Đầu tư tư nhân vào Việt Nam đạt mức kỷ lục mới
Kỷ lục 10 năm
Khảo sát ý kiến của các cá nhân và đơn vị đang hoạt động trong lĩnh vực đầu tư tư nhân của Grant Thornton Việt Nam, bao gồm: Nhà đầu tư và các Quỹ đầu tư (23%), Công ty tư vấn (29%), Doanh nghiệp tư nhân (29%), Công ty chứng khoán (9%), và các đối tượng khác (10%) cho thấy Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất trong các thị trường ASEAN được lựa chọn.
Nhìn từ các thương vụ trong năm 2018, báo cáo cho rằng Việt Nam là một trong ba điểm đến hấp dẫn dòng đầu tư tư nhân (PE) nhất Đông Nam Á, với số lượng thương vụ PE tăng vượt trội và giá trị giao dịch đạt mức kỷ lục của 10 năm nay.
Năm 2018, số thương vụ PE thành công ở Việt Nam đã tăng vọt tới 41% so với năm trước, với 38 thương vụ; giá trị giao dịch tăng tới 285% với gần 1,61 tỷ USD, xếp thứ 3 khu vực ASEAN (Singapore dẫn đầu với 141 thương vụ, giá trị xấp xỉ 7,1 tỷ USD; tiếp theo là Indonexia có 42 thương vụ với trên 1,67 tỷ USD).
Tại Việt Nam, lĩnh vực công nghệ là mảng đầu tư có động lực tăng trưởng mạnh nhất, chiếm 40% tổng số thương vụ.
Xét về nhà đầu tư, báo có cho biết các quỹ nội nắm ưu thế với tổng cộng 17 thương vụ, chiếm 36% tổng số thương vụ đầu tư tư nhân.
Thương vụ đầu tư kỷ lục trên thị trường đầu tư tư nhân có giá trị 853 triệu USD, là thương vụ GIC Pte.Ltd đầu tư vào Vinhomes. |
Fintech, thương mại điện tử có sức hút lớn
Grant Thornton Việt Nam cho biết có 6 nhóm ngành tại Việt Nam có sức hút lớn đối với các quỹ đầu tư tư nhân trong 12 tháng tới.
Trong đó, có 2 nhóm ngành mới nổi là công nghệ tài chính (Fintech) và thương mại điện tử; bên cạnh đó là 4 ngành truyền thống, gồm giáo dục, năng lượng tái tạo, dược phẩm và vận tải-giao nhận.
Fintech sẽ là nơi hút dòng đầu tư tư nhân trong thời gian tới vì vừa là ngành mới nổi hợp xu hướng thời đại lại có nhiều yếu tố hỗ trợ thuận lợi. Trước hết là việc phát triển cơ sở hạ tầng và hệ sinh thái công nghệ số.
Thứ nữa là Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020, người dân sẽ không thanh toán dùng tiền mặt. Tính đến cuối năm 2017, mới có 10% giao dịch thanh toán được thực hiện thông qua hệ thống điện tử, 90% giao dịch thanh toán còn lại bằng tiền mặt.
Và sự bùng nổ của thương mại điện tử đang làm gia tăng nhu cầu đối với các phương tiện thanh toán điện tử.
Cũng là một ngành mới nổi, thương mại điện tử đang là lĩnh vực có tốc độ phát triển nhanh và nhiều cơ hội. Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử cao thứ 3 thế giới (69%).
Quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 87% trong giai đoạn 2015-2018 và ước tính đạt 15 tỉ USD vào năm 2025. Tổng giá trị hàng hóa giao dịch trực tuyến trên tổng GDP của Việt Nam đạt 4%, vượt xa mức trung bình của ASEAN (2.8%).
Tỷ lệ người dùng Internet ở Việt Nam hiện là 56% vào cuối năm 2018, dự báo sẽ đạt 69% vào năm 2021. Tỷ lệ sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam hiện là 44% tổng dân số và dự kiến sẽ đạt 53% vào năm 2021. Hiện có 38,5% dân số, tương đương 35,4 triệu người sử dụng thương mại điện tử tại Việt Nam, con số này được dự đoán sẽ tăng thêm 6,6 triệu người vào năm 2021. Chi tiêu trực tuyến đầu người trung bình đạt 62 USD và có thể đạt 96 USD vào năm 2020. |
Các ngành truyền thống còn tiềm năng
Trong nhóm ngành truyền thống, bao gồm giáo dục, năng lượng tái tạo, dược phẩm và vận tải-giao nhận, thì giáo dục là ngành có triển vọng đầu tư tốt. Dân số trẻ (60% cơ cấu dân số Việt Nam là người trẻ) và tầng lớp trung lưu tăng nhanh cũng kéo theo nhu cầu lớn hơn về giáo dục kéo theo nhu cầu đầu tư cho giáo dục.
Chi tiêu cho giáo dục tại Việt Nam chiếm 5,7% GDP, xếp thứ 29 trong 126 quốc gia chi tiêu nhiều cho giáo dục trên thế giới. Thêm vào đó, tốc độ phát triển của thị trường giáo dục trực tuyến tại Việt Nam đạt 44,3%, thuộc Top 10 châu Á.
Đối với năng lượng tái tạo, theo dự báo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN, đến 2020, Việt Nam sẽ thiếu nguồn cung năng lượng nên nhu cầu đầu tư cho năng lượng tái tạo khá lớn.
Đối với dược phẩm, do đời sống người dân ngày càng tăng, thu nhập của người dân cao hơn cùng với dân trí cải thiện trong khi tốc độ già hóa dân số ngày càng tăng nên nhu cầu chăm sóc sức khỏe tăng nhanh, mở ra tiềm năng đầu tư và nhu cầu đầu tư vào lĩnh vực y tế, dược phẩm và chăm sóc sức khỏe.
Hãng nghiên cứu thị trường BMI ước tính ngành dược phẩm Việt Nam sẽ đạt 7,7 tỉ USD vào năm 2020, tương đương mức tăng trưởng hằng năm 10,3% trong giai đoạn 2017-2020.
Vận tải-giao nhận cũng là ngành có sức hút đầu tư tư nhân. Sự phát triển của nền kinh tế, bùng nổ của thương mại điện tử, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thúc đẩy nhu cầu vận chuyển hàng hóa trong tương lai.