Để doanh nghiệp gỗ không chịu thiệt
Ông Ngô Sỹ Hoài, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) cho biết, vượt qua nhiều ngành hàng xuất khẩu lớn như nông, thủy sản, ngành gỗ và chế biến gỗ vẫn đang giữ vững vị thế về tăng trưởng xuất khẩu.
Ảnh minh họa |
Trong 6 tháng/2020, các doanh nghiệp ngành gỗ đã xuất khẩu 5 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2019. Riêng trong tháng 6/2020 cả nước đã xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 900 triệu USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy các doanh nghiệp thuộc Vifores không quá tự tin về triển vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong những tháng cuối năm 2020, vì các thị trường trọng điểm của Việt Nam bao gồm Hoa Kỳ (Mỹ), Châu Âu (EU) và Nhật Bản đều giảm số lượng đơn đặt hàng, nhưng tăng trưởng của ngành gỗ vẫn tốt, vì những sản phẩm cốt lõi, có doanh số nhiều tỷ USD (sản phẩm đồ gỗ nội ngoại thất, văn phòng và gỗ gia dụng…) đang có sự chuyển dịch đơn hàng về Việt Nam. Hiện tại, các doanh nghiệp Việt đang tích cực chuyển đổi vào sản xuất những sản phẩm cốt lõi này, cũng là những đơn hàng xuất khẩu số lượng lớn. Ngoài ra, thị trường tiêu thụ trong nước hiện nay cũng có trị giá lên đến 3,5 tỷ USD.
Tuy xuất khẩu ổn định, nhưng doanh nghiệp ngành gỗ vẫn liên tục gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là thiếu nguyên phụ liệu, do nhiều quốc gia vẫn đang phải phong tỏa chống dịch, nên nguồn cung nguyên phụ liệu bị gián đoạn. Thứ hai là nhiều khách hàng lớn tại các thị trường chính, nhất là thị trường Mỹ, EU không đặt đơn hàng mới, dẫn đến tồn kho của doanh nghiệp tăng cao. Hơn nữa, gánh nặng các chi phí lãi vay, quản lý, tiền lương, thuế, bảo hiểm… cũng khiến hơn 5.000 doanh nghiệp của ngành gỗ gặp khó.
Chưa hết, theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương), hiện nay mặt hàng gỗ xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ đang bị điều tra rất nhiều, đến 7 vụ trong 6 tháng đầu năm 2020, chiếm tỷ lệ 4%. Mức độ điều tra với các sản phẩm gỗ đang có xu hướng tăng, bởi trong giai đoạn 2007 – 2017, chỉ có 3 vụ việc với mặt hàng gỗ, nhưng chỉ 6 tháng/2020 đã có 7 vụ với sản phẩm này. Mặt khác, quy mô của các vụ việc với sản phẩm gỗ gần đây cũng lớn hơn nhiều so với các vụ trong giai đoạn 2007 – 2017.
Ngày 17/6/2020, Bộ Thương mại Mỹ đã khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đang áp dụng đối với sản phẩm gỗ ván ép của Trung Quốc được nhập khẩu từ Việt Nam. Đây là sản phẩm gỗ ván dán cứng, gỗ ván dán dùng trong trang trí và một số loại gỗ ván phủ veneer. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm này sang Mỹ của Việt Nam trong năm 2019 lên đến 300 triệu USD…
Ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho biết, sau khi khởi xướng điều tra, Mỹ sẽ gửi bản câu hỏi đến các doanh nghiệp xuất khẩu có liên quan của Việt Nam, đề nghị cung cấp thông tin. Trong trường hợp phía Mỹ kết luận sản phẩm gỗ ván ép của Việt Nam lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đang áp với sản phẩm tương tự của Trung Quốc, Mỹ sẽ ban hành lệnh áp thuế với sản phẩm này của Việt Nam từ thời điểm khởi xướng điều tra với mức thuế cao nhất đang áp với Trung Quốc (thuế phá giá 183,36%, thuế chống trợ cấp 22,98% - 194,9%). Vì điều này, từ năm 2019, Bộ Công thương đã liên tục cảnh báo các hiệp hội và doanh nghiệp xuất khẩu gỗ về khả năng Mỹ điều tra sản phẩm gỗ dán xuất khẩu. Bộ Công thương cũng đã làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các hiệp hội và doanh nghiệp xuất khẩu gỗ để tìm hiểu thông tin, xây dựng kế hoạch sẵn sàng ứng phó với vụ việc.
Bộ Công thương cũng khuyến nghị các doanh nghiệp tìm hiểu cơ chế, quy định, thủ tục điều tra của Mỹ, chủ động hoàn thiện hệ thống quản lý, số liệu để đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về thông tin, chứng minh nguồn gốc nguyên liệu, xây dựng chiến lược đa dạng hóa sản phẩm và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để phân tán rủi ro.