Đất nông nghiệp chiếm thời lượng lớn nhất trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế (VCCI) cho biết, sau hơn 8 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai năm 2013, bên cạnh những mặt tích cực, chính sách, pháp luật về đất đai hiện hành vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển nông nghiệp nói riêng.
Đơn cử, quá trình tích tụ, tập trung đất đai diễn ra còn chậm, việc thực hiện chưa thực sự gắn với tính công bằng, bền vững, hiệu quả và còn nhiều khó khăn, vướng mắc; khung giá đất chưa phù hợp, chưa sát với thực tế giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường (đặc biệt là khu vực đất ven đô).
Theo các chuyên gia, lĩnh vực đất nông nghiệp là nội dung chiếm thời lượng lớn nhất trong dự thảo Luật Đất đai 2013 sửa đổi. |
Trong khi đó, biên độ giá đất khu vực nông thôn quy định còn rộng, dẫn đến còn nhiều khu vực chưa sát với thực tế; chính sách thu thuế từ các hoạt động chuyển quyền sử dụng đất, chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất thuê… chưa rõ ràng, chưa đồng bộ với quy định của Luật Đất đai năm 2013, gây nhiều khó khăn cho các cơ quan thực hiện và phiền hà cho người sử dụng đất…
Theo điều tra doanh nghiệp của VCCI thì việc tiếp cận đất đai của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, ít vốn, nhiều doanh nghiệp phải sử dụng đất của mình để phục vụ sản xuất kinh doanh.
Cùng với đó, thủ tục đất đai là hạn chế lớn đối với doanh nghiệp, tạo ra chi phí, rủi ro với doanh nghiệp, chưa thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bà Đoàn Thị Thanh Mỹ, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, đại diện cho Ban soạn thảo dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cho biết, dự thảo được xây dựng nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách, pháp luật có liên quan đến đất đai; đồng thời, giải quyết các vướng mắc, tồn tại từ thực tiễn quản lý, sử dụng đất, đảm bảo hài hòa quyền và lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư…
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 245 điều, trong đó giữ nguyên 28 điều, sửa đổi, bổ sung 184 điều, bổ sung mới 41 điều và bãi bỏ 8 điều.
Bà Đoàn Thị Thanh Mỹ cho biết, lĩnh vực đất nông nghiệp là nội dung chiếm thời lượng lớn nhất trong dự thảo Luật Đất đai 2013 (sửa đổi). Theo đó, dự thảo Luật đã bổ sung một số quy định mới về thời hạn sử dụng đất, mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân. Đồng thời, mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp cho tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp.
Góp ý vào dự thảo, PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, hiện nay, ở một số tỉnh đồng bằng Bắc Bộ do tình trạng sử dụng đất nông nghiệp phân tán, manh mún, nhỏ lẻ nên chi phí đầu vào lớn song giá nông sản thấp, bấp bênh vì sự không ổn định của thị trường tiêu thụ.
Vì vậy, xảy ra tình trạng phổ biến đất nông nghiệp bị bỏ hoang nhưng người dân không chuyển nhượng, cho thuê và cứ giữ đất. Do đó, việc quy định ngân hàng đất nông nghiệp trong dự thảo Luật là giải pháp để giải quyết vấn đề này.
Ông Tuyến cho rằng tại khoản 1, điều 108, dự thảo Luật quy đinh: “Ngân hàng đất nông nghiệp là doanh nghiệp nhà nước do Chính phủ thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp” nhưng điều khoản này lại chưa đề cập cụ thể hoạt động của ngân hàng đất nông nghiệp có chịu sự điều chỉnh của Luật các Tổ chức tín dụng hay không?
“Trong dự thảo Luật cần có giải thích rõ khái niệm “thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”, nếu không thống nhất về khái niệm này giữa các địa phương hoặc giữa các cán bộ làm nhiệm vụ quản lý đất đai sẽ có thể dẫn đến áp dụng tuỳ tiện, chưa thống nhất, tiềm ẩn tiêu cực, thiếu minh bạch”, PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến lưu ý.
Liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai, ông Trương Quốc Cần, Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi (CISDOMA), cho rằng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có những tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong thực hiện Luật Đất đai 2013, trong đó đã bổ sung một số quy định mới về thời hạn sử dụng đất, hạn mức, người sử dụng đất và chế độ sử dụng đất tạo điều kiện thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới; bổ sung chế độ sử dụng đất chăn nuôi tập trung; sửa đổi quy định về chế độ sử dụng đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ và đất rừng đặc dụng.
Tuy nhiên, việc mở rộng đối tượng và hạn mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp cần phải đi kèm với các điều kiện, quy định hạn chế nhằm bảo vệ quyền với đất đai của các nhóm yếu thế (nhóm dân tộc thiểu số, nông dân trực tiếp sản xuất quy mô nhỏ) trong các tiến trình chuyển dịch đất đai.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình Seed, mong muốn việc sửa đổi Luật Đất đai 2013 cần có tầm nhìn lâu dài, đồng thời đảm bảo quyền lợi và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp cũng như người dân; thúc đẩy quá trình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp hướng tới nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất quy mô lớn, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp.