Để doanh nghiệp khởi nghiệp gọi vốn hiệu quả
Trong xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo trên toàn cầu và khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn. Điều này thể hiện rất rõ qua giá trị vốn đầu tư khởi nghiệp trong 2 năm 2020 và 2021 đạt gần 2 tỷ USD, vượt số vốn mà các quỹ đầu tư đã cam kết. Đặc biệt, đến nay có 41 quỹ đầu tư quốc tế đã công bố số vốn cam kết giai đoạn 2023-2025 là 1,5 tỷ USD. Dự kiến tổng giá trị đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam trong 03 năm 2023-2025 sẽ đạt 5 tỷ USD.
Ảnh minh họa. |
Ông Quang Nguyễn, Giám đốc đầu tư cấp cao Quỹ SK cho biết, hiện SK là tập đoàn lớn thứ 2 của Hàn Quốc, quản lý quỹ đầu tư trị giá 2,5 tỷ USD. Danh mục tìm kiếm đầu tư của SK rất đa dạng, cả doanh nghiệp niêm yết lẫn chưa niêm yết. Mặc dù ban đầu quỹ chỉ tập trung vào các công ty có giá trị trên 100 triệu USD, nhưng hiện quỹ đã bắt đầu đầu tư vào các công ty có giá trị từ 30 triệu USD, bởi mức này là vừa phải để có thể phát huy vai trò của đối tác, có thể gia tăng giá trị một cách bền vững và phù hợp với các doanh nghiệp trẻ của Việt Nam.
Tương tự, ông HongJin Kim - Giám đốc điều hành STIC Investment chia sẻ, quỹ đang quản lý danh mục đầu tư trị giá khoảng 6 tỉ USD với số vốn đầu tư vào khởi nghiệp khoảng 600 triệu USD/năm, trong đó hơn 300 triệu USD đầu tư vào Việt Nam với đa dạng ngành nghề. STIC Investment chú trọng đến các dự án về hạ tầng kỹ thuật thanh toán số, thương mại điện tử, logistics, xây dựng nền tảng, tiếp cận công nghệ và quản trị nguồn nhân lực cùng các lĩnh vực liên quan.
Tuy nhiên, các CEO quản lý quỹ đầu tư đều cho rằng, các quỹ đầu tư sẽ chú trọng đến tính hiệu quả, thay vì dàn trải và hướng đến tăng trưởng trong trung hạn. Trong đó, dòng tiền là yếu tố quyết định để duy trì một hệ sinh thái khởi nghiệp.
Về phần mình, những khởi nghiệp trong nước nên thận trọng hơn về mặt tài chính, không nên kỳ vọng có thể huy động nhiều vòng mới trước khi đạt được mức hòa vốn. Hay nói cách khác, các doanh nhân khởi nghiệp cần quyết liệt đeo bám mục tiêu ban đầu, tập trung vào sản phẩm thay vì theo đuổi việc tìm kiếm nhà đầu tư mới.
Thực tế, các quỹ đầu tư không thiếu vốn cho những nhà sáng lập giỏi và ý tưởng kinh doanh hay, đặc biệt là trong các lĩnh vực mang lại giá trị gia tăng cho các nhà đầu tư. Cùng với đó, Việt Nam cần cải tiến các quy định về niêm yết với các doanh nghiệp cho phù hợp hơn, cũng như cơ chế giải quyết xung đột lợi ích giữa các bên tham gia đầu tư và nhận vốn.
Ông Vinnie Lauria - đối tác quản lý Golden Gate Ventures chia sẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp nên tập trung vào một lĩnh vực có tính nối tiếp và mang giá trị bền vững. Thời gian qua, Việt Nam đã là niềm hy vọng cho giới đầu tư, với thị trường có độ mở lớn, hưởng lợi từ những biến động địa - chính trị toàn cầu, trở thành một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất hiện nay.
UBND TP. Hồ Chí Minh vừa ban hành Kế hoạch triển khai “Đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025”. Mục tiêu cụ thể là hỗ trợ nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo cho 900 doanh nghiệp; hỗ trợ ươm tạo, phát triển 300 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trong đó, hỗ trợ phát triển 30 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiếp cận nguồn vốn đầu tư mạo hiểm. |