Đẩy mạnh bình đẳng giới trong ngành dệt may, da giày
Theo một nghiên cứu của ILO được công bố vào năm 2021, đại dịch Covid-19 không chỉ làm trầm trọng hơn những bất bình đẳng giới vốn có – chẳng hạn như gánh nặng kép lên phụ nữ do vừa phải đi làm với số giờ gần tương đương nam giới, vừa phải dành hơn gấp đôi thời gian để làm việc nhà so với đàn ông, mà còn tạo thêm những bất bình đẳng giới mới, trong đó bao gồm tỷ lệ thất nghiệp.
Ảnh minh họa |
Tại Việt Nam, trong lĩnh vực việc làm, tỷ lệ phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động là 61,6%, cao gần bằng tỷ lệ của nam (74,3%). Tuy nhiên, phụ nữ nói chung và phụ nữ làm trong ngành dệt may và da giày nói riêng vẫn bị trả lương thấp hơn, đang phải chịu nhiều hình thức phân biệt đối xử và các rào cản trong thăng tiến, đặc biệt có nguy cơ bị bạo lực giới và quấy rối tại nơi làm việc cao hơn so với đồng nghiệp nam. Tình trạng bất bình đẳng giới càng gia tăng trong đại dịch Covid-19 và gây ra nhiều thách thức mới cho quá trình trao quyền cho nữ giới.
Trong đại dịch Covid-19, Better Work Việt Nam - chương trình Việc làm tốt hơn - một hợp tác đặc biệt giữa ILO và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), thành viên của World Bank Group đã hướng ưu tiên lớn hơn tới bình đẳng giới, do nhận thấy những tác động về sức khỏe, khối lượng công việc chăm sóc, cũng như về phân biệt đối xử đối với phụ nữ nghiêm trọng hơn nhiều so với nam giới.
Better Work Việt Nam đã làm việc chặt chẽ với các doanh nghiệp tham gia chương trình để giảm thiểu những yếu tố phân biệt đối xử về giới, xây dựng các hướng dẫn nhấn mạnh tới các khía cạnh giới để hỗ trợ nhiều vấn đề về lao động. Cùng với đó, khởi động dự án GEAR (Bình đẳng giới và giá trị mang lại) để giúp các doanh nghiệp cải thiện năng suất các dây chuyền sản xuất bằng cách trang bị cho nữ công nhân các kỹ năng cần thiết. Chương trình hiện đang hỗ trợ hơn 400 nhà máy dệt may và da giày trên cả nước với khoảng 700.000 lao động, giúp cải thiện điều kiện làm việc và thúc đẩy năng lực cạnh tranh thông qua các dịch vụ đánh giá, tư vấn và đào tạo.
Thực tế đã chứng minh, trao quyền cho phụ nữ có thể giúp ngành dệt may, da giày Việt Nam phục hồi và phát triển mạnh mẽ hơn sau đại dịch. 80% các nhà máy tham gia dự án GEAR đã ghi nhận tỷ lệ hiệu quả tăng lên ở các dây chuyền do học viên GEAR giám sát.
Khi đó, người lao động được hưởng mức độ an sinh cao hơn, còn nhà máy sẽ tăng lợi nhuận, ông Dan Rees, Giám đốc Chương trình Better Work toàn cầu chia sẻ.
Vẫn theo ông Dan Rees, trong quá trình phục hồi và phát triển sau đại dịch, nhiệm vụ cải thiện bình đẳng giới tại nơi làm việc có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết. Điều này cũng phù hợp với Lời kêu gọi Hành động toàn cầu của ILO vì một công cuộc phục hồi từ khủng hoảng Covid-19, lấy con người làm trung tâm.
Bà Robyn Mudie, Đại sứ Australia tại Việt Nam cho rằng, thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc mang lại lợi ích cho tất cả mọi người. Các điều khoản trong Bộ Luật Lao động hiện nay của Việt Nam về việc người sử dụng lao động phải có trách nhiệm hỗ trợ xây dựng nhà trẻ hoặc một phần chi phí gửi trẻ cho người lao động, thực hiện các biện pháp phòng chống quấy rối tình dục và trả công bình đẳng cho các công việc có giá trị tương đương, chính là những chiến lược quan trọng để ngành dệt may, da giày phục hồi và phát triển mạnh mẽ hơn, có sức chống chịu tốt hơn.
Ngành dệt may, da giày Việt Nam được biết đến là các ngành kinh tế mũi nhọn đối với sự tăng trưởng và phát triển của đất nước. Các ngành này hiện có khoảng 5 triệu lao động, trong đó tới hơn 70% là lao động nữ.
Thêm nữa, lao động trong ngành dệt may, da giày thường có độ tuổi trẻ, phải làm ca kíp, nhu cầu tăng ca sau dịch bệnh có thể ảnh hưởng đến việc chăm sóc con nhỏ, nghỉ ngơi. Vì vậy cần đẩy mạnh thỏa ước lao động tập thể, tạo môi trường làm việc an toàn, xây dựng thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp gắn với nhà ở, nhà trẻ, bệnh viện, khu vui chơi giải trí cho công nhân và gia đình họ.