Đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân về nhà ở
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị |
Ngân hàng tích cực tiếp cận các dự án nhà ở Bộ Xây dựng: 108 dự án thuộc đối tượng cho vay của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng |
Thị trường BĐS có dấu hiệu phục hồi tích cực
Từ năm 2022, thị trường BĐS đã có nhiều biến động và gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, tập trung chủ yếu vào một số vấn đề như: Quy định pháp luật về đất đai, về quy hoạch, về đầu tư, về xây dựng, về nhà ở và trình tự, thủ tục đầu tư dự án; tình trạng mất cân đối cung-cầu sản phẩm BĐS, dư thừa nguồn cung cao cấp trong khi thiếu hụt nguồn cung nhà ở giá rẻ và khó khăn về nguồn vốn. Trong đó, vướng mắc chủ yếu, cốt lõi là về vấn đề pháp lý. Trước những khó khăn của thị trường, kể từ cuối năm 2022 và đặc biệt trong 6 tháng đầu năm vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã triển khai nhiều giải pháp. Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ Công tác về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án BĐS cho các địa phương, doanh nghiệp; thành lập đoàn công tác của thành viên Chính phủ tại các địa phương. Nhiều văn bản đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành như Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững và nhiều văn bản khác.
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Các bộ, ngành đã chủ động, tích cực nghiên cứu, xây dựng, ban hành và tham mưu, đề xuất trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều cơ chế, chính sách để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của thị trường BĐS... Cùng với nhiều chính sách cụ thể khác về ngân hàng, tín dụng và đầu tư, thị trường BĐS có dấu hiệu phục hồi tích cực. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, lĩnh vực BĐS trong quý II/2023 đã từng bước được tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhưng vẫn có mức tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022, đồng thời còn nhiều khó khăn thách thức, cụ thể như về thể chế, về pháp lý của các dự án, nguồn vốn tín dụng, trái phiếu… và việc tổ chức, triển khai, thực thi của địa phương.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú |
Về phía ngành Ngân hàng, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã chủ động, kịp thời điều chỉnh chính sách, ban hành và triển khai đồng bộ, tối ưu các công cụ và giải pháp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Một số nội dung cụ thể đã được triển khai trong thời gian vừa qua như sau: Về điều hành lãi suất, NHNN đã liên tục điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất điều hành trong 6 tháng đầu năm với mức giảm 0,5-2,0%/năm, tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp hơn, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng.
Nhận chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã cùng với các TCTD trao đổi cũng như tìm nhiều giải pháp giảm chi phí hoạt động để có thêm dư địa giảm lãi suất cho vay. Đến nay, lãi suất cho vay đã giảm từ 1,5 - 2%/năm tùy theo từng kỳ hạn; đồng thời nhiều ngân hàng triển khai các gói tín dụng với lãi suất rất ưu đãi.
Về điều hành tín dụng, ngay từ đầu năm, NHNN đã định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 khoảng 14-15% (cao hơn tăng trưởng các năm trước), có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Trên cơ sở đó, ngay đầu năm, NHNN đã phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng TCTD. Thanh khoản hiện nay của các TCTD rất dồi dào. Đầu tháng 7 vừa qua, NHNN đã điều chỉnh tăng hầu như toàn bộ các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các TCTD, với mức tăng toàn hệ thống khoảng 14%.
Đối với triển khai Chương trình hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng, Phó Thống đốc cho biết, đến nay, có 9 UBND tỉnh gửi văn bản công bố danh mục dự án tham gia Chương trình tới NHNN với 23 dự án và 1 UBND tỉnh (Phú Thọ) công bố trên Cổng thông tin điện tử với 3 dự án. Tổng nhu cầu vay vốn của 26 dự án này là khoảng 12,8 nghìn tỷ đồng. Ngày 16/6/2023, BIDV đã ký hợp đồng tín dụng tài trợ 1 dự án nhà ở xã hội tại tỉnh Phú Thọ với số tiền cấp tín dụng khoảng 95 tỷ đồng và đã giải ngân 20,5 tỷ đồng. Agribank cũng đã cấp tín dụng đối với 1 dự án với số tiền cam kết cấp tín dụng là 950 tỷ đồng, dự kiến giải ngân trong quý III/2023. Đồng thời hiện nay, các NHTM đang chủ động tiếp cận với khoảng 16 dự án thuộc danh mục được công bố.
Gỡ vướng mắc pháp lý để giải phóng các nguồn lực
Nhấn mạnh quan điểm của NHNN là bám sát các chỉ đạo của Nhà nước, Chính phủ, hướng đến việc hỗ trợ cho thị trường BĐS phát triển lành mạnh, bền vững theo hướng phục vụ đa số người dân, đặc biệt là người có nhu cầu nhà ở thực, hạn chế tình trạng đầu cơ, thổi giá, trục lợi, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, đối với lĩnh vực BĐS, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo TCTD ưu tiên cấp tín dụng cho các dự án có hiệu quả, các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư; hướng tín dụng vào đáp ứng các nhu cầu thiết thực về nhà ở của người dân. Đồng thời, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng đối với lĩnh vực BĐS, kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng/nhóm khách hàng lớn, khách hàng có liên quan đến cổ đông lớn, người có liên quan của cổ đông của TCTD...
Để triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hiệu quả, Phó Thống đốc đề xuất UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương công bố danh mục các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư, trong đó, các dự án được công bố phải đảm bảo đúng theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng tại Công văn số 1551/BXD-QLN, tránh tình trạng như thời gian qua số dự án công bố rất nhiều nhưng tỷ lệ giải ngân lại chưa cao do dự án không đáp ứng được quy định của cơ quan quản lý. NHNN cũng kiến nghị Bộ Xây dựng tổng hợp, thông báo danh mục những dự án đủ điều kiện, tạo thuận lợi cho các NHTM tra cứu, xem xét cho vay theo đúng quy định (trên cơ sở danh mục do UBND tỉnh công bố). Các bộ, ngành rà soát, sửa đổi hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan nhằm chung tay tháo gỡ vướng mắc trong vấn đề pháp lý của các dự án BĐS; Có giải pháp hiệu quả thúc đẩy phát triển, thu hút đa dạng các nguồn vốn đầu tư vào thị trường BĐS để giảm bớt áp lực đối với tín dụng của ngân hàng cho thị trường BĐS. Bởi dòng vốn đầu tư vào thị trường BĐS có thể huy động rất đa dạng, như nguồn vốn FDI, vốn huy động trên thị trường quốc tế thông qua việc phát hành trái phiếu hoặc vay các tổ chức nước ngoài, nguồn vốn huy động từ thị trường chứng khoán, nguồn vốn từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp và nguồn vốn tự có, tự tích lũy của các tổ chức, cá nhân...
"Các doanh nghiệp, các tập đoàn BĐS cũng phải khẩn trương cơ cấu lại sản phẩm của mình, khẩn trương cơ cấu lại nguồn hàng, cơ cấu các nguồn lực; xem xét vấn đề vốn, vấn đề thị trường, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay cũng phải chia sẻ với những khó khăn của các lĩnh vực khác trong nền kinh tế. Không chỉ riêng BĐS khó khăn mà các lĩnh vực khác cũng rất khó khăn", Phó Thống đốc lưu ý thêm.
Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã đánh giá thực trạng những việc làm được, chưa làm được của từng cơ quan, đơn vị trong quá trình thực hiện Nghị quyết 33 và các chính sách liên quan của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Đồng thời đề xuất và giải pháp gì để xử lý các dự án BĐS đang có vướng mắc về pháp lý, phải ngừng hoạt động, không đưa được sản phẩm ra thị trường do vướng mắc pháp lý để giải phóng nguồn lực đất đai, nguồn vốn đầu tư, giảm rủi ro nợ xấu tín dụng.