Đầu tư vào ngành điện tử có dấu hiệu phục hồi
Ngành điện tử với nhiều cơ hội bứt phá Ngành điện tử đón làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng Công nghiệp điện tử Việt Nam nắm bắt cơ hội lớn |
Thời gian qua, số lượng dự án đầu tư vào ngành điện tử tăng liên tiếp, hơn nữa, quý I/2023 quy mô vốn đã có dấu hiệu tăng trưởng trở lại.
Theo bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA), đây là một diễn biến tốt, cho thấy Việt Nam đáp ứng khá tốt nhu cầu của các nhà đầu tư lớn. Và như vậy, chúng ta hoàn toàn có lợi thế trong thu hút các nhà đầu tư khác, từ đó hoàn thiện chuỗi cung ứng ngành.
"Điện - điện tử đang là ngành nghề rất triển vọng khi vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu ngày càng tăng. Do vậy, ngành này vẫn rất nhiều tiềm năng thu hút vốn, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài", bà Thúy Hương chia sẻ.
Vốn FDI thường chiếm từ 80% tổng vốn đầu tư của ngành điện tử. Như thế có thể thấy, các doanh nghiệp nội vẫn chưa thực sự là những mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng.
Thời gian qua, theo sau các dự án FDI lớn về gia công lắp ráp của các tên tuổi lớn đầu chuỗi, số lượng dự án và vốn đầu tư vào sản xuất gia công linh kiện, phụ kiện, cụm linh kiện gia tăng đáng kể.
Năm 2021, tại Việt Nam, Foxconn đầu tư 453 triệu USD sản xuất lắp ráp máy tính bảng thì đầu năm 2023, công ty con của họ cũng đã đầu tư 621 triệu USD để sản xuất linh kiện điện tử cho máy tính và bo mạch chủ.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương cho biết, thời gian trước đây, từ năm 2013-2018, các dự án Hàn Quốc gần như chiếm đa số cả về số lượng dự án và quy mô vốn đăng ký đầu tư thì tình hình đã dần thay đổi từ năm 2018 đến nay. Các dự án gia công, lắp ráp và hoàn thiện với nguồn vốn từ Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc) đã chảy vào Việt Nam nhiều hơn.
Tuy nhiên, có thực tế là sức hút này đang có nguy cơ giảm dần theo thời gian, nhất là trong bối cảnh các nước đang kêu gọi hạn chế xuất khẩu đầu tư, tập trung thành lập các dự án sản xuất trong nước nhằm tạo việc làm và đối phó với sự suy giảm kinh tế.
Để thu hút FDI cho ngành điện tử tại Việt Nam, bà Hương cho rằng cần có chính sách thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, thậm chí cần có “ngoại giao đơn hàng”. Đồng thời, cần thu hút vốn có chọn lọc, có tính lan tỏa và tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt tham gia nhiều hơn, sâu hơn vào chuỗi cung ứng ở vị thế chủ lực. Cùng với đó, công tác dự báo và đánh giá chính sách, số liệu thống kê cũng cần làm kịp thời, liên tục, công khai và minh bạch hơn nữa.