Đầu tư cho nông nghiệp, hướng đi mang lại hiệu quả
Đầu tư chuyên sâu
Những tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk tiếp tục có sự phát triển ổn định. Theo nhận định của bà con nông dân tại Đắk Lắk, năm 2023, diễn biến thời tiết thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp.
Cùng với đó, giá cả một số nông sản chủ lực của tỉnh như cà phê, hồ tiêu, sầu riêng... có sự tăng mạnh so với đầu năm 2023. Cụ thể, giá hồ tiêu thời điểm tháng 9/2023 khoảng 70.500- 71.500 đồng/kg (đầu năm ở mức 58.500 đồng/kg); giá cà phê tháng 9/2023 khoảng 65.200 - 66.500 đồng/kg (đầu năm trong khoảng 39.100-39.200 đồng/kg).
Nhất là phải kể đến giá thu mua sầu riêng được các thương lái thu mua tại vườn có giá cao gần gấp đôi so với năm 2022, dao động từ 70.000 - 90.000 đồng/kg, mang lại thu nhập đáng kể cho người nông dân địa phương.
Thông qua việc đầu tư vốn đối với tái canh cây cà phê, nhiều mô hình thành công cho năng suất cao và ổn định |
Những yếu tố thuận lợi đã mang lại hiệu quả tích cực đối với hoạt động đầu tư vào sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân. Qua đó, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế ngành Nông nghiệp của địa phương và tạo ra hàng hoá nông sản xuất khẩu.
Để có được những "trái ngọt" như hôm này, những năm gần đây chính quyền tỉnh Đắk Lắk tập trung đẩy mạnh các giải pháp tái cấu trúc ngành nông nghiệp. Nhất là tái cơ cấu cây trồng phù hợp với biến đổi khí hậu, cũng như tạo ra các vùng nguyên liệu phát triển bền vững. Qua đó, ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk đã gặt hái được những thành công...
Đơn cử như, xác định mục tiêu “trẻ hóa” vườn cây là giải pháp cần thiết và cấp bách vì sự phát triển bền vững của ngành cà phê. Còn nhớ, cách đây 10 năm, UBND tỉnh Đắk Lắk và Agribank phối hợp tổ chức hội nghị về giải pháp tái canh cây cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành Trung ương và địa phương. Tại hội nghị này, có 10 biên bản ghi nhớ được ký, với hơn 163 tỷ đồng vốn đầu tư tái canh cho 955,7ha. Đây là 10 dự án tái canh mở đầu cho một chương trình đầu tư lớn của Agribank đối với cây cà phê.
Sau hội nghị, Agribank tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp cận các hộ nông dân, doanh nghiệp có nhu cầu tái canh để hướng dẫn thủ tục, quy trình vay vốn và giao chỉ tiêu cho vay tái canh đến từng đơn vị.
Về phía địa phương, UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt kế hoạch tái canh cà phê trên địa bàn giai đoạn 2013 - 2020; ban hành kế hoạch tái canh cà phê giai đoạn 2021 - 2025. Tại các huyện xúc tiến thành lập ban chỉ đạo về cho vay tái canh cà phê, tổ chức các cuộc đối thoại trực tiếp với các hộ trồng cà phê tại các điểm xã có diện tích tái canh lớn, để người dân thấy được lợi ích lâu dài của việc tái canh cà phê, lập dự án để vay vốn ngân hàng.
Thông qua việc đầu tư vốn đối với tái canh cây cà phê, nhiều mô hình thành công cho năng suất cao và ổn định, tiêu biểu như Công ty NHHH MTV Cà phê 720, Công ty NHHH MTV Cà phê 721, Công ty Cà phê Việt Đức và nhiều hộ dân tại các huyện Krông Pắc, Cư M’gar, Cư Kuin...
Phát triển thương hiệu
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay cả nước có hơn 112.000ha sầu riêng, với tổng sản lượng khoảng 900.000 tấn. Trong 5 năm gần đây, diện tích sầu riêng tăng nhanh, bình quân mỗi năm tăng gần 25%. Trong đó, tập trung ở một số vùng chính như: Tây Nguyên (hơn 52.000ha); Đồng bằng sông Cửu Long (33.000ha); Đông Nam Bộ (21.000ha) và một số địa phương khác. Riêng tỉnh Đắk Lắk hiện có khoảng 23.000ha, đứng thứ hai cả nước sau tỉnh Tiền Giang. Trong đó, có khoảng 50% diện tích cho thu hoạch, với sản lượng năm 2023 khoảng 200.000 tấn.
Nhận thấy cơ hội lớn, song song với công tác quy hoạch, quản lý vùng trồng, chính quyền tỉnh Đắk Lắk tập trung đẩy mạnh xây dựng thương hiệu. Gần đây, tỉnh Đắk Lắk chủ trương xây dựng thương hiệu đối với cây sâu riêng, nhằm gia tăng giá trị sản phẩm hàng hoá nông sản…
Đến nay, trên địa bàn đã hình thành được nhiều cùng trồng, có thương hiệu sản phẩm như: nhãn hiệu “Sầu riêng Krông Búk”. Đề án xây dựng và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “Sầu riêng Krông Búk” đã ra đời nhằm xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Sầu riêng Krông Búk” giúp nâng trình độ, kỹ thuật sản xuất sản phẩm sầu riêng trên địa bàn. Đây cũng là cơ sở góp phần đảm bảo về mặt pháp lý cho sản phẩm sầu riêng có xuất xứ tại huyện Krông Búk được lưu thông trên thị trường toàn quốc và các thị trường quốc tế. Qua đó, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm sầu riêng huyện Krông Búk trên thị trường.
Đắk Lắk chú trọng xây dựng thương hiệu để bảo đảm quyền lợi và gia tăng hiệu quả, giá trị cho người sản xuất, kinh doanh sầu riêng trên địa bàn |
Hay như, UBND huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Sầu riêng Cư M’gar” và đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) cấp Chứng nhận theo Quyết định số 5327, ngày 10/7/2023. Sự ra đời của “Sầu riêng Cư M’gar” để bảo đảm quyền lợi và tăng hiệu quả, giá trị cho người sản xuất, kinh doanh sầu riêng trên địa bàn.
Hiện trên địa bàn huyện Cư M’gar có 13 DN liên kết sản xuất, tư vấn kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm với các hợp tác xã, tổ hợp tác và xây dựng hoàn thiện hồ sơ 37 mã số vùng trồng sầu riêng, với diện tích trên 831ha. Vụ thu hoạch sầu riêng năm 2023, huyện có hơn 1.000ha kinh doanh, sản lượng ước đạt trên 20 ngàn tấn.
Theo ông Nguyễn Kim Cương, Giám đốc NHNN chi nhánh Đăk Lăk, thời gian qua, chi nhánh quyết liệt triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho người dân và DN, phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng phù hợp với phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Trong đó, chú trọng tập trung vốn cho vay các lĩnh vực ưu tiên, chương trình tín dụng ưu đãi như chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo chủ trương của Chính phủ; cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch.
Ông Cương cho rằng mặc dù hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, người dân trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, song lĩnh vực cho vay nông nghiệp, nông thôn tăng trưởng khá tốt. Trên địa bàn có dư nợ cho vay đối với lĩnh vực này khoảng 66.200 tỷ đồng, chiếm 46,61% tổng dư nợ; tăng 0,19% (tăng 126 tỷ đồng) so với đầu năm 2023, với khoảng 350.000 khách hàng còn dư nợ. Do đó, có thể khẳng định rằng, ngành Nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế; đầu tư vốn cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân vẫn là hướng đi đúng và mang lại hiệu quả tích cực.