Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp tuần hoàn
Ra mắt Ban chấp Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026 |
Đó cũng là lý do ngày 8/6/2021, Bộ Nội vụ ban hành Quyết định số 713/QĐ-BNV thành lập Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam, là tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức và hoạt động theo Điều lệ được Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt, tuân thủ quy định của pháp luật, chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ và các bộ, ngành liên quan đến lĩnh vực hoạt động, có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản, tự đảm bảo kinh phí, trụ sở và phương tiện hoạt động.
Mục đích của Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam là tập hợp, đoàn kết các tổ chức và cá nhân tự nguyện hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp tuần hoàn. Hỗ trợ, thu hút khuyến khích các doanh nghiệp, doanh nhân, các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển, nâng cao hiệu quả hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất, chế biến, thu gom tái chế, kinh doanh dịch vụ, xuất - nhập khẩu và sử dụng sản phẩm nông nghiệp tuần hoàn theo quy định của pháp luật.
Hội hoạt động trên phạm vi cả nước, trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất, chế biến, thu gom tái chế, kinh doanh dịch vụ, xuất - nhập khẩu và sử dụng sản phẩm nông nghiệp tuần hoàn trong nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp tuần hoàn theo quy định của pháp luật Việt Nam và Điều lệ Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam.
Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam ra đời và đi vào hoạt động sẽ góp phần tích cực trong việc hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhà khoa học và nông dân triển khai có hiệu quả các mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Là cầu nối để các bên tham gia sâu rộng hơn vào quá trình chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp kiểu truyền thống sang nông nghiệp tuần hoàn, thuận tự nhiên, khép kín, sử dụng năng lượng tái tạo, vật liệu tái chế, vừa gia tăng giá trị sản phẩm, đảm bảo lợi ích kinh tế gắn với bảo vệ môi trường.
Sự ra đời của hội mang ý nghĩa hết sức to lớn, nhất là trong bối cảnh Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đang thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030 theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, hướng tới một nền nông nghiệp thông minh, sản xuất những loại nông sản có tính khác biệt, người ta không có mà mình có. Một nền nông nghiệp hữu cơ, chia sẻ, không ai bị bỏ lại phía sau. Một nền nông nghiệp tuần hoàn, không bỏ đi thứ gì.
Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan cũng đồng tình rằng, nếu làm nông nghiệp mà phải đánh đổi nhiều chi phí về môi trường sinh thái, đa dạng sinh học… do lạm dụng hóa chất, sẽ để lại cho thế hệ mai sau tài nguyên không còn dinh dưỡng trong đất, nước. Đã đến lúc chúng ta phải cùng nhau xây dựng một hệ sinh thái nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh, nông nghiệp thích ứng cho sự phát triển bền vững, vì thế giới sẽ hướng đến những sản phẩm không chỉ ngon, sạch mà còn phải được chứng nhận sản xuất không tạo ra tác động xấu đến môi trường tự nhiên.
Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp tuần hoàn |
Một trong những doanh nghiệp tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ và hiện trở thành doanh nghiệp hữu cơ hàng đầu Việt Nam là Tập đoàn Quế Lâm của ông Nguyễn Hồng Lam - Chủ tịch Hội đồng quản trị, người có hơn 30 năm tâm huyết theo đuổi con đường làm nông nghiệp hữu cơ, 20 năm xây dựng và phát triển Tập đoàn Quế Lâm, cũng là trưởng Ban sáng lập Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Hồng Lam, tính đến nay, Tập đoàn Quế Lâm đã xây dựng được một chuỗi sản xuất tuần hoàn từ phân bón hữu cơ, đến chăn nuôi an toàn sinh học và trồng trọt hữu cơ.
Tập đoàn hiện có 13 công ty thành viên trực thuộc, trong đó có 7 nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh trải đều trên khắp cả nước (miền Bắc - miền Trung - Tây Nguyên - miền Nam) hàng năm cung cấp ra thị trường gần 1 triệu tấn phân bón hữu cơ. Tập đoàn đã xây dựng được một chuỗi chăn nuôi an toàn sinh học 4F (Farm- Food – Feed – Fertilizer) trên diện tích 15 ha tại xã Phong Thu, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Quan trọng hơn, bằng sự bền bỉ, kiên định trong hành trình làm nông nghiệp hữu cơ, Tập đoàn Quế Lâm đã góp phần thay đổi nhận thức, tư duy của nhà nông, nhà khoa học, nhà quản lý đối với lĩnh vực này. Nếu như năm 2018 mới chỉ có 32 tỉnh đồng hành cùng Quế Lâm trên diện tích gần 60.000 ha các loại cây trồng thì đến năm 2020 đã có 51 tỉnh thành cùng vào cuộc trên diện tích hơn 100.000 ha. Kết quả rất đáng mừng này cho thấy nhận thức về một nền nông nghiệp hữu cơ đã làm thay đổi cục diện sản xuất nông nghiệp của Việt Nam, Trưởng Ban sáng lập Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam Nguyễn Hồng Lam chia sẻ.
Hiện, tập đoàn đã ký kết hợp tác với hàng chục tỉnh thành từ Sơn La, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Thừa Thiên - Huế, TP.HCM, Long An, Đồng Tháp, Sóc Trăng... Bên cạnh đó, tập đoàn cũng đã xây dựng hàng trăm mô hình liên kết với các địa phương và hộ nông dân để trồng thanh long, dưa hấu, hành tím, bưởi da xanh, chè, cà phê, các giống lúa như ST24, ST25, lúa tôm... và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con nông dân từ chăn nuôi đến trồng trọt.
Ý tưởng, mong muốn cho sự ra đời của Tập đoàn Quế Lâm về Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam đã thành hiện thực, nhằm không chỉ chia sẻ kinh nghiệm, liên kết mở rộng phạm vi hoạt động, mà còn hợp tác cùng phát triển và chuyển giao những mô hình hiệu quả về nông nghiệp hữu cơ của Quế Lâm cho các thành phần khác trong xã hội. Từ đó lan tỏa và thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp xanh - sạch - an toàn - bền vững, nền nông nghiệp có trách nhiệm với môi trường và sức khỏe cộng đồng; nền nông nghiệp chia sẻ, không ai bị bỏ lại phía sau.
Trong đó, các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, hàng triệu hộ nông dân là thành viên hệ sinh thái nông nghiệp tuần hoàn, cùng nhau chia sẻ, kiến tạo và thụ hưởng thành quả của hệ sinh thái đó.
Tuy nhiên, thành quả nông nghiệp tuần hoàn có thể không phải ngay lập tức đạt được mà đòi hỏi sự bền bỉ, kiên trì, nhẫn nại trong nhiều năm nhưng là con đường tất yếu để thực sự nông nghiệp Việt Nam tự hào với thế giới là một nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm và bền vững, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.