hàng gặp những khó khăn nhất định. Đại diện các ngân hàng cho biết, tại Khoản 3 Điều 26 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định: Hợp đồng theo mẫu phải được tổ chức, cá nhân kinh doanh công khai theo hình thức niêm yết ở vị trí dễ nhìn thấy tại trụ sở, địa điểm kinh doanh và đăng tải trên trang thông tin điện tử, phần mềm ứng dụng (nếu có) để người tiêu dùng biết về nội dung của hợp đồng trước khi người tiêu dùng giao kết hợp đồng hoặc thực hiện hoạt động đặt cọc, thanh toán trước khi hợp đồng được giao kết.
Thực tế trong hoạt động ngân hàng các hợp đồng mẫu tương đối nhiều, nếu niêm yết tại trụ sở, địa điểm kinh doanh là không khả thi. Ngoài ra Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã yêu cầu niêm yết tại trang thông tin điện tử rồi thì việc yêu cầu đồng thời tại trụ sở, địa điểm kinh doanh là không cần thiết và tăng chi phí vận hành cho tổ chức tín dụng phải niêm yết dưới cả 2 hình thức. Do vậy, đại diện các tổ chức tín dụng đề nghị có hướng dẫn thêm hoặc sửa đổi về việc niêm yết theo một hình thức tại trang thông tin điện tử.
Đại diện một số đơn vị chức năng thuộc NHNN cũng mong muốn Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Bộ Công thương – cơ quan soạn thảo Dự thảo Nghị định tổng hợp các ý kiến và chia sẻ khó khăn vướng mắc của các TCTD. Bởi thực tế ngành Ngân hàng có tính đặc thù và tiêu chuẩn cao, các tổ chức tín dụng phải tuân thủ rất nhiều văn bản liên quan. Việc tháo gỡ khó khăn hỗ trợ để các tổ chức tín dụng có thêm động lực trách nhiệm trong hoạt động kinh doanh, bảo vệ người tiêu dùng đúng tinh thần của Luật.
Ghi nhận những đóng góp ý kiến của các đại biểu tại Tọa đàm, Ủy ban cạnh tranh quốc gia, Bộ Công thương chia sẻ, việc đưa ra các quy định tại Dự thảo bảo đảm nguyên tắc cân bằng quyền lợi của tất cả các chủ thể có liên quan. Bộ Công thương cũng xác định rõ bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng nhưng không phải là thực hiện bằng mọi giá và làm phát sinh chi phí bất hợp lý cho doanh nghiệp. Cơ quan này cho biết, sẽ nghiên cứu và tiếp thu đầy đủ những ý kiến đề xuất của các tổ chức tín dụngđể đảm bảo làm sao đảm bảo nguyên tắc bảo vệ quyền lợi của các chủ thể có liên quan.
Ở góc độ Hiệp hội, ông Nguyễn Quốc Hùng đề nghị các tổ chức tín dụng sớm gửi ý kiến đề xuất liên quan đến Dự thảo Nghị định này để VNBA tổng hợp chuyển sang cơ quan soạn thảo để sớm hoàn thiện Nghị định và đảm bảo quyền lợi cho cả người sử dụng dịch vụ cũng như đơn vị cung ứng dịch vụ tốt nhất. Từ đó đảm bảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đi vào cuộc sống hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực.