Để người dân hiểu được lợi ích của chữ ký số
“Chìa khóa” hướng tới công dân số
Theo Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số là nền tảng pháp lý quan trọng trong quá trình bảo đảm an toàn, xác thực, toàn vẹn, minh bạch cho các giao dịch điện tử của tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong môi trường số…
Nằm trong xu hướng chung của cả nước, thời gian gần đây các cơ quan chức năng tại TP. Đà Nẵng đã và đang nỗ lực thúc đẩy chữ ký số và xem đây là “chìa khóa” hình thành công dân số ở địa phương. Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông thành phố, nhằm tạo thuận lợi trong thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, thành phố triển khai cấp hơn 1.000 tài khoản chữ ký số cho bác sĩ, giáo viên, người lao động tại các bệnh viện, trường học…
Trước đó, Sở Thông tin và Truyền thông TP. Đà Nẵng và Câu lạc bộ Chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam cùng một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng đã ký biên bản ghi nhớ triển khai cấp miễn phí chữ ký số cho người dân địa phương. Như vậy, biên bản này đánh dấu Đà Nẵng là địa phương thứ 8 trong cả nước cấp miễn phí chứng thư số rộng rãi để cá nhân, người dân sử dụng chữ ký số khi thực hiện thủ tục hành chính và các giao dịch khác trên môi trường điện tử.
TP. Đà Nẵng đã và đang nỗ lực thúc đẩy thực hiện chữ ký số. |
Theo biên bản ghi nhớ về thúc đẩy phổ cập chữ ký số trên địa bàn Đà Nẵng, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố cùng Câu lạc bộ Chữ ký số và Giao dịch điện tử Việt Nam phối hợp triển khai các hoạt động truyền thông, tư vấn, giới thiệu về việc ứng dụng các giải pháp ký số từ xa cho người dân trên địa bàn thành phố sử dụng trong các dịch vụ công…
Trước đó, UBND các quận, huyện, phường, xã cũng đã bố trí không gian tại bộ phận một cửa, đồng thời cử đầu mối phối hợp với lực lượng chức năng để triển khai các chương trình tuyên truyền, hướng dẫn, cấp chữ ký số miễn phí cho người dân. Bên cạnh đó, Sở Thông tin và Truyền thông TP. Đà Nẵng cũng đề nghị các đơn vị đẩy mạnh việc tuyên truyền về việc phổ cập, cấp chữ ký số miễn phí cho người dân, sử dụng chữ ký số để thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch điện tử…
Trong thời gian qua, việc triển khai áp dụng chữ ký số trên địa bàn Đà Nẵng đã góp phần thuận lợi trong xử lý các công việc. Theo đại diện UBND phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn), đến nay hiệu quả chữ ký số mang lại rất đáng kể, từ việc tiết kiệm thời gian, không gian làm việc cũng như tính tiện lợi mà ứng dụng chữ ký số mang lại.
Chữ ký số mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho người dùng mà cho cả các ngân hàng. |
Trong khi đó, về phía các doanh nghiệp, việc áp dụng chữ kỹ số trong công việc cũng đã tạo nhiều thuận lợi hơn. Bà Bùi Thuý Nga, Giám đốc Công ty dịch vụ Vệ sinh Công nghiệp Dana Xanh (quận Sơn Trà) cho biết, từ khi sử dụng chữ ký số, đã tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức thực hiện thủ tục hành chính công. Chỉ cần ở nhà có một thiết bị kết nối internet đã có thể thực hiện các thủ tục, giao dịch, hợp đồng một cách rất nhanh chóng và thuận tiện…
Đẩy mạnh tuyên truyền, thay đổi nhận thức về chữ ký số
Hưởng ứng việc áp dụng chữ kỹ số cũng đã được ngành Ngân hàng trên địa bàn thành phố nhiệt tình hưởng ứng. Đến nay, tại Đà Nẵng chữ ký số đã được sử dụng để thực hiện các giao dịch trực tuyến, chẳng hạn như chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, mở tài khoản...
Trên thực tế, việc sử dụng chữ ký số mang đến rất nhiều các lợi ích không chỉ cho người dùng mà cho cả phía ngân hàng. Cụ thể, đối với khách hàng giúp tiết kiệm thời gian và chi phí. Khách hàng không cần phải đến trực tiếp ngân hàng mà thực hiện các giao dịch ngân hàng trực tuyến một cách nhanh chóng và thuận tiện, giúp khách hàng tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại.
Quá trình triển khai thực hiện chữ ký số vẫn còn những hạn chế, khó khăn nhất định. |
Trong khi đó, về phía các ngân hàng việc áp dụng chữ kỹ số cũng tăng cường tính minh bạch. Bởi, chữ ký số giúp ngân hàng xác thực danh tính của khách hàng một cách chính xác và dễ dàng, tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm của các giao dịch ngân hàng. Chữ ký số giúp ngân hàng hạn chế các rủi ro như gian lận, giả mạo tài khoản, các rủi ro sai sót trên giấy tờ. Bên cạnh đó chữ ký số giúp ngân hàng tự động hóa các quy trình nghiệp vụ, giúp tăng cường hiệu quả hoạt động và năng suất làm việc tiết kiệm chi phí làm việc.
Dù có nhiều tiện ích, song trên thực tế cũng như nhiều địa phương khác, tại Đà Nẵng qua quá trình triển khai chữ ký số vẫn còn những hạn chế, khó khăn nhất định. Trước hết, nhận thức người dân trong sử dụng chữ ký số chưa cao, nhiều người còn sự lo ngại về tính bảo mật. Điều này, dẫn đến tình trạng người dân không mặn mà thực hiện. Bên cạnh đó, chữ ký số có giá trị pháp lý ngang với chữ ký “tươi”, nhưng nguyên tắc lưu trữ văn bản, vẫn phải có bản in giấy và chữ ký tươi để lưu trữ, dẫn đến chưa thể thay thế chữ ký tươi và văn bản giấy…
Năm 2024, TP. Đà Nẵng đặt mục tiêu tăng tỷ lệ người dân có chữ ký số lên 40% nhằm gia tăng những tiện ích từ quá trình chuyển đổi số mang lại. Để thực hiện nhiệm vụ này, theo đại diện Sở Thông tin và Truyền thông TP. Đà Nẵng, trong thời gian tới đơn vị tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức tuyên truyền về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số nhằm góp phần đẩy mạnh sử dụng chữ ký số trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Đồng thời, tuyên truyền cho người dân hiểu rõ hơn về lợi ích và cách thức sử dụng chữ ký số để có thể tự tin tham gia vào nền kinh tế số, xã hội số. Đà Nẵng cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác số hóa, từng bước thiết lập, phát triển kho dữ liệu dùng chung của thành phố, hướng tới mỗi người dân một điện thoại thông minh, trên đó có danh tính điện tử, chữ ký số cá nhân, tài khoản thanh toán số, tài khoản để dùng dịch vụ công trực tuyến, phần mềm bảo vệ người dân...