Để phát triển bền vững ngành mía đường
Mía từng được xem là cây xóa đói giảm nghèo của nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Trong đó Phú Yên là vùng nguyên liệu trồng mía lớn của cả nước với 29.000 ha và 20.000 hộ trồng. Việc trồng mía đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn của tỉnh nhưng ngày vui không được kéo dài khi giá mía đường liên tục xuống thấp.
Hay tại Hậu Giang, trước năm 2010, mía là cây trồng chủ lực, có lợi thế cạnh tranh tại địa phương do thích nghi thổ nhưỡng. Song từ năm 2015 đến nay, diện tích mía giảm dần từ hơn 15.000 ha xuống còn hơn 5.000 ha năm 2020. Cả tỉnh hiện chỉ có 1 nhà máy đường đang hoạt động nhưng cũng chỉ sản xuất duy nhất mặt hàng đường, chưa sử dụng các phụ phẩm từ mía để chế biến nâng cao giá trị, chưa có giống mía năng suất cao, trữ lượng cao như mong muốn của bà con nông dân…
Ảnh minh họa |
Theo TS. Cao Anh Đương, Quyền Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường, do tác động kép của biến đổi khí hậu, miền Tây hạn mặn, miền Trung khô cạn khiến diện tích mía 3 niên vụ giảm liên tiếp, từ hơn 190.000 ha trong niên vụ 2018-2019 xuống còn gần 129.000 ha niên vụ 2020-2021; Số lượng nhà máy đường chỉ còn 24 nhà máy (riêng tại Nam Trung bộ, số lượng nhà máy giảm từ 9 xuống còn 6 nhà máy).
Báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho hay, đến nay, ngành đường Việt Nam đã hoàn thành niên vụ mía 2020-2021. Toàn ngành đã ép được 6.739.417 tấn mía, đạt sản lượng 689.830 tấn đường, thấp hơn niên vụ 2019-2020. Trong niên vụ 2020-2021, mặc dù giá mía nguyên liệu có tăng khoảng từ 150.000 đến 200.000 đồng/tấn so với niên vụ trước, nhưng vẫn là năm khó khăn chung của ngành mía đường.
Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, trong suốt 25 năm qua, bộ đã chủ động hỗ trợ và đồng hành với doanh nghiệp và người nông dân nhằm đạt mục tiêu cao nhất là phải tiêu thụ hết mía cho nông dân, bảo đảm vụ mùa có lời. Không chỉ đồng hành, hỗ trợ trong phạm vi pháp luật cho phép, quan điểm của bộ là lập lại trật tự kinh doanh công bằng trên thị trường mía đường với 4 nhóm lợi ích hợp pháp: Thứ nhất là lợi ích của người dân trồng mía; Thứ hai là lợi ích của các nhà máy đường; Thứ ba là lợi ích của hàng vạn cơ sở sản xuất thực phẩm và thực phẩm chế biến đang sử dụng đường; Thứ tư là lợi ích của hơn 90 triệu người tiêu dùng Việt Nam.
Hiện người trồng mía và ngành mía đường nước ta đang gặp thách thức lớn trước đường nhập khẩu và đường nhập lậu khi từ năm 2020, Việt Nam thực hiện xóa bỏ hạn ngạch thuế quan đối với mía đường trong khu vực theo Hiệp định ATIGA.
Các biện pháp mà Bộ Công thương liên tiếp triển khai trong thời gian qua đã góp phần ngăn chặn được tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong ngành mía đường (thể hiện qua số liệu nhập khẩu trong các tháng vừa qua) nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành nhập khẩu mặt hàng đường, góp phần bảo hộ ngành mía đường trong nước. Những hành động quyết liệt này đã giúp ngành mía đường hồi phục, giá mía giai đoạn cuối vụ tăng từ 100.000 - 200.000 đồng/tấn.
Về giải pháp phục hồi và phát triển ngành mía đường, TS. Cao Anh Đương cho rằng, cần tập trung khâu trồng mới đúng kỹ thuật, cơ giới hóa trong canh tác mía để giảm giá thành, nâng cao hiệu quả trồng mía. Thêm vào đó, cần phải chăm sóc kịp thời, đúng yêu cầu kỹ thuật về mật độ trồng, làm cỏ - một khâu tốn rất nhiều chi phí nên nếu làm không đúng sẽ chẳng những thiệt hại về tiền mà lại không hiệu quả, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, chống chịu hạn.
Định hướng phát triển ngành mía đường trong thời gian tới, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đề nghị tách bạch ngành mía với ngành đường. Ngành đường cần phải đồng hành với nông dân, doanh nghiệp.
Cùng với đó, ngành đường cần phải trung thực với chính mình. Phải nhìn nhận đúng để tham mưu cho ra những chính sách đúng đắn. “Nhà nước đã và sẽ nỗ lực hết sức để tạo lập môi trường cạnh tranh công bằng thông qua các loại thuế phòng vệ thương mại, hỗ trợ cho ngành đường phát triển. Giờ là lúc chúng ta cần quay lại để hoàn thiện bản thân mình” - Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhìn nhận.