Để đẩy mạnh xã hội hóa phát triển chợ
Chính sách còn thiếu khuyến khích
19 năm triển khai Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23/12/2009), đến cuối năm 2020, cả nước có 8.581 chợ, trong đó: có 236 chợ hạng I (chiếm 3%), 902 chợ hạng II (chiếm 11%), 7.070 chợ hạng III (chiếm 82%), 373 chợ chưa phân hạng (4%). Phân theo địa bàn có 6.328 chợ nông thôn (chiếm 74%), 2.253 chợ thành thị (chiếm 26%). Cả nước có 100 chợ đầu mối chiếm 1,16% tổng số chợ của cả nước.
Tuy nhiên, qua thời gian triển khai đến nay, một số quy định tại Nghị định 02 và Nghị định 114 đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Nguyên nhân là nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành mới hoặc thay thế như Luật Đầu tư 2014, Luật Quy hoạch 2017, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017, Luật Đầu tư công 2019 dẫn đến việc một số văn bản viện dẫn tại Nghị định đã hết hiệu lực, được thay thế bằng các văn bản quy phạm pháp luật khác.
Cần phát triển mạng lưới chợ theo hướng văn minh, hiện đại, bảo đảm an toàn thực phẩm |
Một số quy định về đầu tư, phát triển chợ chưa đồng bộ và thống nhất với các quy định khác, do vậy, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho chủ trương xã hội hóa đầu tư phát triển chợ. Đặc biệt, các chợ ở địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo hầu như không có khả năng thu hút nguồn vốn từ xã hội hóa do những vùng này có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, thu nhập và sức mua của người dân không cao. Ở địa bàn thành thị, một số chợ có khả năng thu hút nguồn vốn từ xã hội hóa thì gặp những hạn chế về chính sách khuyến khích, thu hút nhà đầu tư; một số chợ khác đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng không có điều kiện xã hội hóa do không nhận được sự đồng thuận của tiểu thương, gây khiếu nại, khiếu kiện kéo dài, mất ổn định xã hội hoặc đã kêu gọi đầu tư nhưng không thu hút được nhà đầu tư.
Nghị định số 114/2009/NĐ-CP quy định dự án đầu tư chợ của các thành phần kinh tế được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư, chính sách ưu đãi về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu. Tuy nhiên, tại các văn bản khác quy định về chính sách khuyến khích thu hút đầu tư còn thiếu đồng bộ như Nghị định số 32/2017/NĐ-CP về tín dụng đầu tư của nhà nước không có quy định cho các nhà đầu tư xây dựng chợ được hưởng chính sách tín dụng. Hay như Nghị định 118/2015/NĐ-CP quy định đầu tư xây dựng và quản lý, kinh doanh chợ tại vùng nông thôn nằm trong danh mục đặc biệt ưu đãi đầu tư (đã được thay thế bởi Nghị định 31/2021/NĐ-CP). Tuy nhiên, các chợ vùng sâu, vùng xa, chủ yếu là chợ hạng III do nguồn thu không đáng kể, thời gian thu hồi vốn dài nên khó thu hút đầu tư. Đầu tư xây dựng chợ tại địa bàn thành thị không thuộc danh mục ngành nghề ưu đãi đầu tư theo quy định tại Nghị định 118/2015/NĐ-CP.
Đầu tư hạ tầng thương mại nói chung (bao gồm hạ tầng chợ) chưa thuộc lĩnh vực, ngành nghề được quy định trong chính sách khuyến khích xã hội hóa. Việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ gặp rất nhiều khó khăn, số lượng doanh nghiệp và HTX kinh doanh, quản lý chợ còn ít, tính đến nay cả nước có khoảng 16% số chợ do doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý, 84% số chợ là do Ban quản lý, Tổ quản lý, nhất là tại các địa bàn khó khăn. Mô hình quản lý chợ theo hình thức mới cũng chưa mang lại hiệu quả như mong muốn, số lượng tiểu thương chưa lấp đầy tại chợ, số hộ kinh doanh bỏ chợ có xu hướng gia tăng.
Cần những quy định rõ ràng và thuận lợi hơn
Do đó, việc rà soát, xây dựng Nghị định về phát triển và quản lý chợ thay thế Nghị định số 02/2003/NĐ-CP và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP được các doanh nghiệp và chuyên gia đánh giá là cần thiết để phù hợp với tình hình thực tế và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tán đồng với quan điểm xây dựng Nghị định, song các doanh nghiệp cho rằng các khái niệm và tiêu chí về chợ đưa ra tại Dự thảo chưa rõ ràng. Như dự thảo phạm vi điều chỉnh của Nghị định là “chợ mang tính truyền thống”. Tuy nhiên, Dự thảo lại không có giải thích cho khái niệm này. Vì vậy, sẽ rất khó để xác định phạm vi áp dụng.
Điều 2 Dự thảo giải thích một số khái niệm về các loại chợ. Nhưng các tiêu chí để xác định các loại chợ lại không thống nhất, do đó rất khó để phân biệt các loại chợ với nhau. Ví như “chợ tự phát”, “chợ tạm” cũng có thể là “chợ dân sinh” vì “kinh doanh những mặt hàng thông dụng và thiết yếu phục vụ đời sống hàng ngày của người dân”; cũng có thể là “chợ đầu mối” nếu các chợ này có “tập trung một lượng hàng hóa lớn”, nguồn để phân phối tới các chợ, các kênh lưu thông khác. Hay như đặc điểm “xây dựng kiên cố/bán kiên cố” được xác định đối với “chợ tạm” nhưng các chợ còn lại không thấy đề cập đến yếu tố xây dựng. Do đó, “chợ dân sinh”, “chợ đầu mối”, “chợ đêm” cũng có thể là “chợ tạm” nếu “chưa được xây dựng kiên cố/bán kiên cố”.
Các khái niệm “chợ dân sinh” và “chợ đầu mối” cũng chưa phân định rõ. Theo điểm a khoản 1 Điều 3 Dự thảo thì “chợ dân sinh là chợ đầu mối của ngành hàng, của khu vực kinh tế và được tổ chức họp thường xuyên”. Trong khi đó, điểm a khoản 2 Điều 3 Dự thảo quy định các tiêu chí của “chợ đầu mối” về vị trí, quy mô (diện tích tối thiểu), các hạng mục công trình… không khớp với “chợ dân sinh” hạng 1 quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3. Tiêu chí xác định “chợ đầu mối” cũng rất mơ hồ khi chưa rõ khái niệm thế nào là “quy mô lớn”; “tác động xấu tới môi trường”...
Đặc biệt, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ ra quy định tại khoản 3 Điều 9 Dự thảo, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh khai thác và quản lý chợ phải trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền phê duyệt Nội quy chợ sẽ tạo gánh nặng về chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, khi doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục xét duyệt mới được phép áp dụng. Nội dung chính của Nội quy chợ phần lớn đều dựa trên quy định pháp luật hiện hành, dù có hay không thì doanh nghiệp cho thuê và doanh nghiệp thuê đều phải tuân thủ. Do đó, không cần thiết cơ quan nhà nước phải xét duyệt Nội quy chợ.
VCCI đề nghị bỏ quy định doanh nghiệp/hợp tác xã kinh doanh khai thác chợ phải “lập phương án bố trí, sắp xếp ngành nghề kinh doanh, sử dụng điểm kinh doanh tại chợ, trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền phê duyệt”. Bởi các ngành nghề kinh doanh đã được quy định tại pháp luật chuyên ngành, doanh nghiệp sẽ phải tuân thủ và do các cơ quan quản lý chuyên ngành quản lý. Việc bố trí, sắp xếp ngành nghề kinh doanh, sử dụng điểm kinh doanh là hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp/hợp tác xã kinh doanh khai thác chợ. Vì vậy, yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện phê duyệt phương án kinh doanh là chưa phù hợp, tạo gánh nặng chi phí tuân thủ và dường như can thiệp vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp cũng chỉ ra một số quy định hạn chế hoạt động đầu tư kinh doanh chợ. Như khoản 4 Điều 12 Dự thảo quy định thương nhân kinh doanh tại chợ khi sang nhượng điểm kinh doanh hoặc cho thương nhân khác thuê lại điểm kinh doanh còn trong thời hạn hợp đồng phải được sự chấp thuận của đơn vị quản lý, kinh doanh chợ. Doanh nghiệp cho rằng, việc sang nhượng, cho thuê lại địa điểm kinh doanh là một dạng giao dịch tài sản, cần được tạo điều kiện để thu hút thương nhân kinh doanh tại chợ. Việc yêu cầu phải có chấp thuận của đơn vị quản lý, kinh doanh tại chợ sẽ khiến cho giao dịch gặp khó khăn, phức tạp hơn. Mặt khác, cũng không rõ đơn vị quản lý, kinh doanh tại chợ sẽ dựa vào căn cứ nào để chấp thuận hoặc từ chối. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của thương nhân kinh doanh tại chợ, khi lợi ích của mình lại phụ thuộc vào chủ thể khác. Vì vậy, Ban soạn thảo nên cân nhắc bỏ quy định này.
VCCI cũng cho rằng, nên sửa đổi phân biệt rõ hình thức “chuyển nhượng có thời hạn” và “cho thuê” khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ. Đồng thời công nhận quyền sở hữu tài sản kết cấu hạ tầng trong thời gian chuyển nhượng để nhà đầu tư có thêm điều kiện huy động vốn và hợp tác kinh doanh với đối tác để khai thác hiệu quả tài sản kết cấu hạ tầng thay vì như Điểm c khoản 10 Điều 25 Dự thảo quy định, bên nhận chuyển nhượng “không được chuyển nhượng, bán, tặng cho, thế chấp, góp vốn”.