Đề nghị cơ chế đặc thù đẩy nhanh Chương trình mục tiêu quốc gia
Các chương trình mục tiêu quốc gia đều mang lại hiệu quả tích cực Quyết liệt triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia |
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp |
Trình bày Báo cáo kết quả thực hiện, khó khăn vướng mắc trong triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2021-2023 tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia luôn là nhiệm vụ trọng tâm, thường kỳ của Chính phủ và được Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt. Tại các Nghị quyết của Chính phủ, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ luôn đặt ra yêu cầu cao nhất, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện, giải ngân vốn của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Các địa phương đã chủ động ban hành các nghị quyết, kế hoạch chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các chương trình với quyết tâm chính trị cao nhất phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ; đồng thời, đã hoàn thành việc kiện toàn, thành lập 1 Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia cấp tỉnh, kiện toàn Ban Chỉ đạo cấp huyện, Ban Quản lý cấp xã, Ban giám sát đầu tư cộng đồng, Ban phát triển thôn để phân công, phân cấp, thống nhất công tác chỉ đạo, điều hành và phối hợp trong triển khai thực hiện các chương trình tại các cấp…
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo khó khăn khi triển khai các chương trình |
Về những khó khăn trong quá trình thực hiện, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, công tác hoàn thiện thể chế quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia từ trung ương đến địa phương còn chậm, chưa kịp thời, đồng bộ, ảnh hưởng lớn đến việc triển khai các khâu từ phân bổ, giao kế hoạch thực hiện, tổ chức thực hiện và giải ngân vốn chương trình tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Công tác nghiên cứu, khảo sát, đánh giá đặc điểm tự nhiên, xã hội, văn hóa, rà soát mặt bằng pháp lý trong xây dựng các Chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chưa được tiến hành đồng bộ, kỹ lưỡng ngay từ trước khi ban hành chính sách, quy định, dẫn đến tình trạng còn có một số chính sách của Chương trình mục tiêu quốc gia không phù hợp với thực tiễn hoặc thiếu cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện, phải sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh.
Bên cạnh đó, tiến độ phân bổ, sử dụng nguồn lực thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022 tại cả trung ương và các cấp tại địa phương còn chậm; công tác xây dựng kế hoạch, nhiều địa phương chưa chủ động chuẩn bị tốt việc xác định nhu cầu danh mục, nguồn lực đầu tư dự án các cấp ngay từ đầu giai đoạn, đầu năm kế hoạch, có tâm lý đợi có vốn mới triển khai thực hiện...
Trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng kiến nghị, cần phát huy cao nhất vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, đôn đốc và tuyên truyền đẩy nhanh tiến độ thực hiện; tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, chỉ đạo, giám sát giữa các cơ quan trung ương và địa phương; hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp để kịp thời đôn đốc, chỉ đạo tiến độ và nắm bắt, xử lý vướng mắc khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp truyền thông, thông tin về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về quản lý, triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia đồng bộ từ trung ương tới địa phương; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và hoàn thiện hệ thống dữ liệu quốc gia về giám sát, đánh giá thực hiện các chương trình tại các cấp...
Đặc biệt, có thêm những cơ chế đặc thù nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới.
Trình bày Báo cáo đề xuất, giải quyết kiến nghị của Chính phủ về giải pháp, cơ chế đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội - Y Thanh Hà Niê Kđăm, Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát cho biết, Đoàn giám sát thống nhất cao về sự cần thiết đối với việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, ban hành một số giải pháp, chính sách đặc thù để tháo gỡ vướng mắc, tạo thuận lợi cho các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia vì mục tiêu đặt lợi ích của Nhân dân lên cao nhất trong bối cảnh tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách nhà nước của các chương trình này còn tương đối thấp và thời gian thực hiện còn lại không nhiều, trong khi đời sống người dân là đối tượng thụ hưởng còn nhiều khó khăn.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội - Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu tại phiên họp |
Căn cứ vào tình hình thực tiễn, Đoàn giám sát đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đồng ý chủ trương đối với nội dung đề xuất của Chính phủ, cho phép quy định các nội dung về giải pháp, cơ chế đặc thù trong Nghị quyết giám sát chuyên đề của Quốc hội mà không ban hành Nghị quyết riêng. Về thời gian thực hiện, thống nhất với đề xuất của Chính phủ là chỉ áp dụng quy định đến hết năm 2025 để phù hợp với thời gian thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Sau đó, trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện các chương trình, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định việc thực hiện trong giai đoạn tiếp theo.
Liên quan đến các đề xuất cụ thể của Chính phủ, về việc đề xuất trình Quốc hội quyết định “cho phép Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được quyết định việc phân cấp cho Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án, kế hoạch, mô hình phát triển sản xuất trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia’’, Đoàn giám sát thống nhất cao với ý kiến của Ủy ban Pháp luật, đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đưa nội dung này vào Nghị quyết giám sát trình Quốc hội và thực hiện đến hết năm 2025.
Cụ thể, đối với các địa phương chưa ban hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định nội dung này thì giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Đối với các địa phương đã ban hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định nội dung này thì trong quá trình triển khai thực hiện, để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được điều chỉnh trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp tại kỳ họp gần nhất.
Đối với đề xuất Quốc hội giao chủ trì liên kết, đại diện cộng đồng người dân tự thực hiện việc mua sắm, chủ trì liên kết, đại diện cộng đồng người dân được tự quyết định hình thức mua sắm; đồng thời, tài sản hình thành sau hỗ trợ (nếu có) được chuyển giao cho chủ trì liên kết, cộng đồng người dân quản lý, sử dụng trong suốt vòng đời dự án, Đoàn giám sát đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý chủ trương đối với các đề xuất này của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (sau khi báo cáo Chính phủ có Tờ trình, trong đó làm rõ việc tự thực hiện mua sắm nghĩa là không qua đấu thầu theo quy định của Luật đấu thầu), cho phép đưa cơ chế đặc thù về sử dụng ngân sách nhà nước và quản lý tài sản hình thành sau hỗ trợ khi kết thúc dự án vào dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, quyết định và giao Chính phủ quy định chi tiết việc quản lý, sử dụng tài sản hình thành sau hỗ trợ khi kết thúc dự án.