Đẩy mạnh cải cách, gia tăng khả năng tiếp cận vốn cho DN
Ông Tô Duy Lâm - Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM vừa có văn bản chỉ đạo các các TCTD trên địa bàn tiếp tục hỗ trợ DN, hộ kinh doanh và người dân bị ảnh hưởng dịch Covid-19 trên tinh thần không để công việc trì trệ trong phát triển kinh tế thành phố những tháng cuối năm 2020.
Trong đó, NHNN thành phố yêu cầu các TCTD triệt để tiết giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất các khoản vay hiện hữu và những khoản vay mới. Các ngân hàng phải đơn giản hóa quy trình, thủ tục, hồ sơ vay vốn, tạo điều kiện cho DN và người dân tiếp cận tín dụng ngân hàng. Song song, nghiên cứu tìm tòi những cách làm mới, thiết kế các sản phẩm tín dụng cho vay phù hợp với từng loại hình DN trong bối cảnh dịch bệnh và thị trường gặp khó khăn do sức cầu giảm mạnh hiện nay. Ngân hàng phải nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết mỗi khoản vay, nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn vốn vay phù hợp với quy định pháp luật. Kết hợp với đổi mới quy trình cho vay các ngân hàng phải xây dựng các chương trình cho vay với lãi suất hợp lý.
Các ngân hàng đang đẩy mạnh số hóa để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng cho DN |
Đồng thời, mỗi ngân hàng phải có giải pháp tăng trưởng tín dụng, phân bổ vốn vay phù hợp, góp phần tăng trưởng kinh tế, nhất là cho phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh. Tổng giám đốc ngân hàng phải nghiêm túc hỗ trợ DN thông qua các hoạt động cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi, phí theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN. Bên cạnh đó, phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ, giám sát việc thực hiện các hoạt động hỗ trợ DN theo chỉ đạo của NHNN Việt Nam. Cùng với đó, các TCTD kết hợp với NHNN thành phố triển khai các chương trình kết nối ngân hàng – DN thiết thực để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quan hệ tín dụng với người vay vốn. Nhất là hoạt động cho vay theo các chương trình tín dụng chính sách trong cho vay 5 nhóm lĩnh vực ngành nghề nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, DNNVV, DN sản xuất sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, sản phẩm công nghiệp phụ trợ và cho vay bình ổn thị trường khi mùa khai giảng tháng 9 đang tới gần.
Trên cơ sở tăng cường cải cách các thủ tục giao dịch vốn, các ngân hàng phát triển hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt, cung ứng các dịch vụ ngân hàng hiện đại phù hợp với nhu cầu người dùng. Phát triển mạnh các sản phẩm dịch vụ giao dịch ngân hàng trực tuyến, dịch vụ thẻ, ví điện tử… đến từng phân khúc khách hàng.
Theo NHNN chi nhánh TP.HCM, thực hiện chỉ đạo của NHNN Việt Nam về triển khai kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển DN. NHNN thành phố truyền thông rộng rãi trên các kênh về việc sử dụng trang điện tử về thủ tục hành chính công trực tuyến về vay nợ và trả nợ nước ngoài của DN. Đồng thời, cơ quan quản lý tiền tệ trên địa bàn phối hợp với các sở ban ngành để tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là các thanh toán các dịch vụ công trực tuyến như y tế, giáo dục,…
Theo ông Tô Duy Lâm, cải cách thủ tục hành chính trong giao dịch vốn và dịch vụ ngân hàng phải lấy khách hàng làm trọng tâm đánh giá, trong đó đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục, giảm bớt phiền hà cho người vay vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay. Chẳng hạn, TCTD phải thường xuyên rà soát và thực hiện cắt giảm hồ sơ, thành phần hồ sơ, loại bỏ thủ tục không cần thiết để rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ vay vốn của người dân và DN có quan hệ với ngân hàng.
NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết đang xây dựng tiêu chuẩn đánh giá chất lượng dịch vụ, về công khai tiêu chuẩn chất lượng, giá cả tương ứng với các dịch vụ ngân hàng cung cấp cho khách hàng trên các trang thông tin điện tử. Hình thức áp dụng các công cụ, hệ thống quản lý chất lượng để nâng cao năng suất chất lượng dịch vụ, cắt giảm chi phí giao dịch của ngân hàng.
Bên cạnh đó, NHNN chi nhánh TP.HCM cũng sẽ định kỳ rà soát điều chỉnh các biểu phí dịch vụ theo hướng miễn, giảm các phí giao dịch đối với khách hàng giao dịch qua kênh điện tử nhằm khuyến khích khách hàng sử dụng sản phẩm dịch vụ không giao dịch tại quầy, yêu cầu các TCTD phải gia tăng chất lượng dịch vụ và tạo giá trị gia tăng cho khách hàng. Trên cơ sở đó, mỗi TCTD sẽ phải cạnh tranh bằng vận hành hệ thống quản lý rủi ro, nâng cao chất lượng kiểm soát nội bộ và tự giám sát chất lượng dịch vụ trên 3 tuyến bảo vệ. Bao gồm: tự nhận dạng rủi ro, kiểm soát độc lập, kiểm toán nội bộ. Theo đó, các TCTD cam kết đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng theo đúng chất lượng dịch vụ ngân hàng công bố trong quảng bá sản phẩm, hợp đồng và điều khoản sử dụng dịch vụ.