Để doanh nghiệp cà phê Việt lấy lại chỗ đứng
Năm 2012, tổng lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam đạt 1,5 triệu tấn, thu về 3,3 tỷ USD. Với kết quả này, Việt Nam tiếp tục giữ thứ hạng cao trong các nước xuất khẩu cà phê trên thế giới.
Điều này có được là do Việt Nam có một nguồn cung cà phê khá dồi dào từ khu vực Tây Nguyên chính là vùng nguyên liệu lớn của cả nước nên có sức cạnh tranh cao, hiệu quả gắn liền với công nghiệp chế biến và xuất khẩu nông lâm sản. Nhưng theo đánh giá của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), việc tận dụng được lợi thế sẵn có, biến tiềm năng của vùng thành thế mạnh của cà phê Việt Nam vẫn chưa có được kết quả tương xứng.
Ngân hàng sẽ tiếp sức cho ngành cà phê Việt
“Các DN nước ngoài có tiềm lực kinh tế hùng mạnh. Họ đánh vào thu nhập trước mắt của người nông dân, tranh thủ mua sản phẩm thô, dẫn đến chúng ta phải chia thị trường của mình cho họ”, ông Đặng Lê Nguyên Vũ - Tổng giám đốc Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên cảnh báo.
Tính đến thời điểm hiện tại, các DN nước ngoài đang thu mua khoảng 60% lượng cà phê thô của Tây Nguyên, đẩy DN trong nước đến chỗ mất thị phần, phải nhường lại “cuộc chơi” cho họ. Từ chỗ có tới 120 DN nội địa xuất khẩu cà phê thì nay con số này chỉ còn khoảng 20 DN đang tồn tại.
Thêm nữa, trong chuỗi giá trị cà phê, các DN Việt Nam cũng đang dần mất vị thế. Theo thống kê, hiện nay chỉ có 7% sản lượng cà phê được chế biến trong nước, còn lại là xuất khẩu thô. Trong đó, các DN trong nước chỉ thu được một tỷ lệ rất ít trong doanh thu rang xay, còn phần lớn chảy vào các DN có vốn nước ngoài.
“Khi là một quốc gia đứng đầu trong xuất khẩu cà phê thì các DN Việt Nam phải làm chủ quá trình chế biến, bán cho các nhà thầu rang xay có tiếng trên thế giới để quảng bá thương hiệu”, ông Vũ khuyến nghị và nói thêm rằng, vấn đề nằm ở tư duy chiến lược. “Chúng ta chế biến đạt tiêu chuẩn để bán cho các nhà rang xay quốc tế thì nguồn lợi sẽ lớn hơn rất nhiều”, ông nói.
Cùng đề cập đến vấn đề chế biến sâu, ông Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, các DN trong nước cần chia chế biến thành nhiều công đoạn, lựa chọn phần phù hợp và định hướng phát triển vào đó để thu lợi theo khả năng còn hạn chế của mình, chứ không đòi hỏi phải chế biến ra sản phẩm cuối cùng. “Vì đầu tư công nghệ là rất lớn”, ông Sơn giải thích.
Bởi vậy, trong bối cảnh tiềm lực của DN trong nước còn rất hạn chế, để tạo nên những thay đổi tích cực trong thời gian tới, sự nhập cuộc của hệ thống ngân hàng được coi là mắt xích then chốt.
Ông Đào Minh Tú - Phó thống đốc NHNN cho biết: “Thời gian qua, NHNN đã triển khai tích cực các giải pháp về chính sách tín dụng, sử dụng công cụ dự trữ bắt buộc để điều tiết vốn cho phát triển nông nghiệp và nông thôn”.
Nhằm phát huy hết tiềm năng, lợi thế của khu vực Tây Nguyên, trong thời gian tới ngành Ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh đầu tư tín dụng, hỗ trợ các DN khai thác tối đa các lợi thế của khu vực nhằm phát triển nhanh và bền vững. Riêng với cây cà phê, ngoài cho vay tái canh các vườn cà phê già cỗi, ngành Ngân hàng sẽ hỗ trợ tối đa để DN đầu tư vào chế biến sâu.
Cụ thể, ngành Ngân hàng đã dành một gói tín dụng trị giá 3.300 tỷ đồng hỗ trợ tái canh cây cà phê và nhiều nghìn tỷ đồng cho công tác chế biến sâu.
Đức Hiền