Để mía, đường không còn… vị ‘đắng’
Doanh nghiệp mía đường trước “cơ hội vàng” để làm chủ sân nhà Mía đường: Doanh nghiệp bấp bênh vì không tự chủ được nguyên liệu |
Câu chuyện mía ‘đắng’ ở Phú Yên
Tại Phú Yên, cùng với cây lúa, sắn, thì mía là những cây trồng chủ lực của địa phương. Đến nay, tỉnh cũng đã quy hoạch và xây dựng vùng nguyên liệu mía chủ yếu tại các huyện miền núi như, Sông Hinh, Sơn Hòa và Đồng Xuân. Những năm trước đây, ngành mía đường đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn của Phú Yên...
Tuy nhiên, thời gian qua với nhiều nguyên nhân, khiến người nông dân ở Phú Yên không còn mặn mà với cây mía. Đến nay, diện tích trồng mía ở địa phương đang giảm dần. Cụ thể, niên vụ 2021-2022, diện tích trồng mía toàn tỉnh khoảng 21.370 ha, giảm 231 ha so với vụ trước, năng suất bình quân đạt 63 tấn/ha, sản lượng đạt 1.346.310 tấn…
Hiện, trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có cơ sở sản xuất mía giống có quy mô, chất lượng hom giống chưa được bảo đảm, lượng giống đầu tư lớn trong khi tỉ lệ năng suất không đồng đều. Mức độ cơ giới hóa trong sản xuất mía trên địa bàn chưa đồng bộ; công tác nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế.
Bên cạnh đó, hệ thống thủy lợi để sản xuất mía mặt bằng chung toàn tỉnh vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Phần lớn diện tích sản xuất mía phụ thuộc nước trời, thời gian xuống giống phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết.
Diện tích trồng mía ở Phú Yên cũng như nhiều địa phương khác đang giảm dần. |
Ông Lê Tấn Hổ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên cho biết, ngành mía đường Việt Nam nói chung và ở Phú Yên nói riêng đang đứng trước nhiều thách thức, sức cạnh tranh thấp, giá mía nguyên liệu còn cao, chiếm tới 70-80% giá thành sản xuất đường. Đặc biệt, hiện người trồng mía và ngành mía đường ở Phú Yên đang gặp thách thức lớn trước tình trạng đường nhập khẩu, đường nhập lậu, nhất là từ khi Việt Nam thực hiện xóa bỏ hạn ngạch thuế quan lĩnh vực mía đường đối với các nước trong khu vực theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN vào năm 2020.
Với nhiều nguyên nhân như trên đã khiến người trồng mía ở Phú Yên không còn mặn mà với cây trồng này cũng là điều dễ hiểu. Không trồng mía, bà con chuyển sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn, như cây sầu riêng, cao su, sắn…
Tăng cường chuỗi giá trị
Theo số liệu từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam, tổng diện tích trồng mía cả nước niên vụ 2022-2023 là 141.906ha, tăng 17.151ha so với niên vụ 2021-2022. Năng suất mía thu hoạch bình quân đạt 69,3 tấn/ha, tăng 2,5%; sản lượng mía đạt gần 9,5 triệu tấn, tăng 28,2% so với niên vụ trước…
Tháng 6/2023, ngành mía đường Việt Nam đã hoàn thành vụ ép mía 2022-2023 với sản lượng đạt hơn 9,6 triệu tấn mía, sản xuất đạt 935.104 tấn đường các loại. Niên vụ tới, dự kiến diện tích mía thu hoạch 159.159ha, sản lượng mía chế biến gần 11 triệu tấn, năng suất mía thu hoạch đạt 70 tấn/ha, sản lượng đường trên 1 triệu tấn.
Mới đây, tại hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh mía đường Việt Nam”, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hiệp hội Mía đường Việt Nam tổ chức tổ chức tại TP. Tuy Hòa, (Phú Yên), ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng chế biến và phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, mía đường là một trong những ngành sản xuất chủ lực của nền nông nghiệp nước ta, là mặt hàng quan trọng đối với an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng.
Để phát triển bền vững ngành mía đường cần củng cố phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất, sản xuất thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu, áp dụng công nghệ mới... |
Những năm qua, ngành mía đường Việt Nam tuy có cơ hội phát triển nhưng thách thức, khó khăn cũng nhiều. Để nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành mía đường Việt Nam, vấn đề về giống, canh tác, công nghệ chế biến… cần được đầu tư theo đúng định hướng.
Trong khối ASEAN, Việt Nam là 1 trong những quốc gia chính sản xuất đường từ mía. Năng suất trồng mía của Việt Nam thuộc loại khá so với các nước. Tuy nhiên, hiện giá đường Việt Nam ở mức thấp nhất so với các quốc gia trồng mía.
Cụ thể, trong bối cảnh giá đường thế giới liên tục tăng trong niên vụ 2022-2023, diễn biến giá đường Việt Nam so với các nước lân cận cho thấy giá đường Việt Nam luôn ở mức thấp nhất. Giá bình quân trong niên vụ của Philippines là 193%, Indonesia là 106% và Trung quốc là 107% so với Việt Nam.
Theo các chuyên gia, để phát triển bền vững ngành mía đường cần củng cố phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất, sản xuất thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu, áp dụng công nghệ mới trong phát triển sản xuất mía đường. Đặc biệt, ngành mía đường cần tập trung củng cố phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất mía đường. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần ổn định giá đường ở mức hài hòa hợp lý đối với người tiêu dùng lẫn người sản xuất.
Đồng thời, theo dõi và kiểm soát và đối phó với hiện tượng phá giá đường khiến đầu ra của cây mía bị thu hẹp, cắt đứt chuỗi liên kết mía đường hoặc hành vi ghìm hàng tăng giá khiến giá đường bị đẩy cao bất thường, tăng cường phòng, chống các hành vi gian lận thương mại đường…