Đầu năm về với cội nguồn ngành Ngân hàng
Tuyên Quang là vùng đất có truyền thống văn hoá lịch sử lâu đời, có vị trí chiến lược quan trọng trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Trong Cách mạng Tháng 8, Tuyên Quang được lựa chọn làm “Thủ đô khu giải phóng”, huyện Sơn Dương là nơi đặt trụ sở làm việc của Trung ương Đảng, Chính phủ và các bộ, ban ngành trung ương. Trong 9 năm trường kỳ kháng chiến, Tuyên Quang một lần nữa được chọn là “Thủ đô kháng chiến”.
NHNN Việt Nam tổ chức chương trình về nguồn và trồng cây “Tri ân cội nguồn cách mạng” tại Khu di tích lịch sử của ngành Ngân hàng |
Phát biểu tại buổi lễ, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng chia sẻ, Khu di tích lịch sử ngành Ngân hàng là địa điểm Ngân hàng Quốc gia Việt Nam đặt trụ sở từ tháng 04/1952 đến tháng 10/1954. Tại đây, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam đã tổ chức phát hành giấy bạc ngân hàng lần đầu tiên, thu hồi giấy bạc tài chính, củng cố và ổn định hệ thống tiền tệ độc lập, tự chủ của nước ta, phát triển tín dụng ngân hàng, phục vụ đắc lực cho sản xuất và đời sống nhân dân, góp phần quan trọng vào thắng lợi của công cuộc kháng chiến kiến quốc của dân tộc ta.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại buổi lễ |
Theo Thống đốc, Khu di tích lịch sử ngành Ngân hàng đã được các thế hệ cán bộ ngân hàng đi sau quan tâm xây dựng, nâng cấp, tu bổ nhiều lần từ năm 2001 đến nay. Đặc biệt, vào năm 2021, nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Ngân hàng, công trình đã được cải tạo mở rộng, nâng cấp và hoàn thiện với các hạng mục Khu trung tâm, Nhà truyền thống, Khu bia di tích, Quảng trường, sân vườn, các hạng mục phụ trợ, trồng cây xanh... Đến tháng 8/2023, công trình tiếp tục hoàn thiện hạng mục Tháp Thông thiên để ngành Ngân hàng có được một Khu Di tích lịch sử ý nghĩa như hiện nay.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng và Đoàn cán bộ chủ chốt ngành Ngân hàng thắp hương bày tỏ tấm lòng thành kính đến các thế hệ đi trước đã có những đóng góp to lớn cho sự xây dựng, phát triển của Ngành |
Nhân dịp đầu xuân năm mới Giáp Thìn 2024, Ban Cán sự Đảng, Ban Lãnh đạo NHNN cùng Thủ trưởng các đơn vị thuộc NHNN, các TCTD, các doanh nghiệp trực thuộc tổ chức dâng hoa, dâng hương tại Khu di tích lịch sử để bày tỏ tấm lòng thành kính tri ân đến các thế hệ lãnh đạo, cán bộ ngành Ngân hàng đi trước đã có những đóng góp to lớn cho sự xây dựng, phát triển của Ngành từ những ngày đầu thành lập.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Tháp Thông thiên |
Cũng nhân dịp này, ngành Ngân hàng tiếp tục tổ chức Chương trình “Tết Trồng cây - đời đời nhớ ơn Bác Hồ” với mong muốn cán bộ, đoàn viên, người lao động phát huy truyền thống tốt đẹp mỗi dịp Tết đến, xuân về theo lời dạy của Bác "Mùa xuân là Tết trồng cây/Làm cho đất nước càng ngày càng xuân" và góp phần tích cực hưởng ứng Chương trình trồng một tỷ cây xanh vì một Việt Nam xanh. Qua đây cũng thể hiện tình cảm gắn bó của ngành Ngân hàng với người dân vùng đất lịch sử cách mạng tại huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.
Thống đốc và Đoàn công tác ngành Ngân hàng trồng cây tại Khu di tích lịch sử |
Phát biểu tại Khu di tích lịch sử của ngành Ngân hàng, Thống đốc chia sẻ, năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025. Dù dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong nước sẽ tiếp tục còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng toàn thể các đồng chí và cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Ngân hàng sẽ phát huy mạnh mẽ hơn nữa bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, đạo đức nghề nghiệp để cùng đồng hành, chia sẻ và nỗ lực, quyết tâm khắc phục, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành tốt nhất mọi nhiệm vụ được giao. Từ đó đóng góp tích cực hơn nữa vào thành tựu chung của đất nước trong năm 2024, xứng đáng với vai trò, vị thế ngành Ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế.
Nhân dịp này, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam cũng hỗ trợ kinh phí xây dựng công trình an sinh xã hội trị giá 7 tỷ đồng cho huyện Sơn Dương. Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực NHNN, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam cho biết, Tuyên Quang nói chung và huyện Sơn Dương là địa phương còn nhiều khó khăn, do vậy trong những năm qua, ngành Ngân hàng đã dành nhiều nguồn lực hỗ trợ an sinh xã hội trên địa bàn.
Phó Thống đốc mong muốn, với sự hỗ trợ trên sẽ là nguồn động viên góp phần giúp Sơn Dương sớm đạt chuẩn nông thôn mới theo đúng mục tiêu đề ra.
“7 tỷ đồng là nguồn đóng góp từ tiền lương của mỗi cán bộ ngành Ngân hàng, thể hiện trách nhiệm, sẻ chia của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong Ngành đối với cội nguồn của ngành Ngân hàng”, Phó Thống đốc chia sẻ.
Đồng chí Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam phát biểu tại buổi lễ |
Công đoàn Ngân hàng Việt Nam hỗ trợ kinh phí 7 tỷ đồng xây dựng công trình an sinh xã hội cho huyện Sơn Dương |
Trân trọng tình cảm và sự hỗ trợ của ngành Ngân hàng, đồng chí Hoàng Việt Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết, để có thể thực hiện Đề án xây dựng huyện Sơn Dương đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2023-2025, huyện đang cần nguồn lực rất lớn để hoàn thành các tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nhất là nguồn lực hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo, làm đường giao thông, trường học và các công trình phúc lợi.
Đồng chí Hoàng Việt Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang trân trọng tình cảm và sự hỗ trợ của ngành Ngân hàng đối với địa phương |
Vì thế, sự kiện ngành Ngân hàng trao tặng an sinh xã hội cho huyện Sơn Dương hết sức ý nghĩa và mang đậm tính nhân văn sâu sắc, giúp nhân dân các dân tộc vùng căn cứ cách mạng nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần quan trọng hoàn thành đề án đã đặt ra trên địa bàn.
“Sự quan tâm của ngành Ngân hàng là nguồn cổ vũ, động viên to lớn để tỉnh Tuyên Quang vững bước trên chặng đường phát triển”, đồng chí Hoàng Việt Phương chia sẻ.