Để mô hình Hợp tác xã thực sự phát huy trí tuệ tập thể người nông dân
Ngày 30/5, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) tổ chức buổi công bố kết quả nghiên cứu với chủ đề “Một số vấn đề kinh tế cần cân nhắc trong Dự thảo Luật Hợp tác xã”.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) cho biết, Luật Hợp tác xã hiện hành được Quốc hội khóa XIII thông qua vào kỳ họp thứ 4 năm 2012 và bắt đầu có hiệu lực từ 1/7/2013 cho đến nay đã đi vào cuộc sống được gần 10 năm.
Tuy nhiên thời gian vừa qua, việc thực thi Luật Hợp tác xã đã bộc lộ nhiều hạn chế, cho thấy khu vực này vẫn chưa phát triển đúng tiềm năng đáp ứng nhu cầu chính đáng của người lao động cũng như loại hình kinh doanh - sản xuất phù hợp với phương thức hợp tác bình đẳng này. Thêm vào đó, xuất hiện thực tế là nhiều cá nhân, tổ chức đã lợi dụng chính sách ưu đãi của nhà nước đối với loại hình hợp tác xã, núp bóng hợp tác xã để trục lợi.
Tại báo cáo công bố đã đóng góp một số điểm sửa đổi của dự thảo Luật Hợp tác xã 2023 so với Luật Hợp tác xã 2012. Cụ thể, tại Điều 22 về chính sách thuế, phí và lệ phí, Tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được hưởng mức ưu đãi thuế, ưu đãi phí và lệ phí cao nhất trong cùng lĩnh vực, ngành, nghề và địa bàn theo pháp luật về thuế, phí và lệ phí.
Mô hình cung cấp cây giống tại HTX Vĩnh Bình - Bến Tre |
Báo cáo cũng đóng góp Chính phủ quy định chi tiết Điều 73 về góp vốn điều lệ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Cụ thể: phần vốn góp của thành viên chính thức thực hiện theo thỏa thuận và theo quy định của Điều lệ nhưng không thấp hơn vốn góp tối thiểu và không quá vốn góp tối đa là 30% vốn điều lệ đối với hợp tác xã và 40% vốn điều lệ đối với liên hiệp hợp tác xã. Tổng phần vốn góp của tất cả thành viên liên kết góp vốn thực hiện theo thỏa thuận và theo quy định của Điều lệ nhưng không quá vốn góp tối đa là 30% vốn điều lệ đối với hợp tác xã và 40% vốn điều lệ đối với liên hiệp hợp tác xã…
Chia sẻ quan điểm của mình, GS.TS Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh mô hình của hợp tác xã Việt Nam phải là mô hình của người nông dân. Ông cũng nêu ra vấn đề rằng, về mặt lý thuyết, hợp tác xã mang lại lợi ích to lớn nhưng tại sao một bộ phận không nhỏ nông dân Việt Nam vẫn chưa mặn mà với hợp tác xã.
"Hợp tác xã phải thực sự là của người nông dân. Tính chất hợp tác xã là tổ chức tự trị của người nông dân, do đó những quy định của Luật Hợp tác xã nên là những hướng dẫn người nông dân hơn là quy định cứng đóng khung. Nếu không thì kết quả đạt được chỉ ở trên báo cáo”- GS.TS Trần Đức Viên nhấn mạnh.
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (DCRD) cho biết, hợp tác xã (hoặc kinh tế tập thể) đã luôn tồn tại trong nền kinh tế hiện đại, với những ưu điểm của nó. Không nhất thiết đó phải là một chỉ dấu của chủ nghĩa xã hội, mà đơn giản, đó là một loại hình ưu việt trong một số hoàn cảnh (điều kiện, lĩnh vực, quy mô, mong đợi cá nhân...). Hợp tác xã chỉ có thể vận hành hiệu quả về kinh tế - xã hội khi các xã viên đạt tới một trình độ văn hóa dân chủ cao, các quy chế về công khai - minh bạch được thực hành phổ biến và đầy đủ.
Ông Lê Đức Thịnh cho rằng, mục tiêu lớn nhằm khi sửa Luật Hợp tác xã là phát huy trí tuệ tập thể. Vì vậy, việc duy trì và luật hóa loại hình hợp tác xã cần dựa trên đặc tính của mô hình này, như một sự phát triển tự nhiên, hữu cơ trong nền kinh tế nói chung, không nên gò ép về vai trò xã hội, không kỳ vọng quá mức, không quản lý quá mức (đánh mất sự bình đẳng).
Một số thay đổi chính trong Dự thảo Luật Hợp tác 2023: Chính sách thuế, phí và lệ phí tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được hưởng mức ưu đãi cao nhất trong cùng lĩnh vực, ngành, nghề và địa bàn theo pháp luật. Quy định về tổng phần vốn góp của tất cả thành viên liên kết được thực hiện theo thỏa thuận và theo quy định của Điều lệ. Phần vốn góp tối đa không quá 30% vốn điều lệ đối với hợp tác xã và 40% vốn điều lệ đối với liên hiệp hợp tác xã. Về phân phối thu nhập, tối thiểu 51% thu nhập từ giao dịch nội bộ còn lại được phân phối cho thành viên chính thức theo mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ và mức độ góp sức lao động. |