Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành bán dẫn
Đối thoại kinh tế Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ nhất Việt Nam có cơ hội lớn để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và AI |
Được biết, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành trung tâm thiết kế vi mạch của khu vực và thế giới, lọt top 5 thế giới vào năm 2030 với nhu cầu nhân lực cho ngành này khoảng 50 nghìn kỹ sư. Riêng TP. Hồ Chí Minh cần đào tạo nâng cao kỹ năng cho khoảng 40 nghìn kỹ sư từ nay đến năm 2030, tức khoảng 6.000 kỹ sư/năm. Hiện nay, các sở ngành cũng đang tham mưu đề xuất cơ chế, chính sách đào tạo và phát triển nguồn nhân lực một cách hiệu quả, chất lượng để xây dựng chính sách riêng cho lĩnh vực đầy tiềm năng và triển vọng này...
Theo đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay có 35 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam đang trực tiếp đào tạo lĩnh vực trực tiếp, hoặc gần với ngành công nghệ bán dẫn. Dự báo trong 5 năm tới, mỗi năm cần khoảng 20 nghìn kỹ sư và 10 năm tới mỗi năm cần khoảng 50 nghìn nhân lực có trình độ đại học trở lên. Chính vì vậy, để đón đầu nhu cầu thị trường, nhiều trường đại học đã mở thêm ngành học mới, tăng quy mô tuyển sinh, nâng cao chất lượng đào tạo ngành này.
Ông Nguyễn Đức Minh, Trưởng khoa Điện tử - Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ, hiện trường có 2 chuyên ngành đào tạo trực tiếp và 7 ngành đào tạo gần về thiết kế, sản xuất, đóng gói và kiểm thử, hỗ trợ ứng dụng chip bán dẫn. Lộ trình đào tạo các cử nhân, kỹ sư trong lĩnh vực này của trường tại doanh nghiệp đã được rút ngắn từ 6-9 tháng xuống 3-6 tháng. Hàng năm có khoảng 300 sinh viên tốt nghiệp có thể làm thiết kế sản xuất vi mạch. Nhiều sinh viên sau khi ra trường được tuyển dụng trong các công ty vi mạch lớn tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và ở Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Nhân lực ngành bán dẫn tại Việt Nam vẫn đang nằm trong mức “báo động đỏ” |
Bà Nguyễn Hằng Nga, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội chia sẻ, thời điểm hiện tại có nhiều hợp đồng đặt hàng tuyển dụng, đào tạo sinh viên được ký kết giữa doanh nghiệp và nhà trường, mang lại nhiều cơ hội lựa chọn nghề cho các em sinh viên không còn bị áp lực xin việc.
Chuỗi cung ứng vi mạch bán dẫn trên thế giới có thể được chia thành 4 nhóm: thiết kế vi mạch, sản xuất vi mạch, đóng gói - kiểm tra vi mạch và chế tạo thiết bị. Ở Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh lĩnh vực bán dẫn vẫn đang phụ thuộc 100% vào nguồn cung chip bán dẫn từ nước ngoài. Hiện mới chỉ có Tổng Công ty công nghiệp Công nghệ cao Viettel và Công ty CP Bán dẫn FPT tham gia công đoạn thiết kế chip bán dẫn. Các công ty có vốn đầu tư nước ngoài đa phần thực hiện các công đoạn gia công thiết kế vi mạch, lắp ráp, kiểm định vi mạch và chế tạo thiết bị. Điều này đồng nghĩa, nhân lực ngành bán dẫn hiện có ở Việt Nam chủ yếu tập trung vào thiết kế vi mạch, còn lại ở các công đoạn khác còn rất thiếu.
Ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, với quyết tâm tham gia sâu vào chuỗi bán dẫn toàn cầu, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang đầu tư nguồn lực. Thực tế cho thấy, Việt Nam có nhiều cơ hội lớn trong hợp tác phát triển các lĩnh vực công nghệ cao nhưng khi triển khai lại gặp không ít thách thức do sự thiếu hụt nguồn nhân lực, cả về số lượng và chất lượng. Nhân lực ngành bán dẫn tại Việt Nam vẫn đang nằm trong mức “báo động đỏ” dù đã đón nhận những bước tiến lớn trong công tác kêu gọi, thu hút vốn đầu tư, chuyển giao khoa học và công nghệ. Nguyên nhân chủ yếu nằm ở bất cập giữa hệ thống giáo dục đào tạo và thị trường lao động.
Điều này đòi hỏi sự nỗ lực đồng bộ, từ Nhà nước đến nhà đầu tư, nhà trường, nhà sản xuất. Bên cạnh sự định hướng rõ ràng về cơ chế, chính sách, các nguồn lực hỗ trợ hiệu quả của Nhà nước, rất cần sự chủ động vào cuộc, liên kết hành động của các cơ sở giáo dục đại học khi tập trung vào việc xây dựng chương trình đào tạo chuẩn, kết hợp cùng các doanh nghiệp, nhằm liên kết đào tạo nhân lực chất lượng cao, làm tiền đề cho việc thu hút đầu tư, phát triển thị trường lao động, ông Đạt cho biết thêm.