Đâu là nguyên nhân dẫn đến thất bại của doanh nghiệp khởi nghiệp?
Ảnh minh họa. |
Vài năm gần đây, thị trường khởi nghiệp Việt Nam được ghi nhận là sôi động nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Bất chấp những tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc phá sản thì số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới hoặc doanh nghiệp có số vốn đăng ký lớn đều tăng mạnh, chứng tỏ tiềm năng to lớn của lĩnh vực này.
Tuy nhiên, làm sao để các doanh nghiệp khởi nghiệp tận dụng được cơ hội, lựa chọn được hướng đi đúng đắn để phát triển bền vững hoặc gia tăng tỷ lệ thành công của các doanh nghiệp khởi nghiệp là điều rất nhiều người quan tâm.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê trong tháng 12/2022 cho thấy cả nước có 208.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong năm 2022, tăng 30,3% so với năm 2021. Trong khi đó, có 143.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 19,5% so với năm 2021.
Như vậy, trung bình một tháng có 11.900 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Đa phần trong số đó là nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup).
Theo các chuyên gia nghiên cứu, thất bại của nhóm doanh nghiệp này có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, cả chủ quan lẫn khách quan, nhưng chủ yếu đều từ sự thiếu thực tiễn về kỹ năng quản trị, thiếu những kiến thức cơ bản để xây dựng kế hoạch sản xuất hay mục tiêu kinh doanh, cũng như lộ trình thực hiện các mục tiêu ấy.
Có những chủ doanh nghiệp ở quy mô nhỏ, chưa hình dung và chưa nhận thức đúng đắn việc phải thiết lập hệ thống đo lường hay các chỉ số để đánh giá tính hiệu quả của các kênh phân phối, tối ưu hóa mô hình sản xuất để đem lại các giá trị gia tăng khác nhằm nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.
Chuyên gia huấn luyện Lê Minh Tuấn, Giám đốc Học viện Đào tạo bán hàng MIK EDU, cho hay một doanh nghiệp được gọi là thành công thì doanh nghiệp ấy cần có tính thương mại, nghĩa là có thể bán được và có người sẵn sàng mua doanh nghiệp. Không những thế, doanh nghiệp ấy cần có tính sinh lời, phải có công cụ để kiểm soát được những chỉ số bán hàng tuần, hàng tháng.
Doanh nghiệp phải được vận hành một cách đồng bộ giữa kế hoạch sản xuất và kế hoạch kinh doanh; giữa mục tiêu tài chính với việc tăng trưởng danh sách khách hàng; phải có bản đồ chiến lược về mọi vấn đề và các khâu hoạt động cần có khớp nối với nhau.
Muốn xây dựng được một doanh nghiệp thành công, việc đầu tiên cần đi từ nền móng. Theo ông Tuấn, chủ doanh nghiệp phải hướng tới một lộ trình phát triển với tầm nhìn và sứ mệnh, phải "vẽ" ra được mục tiêu hướng tới của mình và rõ ràng về tài chính để cần biết mỗi có bao nhiêu tiền, cần bán bao nhiêu hàng...
Doanh nghiệp phải thiết kế lịch trình công việc cho bản thân mỗi ngày để tự quản trị được thời gian, kế hoạch để không bị sơ suất hay bỏ sót công việc. Ngoài ra, doanh nghiệp cần từng bước xây dựng chuỗi cung ứng và hệ thống phân phối....
Bên cạnh việc xây dựng nền móng, ông Tuấn cho rằng tập trung phát triển thị trường cũng là yếu tố rất quan trọng. Doanh nghiệp phải có sự đầu tư, nghiên cứu và tìm hiểu thị trường ngách để nhắm vào. Đối với mỗi đối tượng khách hàng, doanh nghiệp cũng khai thác và giúp họ nhận ra được lợi ích khi lựa chọn sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp. Qua đó, doanh nghiệp phải xây dựng được danh sách khách hàng tiềm năng, tính toán được tỷ lệ chuyển đổi hay còn gọi là tỷ lệ sử dụng hoặc tái sử dụng của khách hàng, dự tính doanh thu trung bình của từng đơn hàng và số lần mua hàng trong mỗi chu kỳ... Doanh số của doanh nghiệp chính là bằng tỷ lệ giữa khách hàng với doanh thu và số lần mua hàng...
Chừng nào giải được bài toán quản trị, tính toán được điểm hòa vốn và xây dựng được kịch bản bán hàng nhằm giúp tăng tỷ lệ chuyển đổi mua hàng, khi ấy, doanh nghiệp mới có thể nhìn rõ cơ hội và nắm bắt được cơ hội để phát triển.
Không những chỉ bán hàng, doanh nghiệp cũng cần có những hoạt động chăm sóc khách hàng, biết cách tăng cường tương tác với khách hàng để thúc đẩy doanh số bán, đồng thời sáng tạo các chương trình, các hoạt động xúc tiến thương mại để gia tăng giá trị đơn hàng, ông Tuấn phân tích.
Các bạn trẻ khởi nghiệp làm việc tại Tòa nhà Không gian khởi nghiệp tỉnh Cà Mau. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN) |
Cùng chung quan điểm, ông Đàm Quang Thắng, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia, chia sẻ mỗi sản phẩm khi bán cần phải có một câu chuyện. Khách hàng mua giải pháp và giá trị của sản phẩm. Vì vậy, cần phải chạm được đến khách hàng và truyền tải được câu chuyện đó.
Trong kinh doanh, cần phải biết nắm bắt tâm lý khách hàng, bởi vì hầu hết khách hàng đều có một trong những mong muốn thể hiện bản thân cũng như là họ muốn bày tỏ ý kiến cá nhân và đóng góp gì đó cho cộng đồng.
Trên thực tế, đã có không ít người thất bại vì kinh doanh. Nhiều người vẫn thường nghĩ rằng họ thất bại là do không có kỹ năng, tài chính hạn hẹp… Điều này đúng nhưng vẫn chưa đủ.
Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến nhà kinh doanh thất bại là do chưa biết vận dụng bài học kinh doanh vào công việc của mình. Theo ông Thắng, muốn tồn tại và phát triển vững mạnh trên thị trường kinh doanh hiện nay, các doanh nghiệp dù hoạt động ở bất cứ một lĩnh vực nào cũng luôn phải cập nhật những xu hướng mới nhất. Một chiến lược marketing được tạo lập tốt sẽ là cầu nối kết nối doanh nghiệp với thị trường để thực hiện điều đó.
Đối với các doanh nghiệp, việc xây dựng chiến lược marketing có ý nghĩa và vai trò quan trọng. Mỗi chiến lược marketing cần phải giải quyết được nhu cầu, mong muốn, vấn đề hoặc tận dụng thói quen và phong tục của đối tượng mục tiêu để đạt được mục đích... Đó chính là vấn đề mấu chốt giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp nhanh chóng thành công.