Đề án tổng thể phát triển vùng dân tộc thiểu số: Giao Chính phủ điều hành, triển khai
Ảnh minh họa |
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, Quốc hội nhất trí giao Chính phủ điều hành, triển khai Đề án có hiệu quả, song đề nghị quan tâm chú ý đến các nhóm dân tộc còn rất ít người, chú ý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là người dân tộc thiểu số. Coi trọng hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động quần chúng trong vùng dân tộc thiểu số để vừa động viên, khích lệ đồng bào, nhưng cũng vận động đồng bào không trông chờ vào Nhà nước mà phải cố gắng vươn lên, không cam chịu đói nghèo.
Đại biểu Nguyễn Phước Lộc (TP. Hồ Chí Minh) và nhiều đại biểu khác cho rằng, việc xem xét quyết định Đề án là rất cần thiết và có ý nghĩa chính trị quan trọng. Tán thành quan điểm của Chính phủ về việc sau khi Đề án này được thông qua, Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và ban hành một chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện Đề án tổng thể. Tuy nhiên, về tên gọi của chương trình mục tiêu quốc gia mới, ông đề nghị lấy tên gọi là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Bởi lẽ, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số là sự thay đổi lớn về nhận thức, là cách tiếp cận mới từ quan điểm phát triển, là rất phù hợp với tuyên bố về chính sách dân tộc với nội hàm rất mới được ghi nhận trong Hiến pháp.
Bên cạnh đó, không gian nghèo của Việt Nam đang diễn biến lõi nghèo tập trung vào vùng dân tộc thiểu số, trải rộng ở khu vực miền núi phía Bắc, miền Tây Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, Tây duyên hải miền Trung và Tây Nam Bộ. So với sự phát triển chung của cả nước và từng địa phương, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số còn có nhiều khó khăn, kinh tế - xã hội phát triển chậm, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và nguy cơ tái nghèo cao.
Vì vậy, đại biểu Lộc và nhiều đại biểu khác cho rằng, giải quyết vấn đề giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải đặt trong tổng thể gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội bền vững với các giải pháp trọng yếu, đó là phát triển kinh tế lâm nghiệp và các dự án sản xuất tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân gắn với hỗ trợ đất ở, cải thiện nhà ở, hỗ trợ đất sản xuất…
Đồng quan điểm này, một số ý kiến khác cho biết, hiện nay có 118 chính sách pháp luật liên quan đến dân tộc thiểu số còn hiệu lực, nhưng thiếu tính thống nhất, đồng bộ, còn dàn trải, chồng chéo, chậm được tích hợp lồng ghép và do nhiều bộ, ngành quản lý phân tán theo từng lĩnh vực. Nếu ban hành chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách sẽ được tập trung về một đầu mối quản lý và điều phối. Có thể giao cho Ủy ban Dân tộc làm cơ quan thường trực, Chương trình mục tiêu quốc gia sẽ rà soát, sắp xếp, tích hợp các chính sách để sử dụng hiệu quả hơn nguồn lực trong điều kiện giới hạn.
Đồng thời, tập trung nhiều hơn cho mục tiêu đầu tư phát triển, hướng đến phát triển bền vững với chu kỳ đầu tư có tầm nhìn dài hạn. Chính sách được ban hành chủ yếu từ hỗ trợ sẽ chuyển sang tạo động lực vươn lên tự lập trong cuộc sống của người dân tộc thiểu số, ưu tiên tập trung đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Để hoàn thiện đề án, đại biểu K`Nhiễu (Lâm Đồng) cho rằng phải có giải pháp tổng thể, khắc phục những tồn tại, hạn chế của giai đoạn vừa qua. Tập trung nguồn lực đầu tư phát triển toàn diện vùng dân tộc thiểu số, miền núi, thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển của đồng bào dân tộc thiểu số so với cả nước. Song ông cũng rất băn khoăn về kinh phí thực hiện Đề án. Bên cạnh đó là mục tiêu giảm nghèo hàng năm.
“Về mục tiêu cụ thể đến năm 2025, tôi rất băn khoăn về mục tiêu đạt tỷ lệ hàng năm giảm nghèo từ 3% đến 5%. Đề nghị cân nhắc thận trọng đối với tỷ lệ này và nên có mục tiêu, giải pháp về việc chống tái nghèo, góp phần giảm nghèo bền vững đối với các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi không cao như Lâm Đồng”, đại biểu K`Nhiễu phát biểu thêm.
Giải trình, tiếp thu các nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, qua khảo sát trực tiếp của Ban soạn thảo, hiện nay thu nhập thực tế bình quân một người dân tộc thiểu số khoảng 1,1 đến 1,2 triệu đồng/tháng, tương đương với 13-14 triệu đồng/năm. Nếu đến năm 2020 tăng gấp 2 lần, đạt khoảng 26 đến 28 triệu đồng/năm, dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đến năm 2015 nước ta sẽ đạt 5.000 USD bình quân GDP trên đầu người.
“Chúng tôi đã nghiên cứu Văn kiện Đại hội Đảng bộ của các tỉnh vùng dân tộc thiểu số và miền núi với quyết tâm của các tỉnh rất cao. Năm 2020 so với 2015 Cao Bằng đề nghị tăng 2,1 lần, Quảng Ninh 2,2 lần, Hà Giang 1,85 lần, Hòa Bình 2,1 lần, Quảng Bình 2,5 lần, Ninh Thuận 2 lần, Gia Lai 2,1 lần, Sóc Trăng 1,8 lần, Bạc Liêu 2,1 lần. Chương trình Tam Nông xác định thu nhập của cư dân nông thôn tại Nghị quyết 26 Ban Chấp hành Trung ương Đảng sau 10 năm tăng 2,5 lần, nhưng vừa qua tổng kết là tăng 3,8 lần bình quân và 1,9 lần trên 5 năm. Do vậy, Ban soạn thảo trân trọng đề nghị cho giữ khoảng hai lần để từng hộ, từng thôn, xã quyết tâm phấn đấu và hàng năm có kiểm điểm thì như vậy mới có thể thực hiện được”, ông Chiến giải trình.
Về trọng tâm, trọng điểm cần ưu tiên, Bộ trưởng Chiến cho biết, khi xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia sẽ xác định trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên theo hướng giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư, phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân, phát triển nâng cao nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe sinh sản phụ nữ, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, bảo tồn và phát huy văn hóa gắn với phát triển du lịch.
Việc tổ chức thực hiện đề án cần đảm bảo nguyên tắc có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, thu gọn đầu mối, giảm thủ tục hành chính, công khai, dân chủ, minh bạch, có sự giám sát và thực hiện của người dân, chính quyền cấp tỉnh quyết định điều hành thực hiện dự án phù hợp với địa phương, lấy đồng bào làm chủ thể, dân cần, dân bàn, dân làm, dân hưởng lợi, cán bộ chỉ hướng dẫn, giúp đỡ và chúng ta không thể làm thay người dân.