Đẩy mạnh chế biến sâu nông sản phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu
Về sản phẩm từ khoai mì (còn gọi là sắn), bà Bùi Thị Sương, Nghệ nhân ẩm thực cho biết khoai mì, từ lâu đã trở thành một nguyên liệu quen thuộc trong ẩm thực Việt Nam. Từ những món ăn dân dã ở các vùng quê đến những món tráng miệng tinh tế trong các nhà hàng sang trọng. Tinh bột khoai mì dùng trong chế biến các loại bánh, kẹo; có thể được lên men để sản xuất các loại nước giải khát, rượu, và sản phẩm lên men khác; hay sử dụng làm thức ăn chăn nuôi. Nhất là nguyên liệu đầu vào quan trọng cho các doanh nghiệp sản xuất bánh tráng ở nhiều địa phương.
Tọa đàm chủ đề "Sáng tạo xanh - Đưa khoai mì vào ẩm thực Việt" để đẩy mạnh đưa sản phẩm nông nghiệp Việt vào ẩm thực và xuất khẩu |
“Làm ẩm thực chúng tôi thực hiện thức ăn cuốn rất nhiều có khi là vài trăm cuốn cho nên bánh tráng với nguyên liệu khoai mì không sợ bị vỡ, hoặc phải nhúng nước cẩn thận… rất nhiêu khê Với bánh tráng từ nguyên liệu khoai mì cuốn không cần nhúng nước thì rất tiện lợi”, bà Sương nói.
Nói về chế biến sản phẩm nông nghiệp, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao cho rằng, trong tất cả các hoạt động của nông nghiệp thì chế biến sâu rất hiếm, tuy nhiên với công thức phát triển tài nguyên bản địa cộng với công nghệ mới thì các bạn trẻ đã sáng tạo nên những sản phẩm nông nghiệp chinh phục thế giới. Nếu sản phẩm của mình cạnh tranh với các sản phẩm của Anh, Pháp, Mỹ thì sẽ không cạnh tranh về mức độ tinh tế trong chế biến… Thế nhưng, chúng ta biết tận dụng việc những khí hậu đặc biệt mới cho ra tài nguyên bản địa là lợi thế của mình, chỉ cần mình đạt được đến trình độ an toàn cho sản phẩm. Điển hình như bánh tráng Tân Nhiên đã sản xuất bánh tráng từ bột khoai mì, tài nguyên bản địa ở tỉnh Tây Ninh có tiêu chuẩn an toàn nên thời gian qua đã xuất khẩu qua thế giới như Hàn Quốc, Mỹ, Úc…
Nông sản khoai mì Tây Ninh được chế biến sâu thành bánh tráng được thị trường quốc tế ưa chuộng |
Chia sẻ sáng kiến đưa bột khoai mì vào sản xuất bánh tráng, ông Đặng Khánh Duy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tân Nhiên cho biết nếu bánh tráng dùng bột gạo sẽ giòn dễ gãy vụn, dùng bột khoai mì sẽ dẻo và mềm hơn. Chính vì vậy, Tân Nhiên đã chế biến thương hiệu bánh tráng không nhúng nước đã có mặt tại hầu hết các địa phương và xuất đi nhiều nước trên thế giới từ bột khoai mì. Không chỉ bánh tráng, doanh nghiệp còn xuất cả dòng sản phẩm mang thương hiệu Mr. Muối, sử dụng các nguyên liệu là tài nguyên bản địa của nhiều địa phương (tỏi Phan Rang, muối Tây Ninh, sen Đồng Tháp, đường phèn Quảng Ngãi, cua Cà Mau).
"Để trở thành thương hiệu xuất khẩu, chúng tôi luôn tự nâng cấp quy trình sản xuất và không ngại đầu tư về trang thiết bị, để hoàn thiện về chất lượng sản phẩm, đáp ứng được các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của quốc tế”, ông Đặng Khánh Duy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tân Nhiên chia sẻ.
Cũng chế biến sản phẩm từ nông sản là khoai mì, một bạn trẻ khởi nghiệp khác trong mạng lưới Khởi nghiệp Xanh của Trung tâm BSA là anh Dương Ngọc Ảnh, ở miền quê nghèo xứ Quảng, đã nâng tầm món phở sắn – món ăn sáng tạo của người dân Quế Sơn từ gần trăm năm, nay đã trở thành đặc sản đậm hương vị quê nhà. Với dự án Caromi của anh và các cộng sự đã và đang giúp làng nghề bảo tồn văn hóa ẩm thực, mang giá trị riêng ra thị trường, dần dần tạo ra sự khác biệt và tăng giá trị sản vật quê hương.
Chế biến sâu nông sản như khoai mì từ bánh tráng Tân Nhiên (Tây Ninh) là cơ hội để đưa sản phẩm bản địa Việt Nam chinh phục thị trường quốc tế |
Thời gian qua, sản xuất, chế biến và tiêu thụ mì đã đạt được kết quả đáng ghi nhận cả về sản lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu. Ngày 17/4/2024, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành Quyết định số 1115/QĐ-BNN-TT phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, mục tiêu đến năm 2030 sản lượng mì tươi cả nước đạt khoảng 11,5-12,5 triệu tấn; trong đó, sản lượng mì tươi dùng để chế biến sâu một số sản phẩm (tinh bột, etanol, mỳ chính,...) chiếm khoảng 85%; diện tích trồng mì sử dụng giống đúng tiêu chuẩn chất lượng đạt 40-50%; diện tích trồng mì áp dụng quy trình canh tác bền vững đạt 50%; kim ngạch xuất khẩu mì và các sản phẩm từ mì đạt 1,8-2 tỷ USD.
Tầm nhìn đến năm 2050 ngành hàng mì của Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững, 70-80% diện tích trồng mì áp dụng quy trình canh tác bền vững, sản lượng mì tươi dùng để chế biến sâu một số sản phẩm (tinh bột, etanol, mỳ chính,...) chiếm trên 90%, kim ngạch xuất khẩu mì và các sản phẩm từ mì đạt khoảng 2,3-2,5 tỷ USD.
Là một trong 5 đối tác nhập khẩu hàng Việt Nam xuất khẩu đi thị trường nước ngoài như Úc, Mỹ…, ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc Công ty TNHH Liên kết Thương mại Toàn Cầu cho rằng, các doanh nghiệp phải tìm ra những đặc trưng nhất của sản phẩm mình, thổi hồn vào nó. Quan trọng nhất mỗi sản phẩm doanh nghiệp có chiến lược bài bản như sản phẩm nông nghiệp bản địa.
“Như sản phẩm mật hoa dừa Sokfarm của bạn Phạm Đình Ngãi đến từ tỉnh Trà Vinh. Sản phẩm này đã bán hàng rất chạy ở thị trường Đức, doanh số bán hàng của nhà phân phối rất khủng. Nhà phân phối người Việt Nam ở Đức ngày nào cũng làm món ăn review sản phẩm mật hoa dừa, nước tương từ mật hoa dừa (do họ làm nghề đầu bếp cũng khá nổi tiếng ở Đức). Cuối cùng nhiều clip lên xu hướng cả nước. Từ đây, báo chí địa phương đã viết về câu chuyện này, và những câu chuyện hàng nông đặc sản Việt Nam bên Đức”, ông Luận cho biết.
Bà Vũ Kim Hạnh cho rằng với những câu chuyện thực tế, những tiềm năng trên, cách thức để sáng tạo và phát triển những sản phẩm từ khoai mì hay những nông sản khác, nhằm thúc đẩy nền nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm bền vững. “Chỉ cần biết khai thác tài nguyên bản địa, đeo đuổi sản phẩm trên chính quê hương mình thì các bạn sẽ sáng tạo được các sản phẩm đặc biệt từ nông sản bản địa chế biến sâu và được thị trường chấp nhận tiêu thụ”, bà Vũ Kim Hạnh khẳng định.