Đầu tư hạ tầng xe điện tạo đột phá về giao thông xanh
Bloomberg: Xe máy điện VinFast hướng tới tương lai giao thông xanh tại Việt Nam Cần tăng cường đầu tư cho giao thông xanh |
Phát triển song hành cùng thị trường xe điện
Mới đây, theo báo cáo “Vietnam At a Glance” do Ngân hàng HSBC Việt Nam công bố, thị trường xe điện Việt Nam còn nhiều dư địa để tiếp tục tăng trưởng. Ước tính, tổng doanh số bán xe máy và ô tô điện hàng năm của Việt Nam có thể tăng từ dưới 1 triệu trong năm 2024 lên trên 2,5 triệu vào năm 2036. Trong đó, thị trường xe máy điện của Việt Nam được đánh giá đang lớn nhất ở ASEAN và lớn thứ nhì thế giới, chỉ sau Trung Quốc; dự đoán đến năm 2040, Việt Nam sẽ có 3,5 triệu ô tô điện lăn bánh trên đường.
Đầu tư hạ tầng cho xe điện đang là xu hướng đầu tư mới song hành cùng sự phát triển của thị trường xe điện |
Song hành cùng xe điện, thị trường hạ tầng xe điện cũng đang "nóng" hơn bao giờ hết. Là một trong số những doanh nghiệp đầu tư rất lớn vào lĩnh vực này, đại diện VinFast cho biết, tính đến nay, trạm sạc công cộng của VinFast đã có mặt tại 63/63 tỉnh thành. Đặc biệt, trên 125 tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và cao tốc, trạm sạc VinFast đang được bố trí dày đặc với khoảng cách trung bình giữa hai trạm chỉ là khoảng 65km và đang tiếp tục được rút ngắn xuống chỉ còn 50km, với đủ loại công suất từ sạc thường đến sạc siêu nhanh. Qua đó tiến tới hoàn thiện quy hoạch 150.000 cổng sạc trên toàn quốc, với số quy hoạch trên quy mô 100 triệu dân, tính trung bình mỗi 10.000 dân Việt Nam đang có 15 cổng sạc xe điện. Doanh nghiệp này cũng tách hẳn bộ phận phát triển trạm sạc thành một công ty riêng để thực hiện các dự án phát triển hạ tầng cho xe điện.
Cách đây không lâu, Audi Việt Nam vừa khánh thành khu phức hợp phục vụ người dùng ô tô điện tại quận 1 (TP. Hồ Chí Minh), trang bị hệ thống sạc nhanh một chiều công suất 160kW phục vụ cho các dòng xe điện; Porsche Studio cũng đầu tư hệ thống trạm sạc nhanh gồm trụ sạc công suất cao 180kW và 4 thiết bị sạc điện xoay chiều có công suất 22kW; Mercedes-Benz Việt Nam cũng đã có kế hoạch triển khai mô hình "phòng chờ" sạc xe, đồng thời tiếp tục thảo luận với các đối tác để khuyến khích các đại lý, khách sạn, khu nghỉ dưỡng (resort) triển khai hạ tầng trạm sạc… phục vụ người sử dụng xe điện EQ. BMW, Volvo, Hyundai… Dù chưa bán ra bất cứ mẫu xe thuần điện nào ở thị trường trong nước nhưng Land Rover cũng đã trang bị đầy đủ hạ tầng sạc điện tại một chi nhánh ở Hà Nội.
Theo các chuyên gia trong ngành, Việt Nam hiện rất thuận lợi cho triển khai hạ tầng trạm sạc ô tô điện, có thể kể đến như các công nghệ liên quan rất phát triển; người tiêu dùng ưa thích công nghệ mới, đồng thời rất quen thuộc với ứng dụng di động và các hình thức thanh toán không tiền mặt...
Cần khung pháp lý về tiêu chuẩn hạ tầng
Tuy nhiên, để đáp ứng đủ nhu cầu phát triển trong tương lai, thị trường này sẽ cần đầu tư thêm vào cơ sở hạ tầng và các phân khúc chuỗi cung ứng trọng yếu. Các chuyên gia HSBC tính toán, chỉ riêng lắp đặt đủ hạ tầng sạc xe điện và công suất phát điện tái tạo đủ cho lượng xe điện mới theo dự báo sẽ cần khoảng 12,3 tỷ USD đầu tư và 14 tỷ kWh năng lượng cộng dồn trong giai đoạn 2024-2040.
Theo ông Huỳnh Tiến Đạt, Giám đốc điều hành EV ONE, hiện chi phí đầu tư hạ tầng xe điện còn cao; nguồn điện ở một số địa điểm để lắp đặt trạm sạc chưa đáp ứng được yêu cầu, khiến việc lắp đặt trở nên rất tốn kém. Bên cạnh đó, hiện chưa có một khung pháp lý cụ thể về tiêu chuẩn hạ tầng sạc, nhiều hãng xe điện còn dè dặt với các giải pháp sạc của bên thứ ba... dẫn đến các đơn vị muốn tham gia lĩnh vực này còn nhiều lúng túng. Do đó, các doanh nghiệp muốn tham gia vào thị trường hạ tầng cho xe điện mong sớm có khung chính sách hỗ trợ phù hợp của nhà nước để khuyến khích các nhà đầu tư, đơn vị quản lý, vận hành trạm sạc cho xe điện.
Bên cạnh đó, các chuyên gia từ HSBC cũng đề xuất cần có một số chính sách hỗ trợ của Chính phủ như miễn lệ phí trước bạ đối với ô tô điện sử dụng pin; giảm thuế nhập khẩu ô tô điện sử dụng pin và miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các dự án đầu tư vào ô tô điện. Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể nâng cấp hệ sinh thái xe điện trong nước bằng cách tận dụng trữ lượng đất hiếm phong phú, dồi dào, vốn đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng pin xe điện.
"Việc đầu tư vào hạ tầng xe điện không chỉ bao gồm việc xây dựng các trạm sạc và mạng lưới điện phân phối hiệu quả, mà còn cần có các biện pháp khuyến khích sử dụng xe điện, bao gồm cả các chính sách thuế và khuyến mãi hấp dẫn cho người tiêu dùng. Ngoài ra, việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực liên quan cũng là một yếu tố không thể thiếu… Nếu tiếp tục được hỗ trợ tốt về nhiều mặt, đặc biệt là chính sách phát triển trạm sạc, Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra những bước đột phá về giao thông xanh trong thời gian tới", ông Đạt khẳng định.