Để quy hoạch sử dụng đất trở thành động lực phát triển
Đất đai là nguồn lực quan trọng đối với nền kinh tế |
Quy hoạch làm thị trường méo mó
Phát biểu tại hội thảo, các chuyên gia thống nhất cho rằng, chuyển dịch đất đai là vấn đề phức tạp, trong quá trình chuyển dịch này, nhiều người giàu lên nhưng cũng có nhiều vụ khiếu kiện kéo dài. Đây cũng là nơi nảy sinh nhiều tham nhũng, tiêu cực, không ít nơi đất công bị sử dụng sai mục đích hay “bán” cho các đối tượng sân sau với “giá bèo” gây thất thoát lớn cho nhà nước.
Đặc biệt, theo các chuyên gia, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất còn nhiều bất cập và thiếu công khai minh bạch, thiếu tầm nhìn trung và dài hạn… có những yếu tố tiêu cực gây lãng phí, thất thoát không nhỏ. PGS.TS. Trần Quốc Toản - Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, chính quy hoạch sử dụng đất và việc thực hiện quy hoạch không tốt, không nghiêm... đã làm cho việc hình thành thị trường đất đai bị méo mó, biến dạng, trì trệ, vận hành không minh bạch.
PGS.TS. Trần Kim Chung – Phó Viện trưởng CIEM cũng thừa nhận, “mức độ biết về thông tin quy hoạch chung là 68,49%”; đồng thời tình trạng quy hoạch không phù hợp, quy hoạch “treo” còn phổ biến. Sự không phù hợp gây lãng phí thể hiện rõ nhất là quy hoạch khu công nghiệp, khu kinh tế quá nhiều nên tỷ lệ lấp đầy ít. Đồng thời, trên cả nước vẫn còn hàng ngàn dự án “treo” chưa được thu hồi. Đất quy hoạch treo tức là đất không sử dụng được cũng tức là đất không sinh lời, không phát huy hiệu quả, đất bị bỏ lãng phí… Các khu đô thị bị quy hoạch treo khiến cho mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng đất không đạt được.
“Quy hoạch treo dẫn đến treo theo quyền lợi của người dân”, PGS. Doãn Hồng Nhung - Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh.
Đã vậy, quy hoạch ở Việt Nam còn chưa phù hợp với chuẩn mực quốc tế làm cho quy hoạch chưa phải là một kịch bản dẫn đường cho phát triển. Quy hoạch của Việt Nam được trao cho tất cả các bộ, các ngành, các địa phương và từ đấy không tránh khỏi việc thể hiện quyền lực của cơ quan mình thông qua việc quản lý quy hoạch. Trong thực trạng này, rất nhiều loại quy hoạch ra đời, kể cả những đối tượng do thị trường quyết định cũng vẫn quy hoạch làm cho quản lý kém hiệu quả và lãng phí quá lớn.
Quy hoạch phụ thuộc nhà đầu tư?
Nhấn mạnh quy hoạch vốn là vấn đề rất phức tạp ở Việt Nam, GS. Đặng Hùng Võ chỉ ra: “Cơ chế điều chỉnh quy hoạch thiếu chuẩn mực, nhiều khi không phải vì mục đích phát triển chung mà chỉ vì những lợi ích riêng... Trên thực tế, lợi ích tư nhân có biểu hiện đang dẫn đường cho phát triển, còn quy hoạch của nhà nước nhiều khi chạy theo lợi ích tư nhân”. Điều này dẫn tới một thực trạng là Nhà nước chưa đảm bảo chức năng dẫn đường cho phát triển.
Ý kiến của GS.Võ cũng trùng với phát hiện thú vị của nhóm nghiên cứu của CIEM, đó là “quy hoạch xây dựng hiện nay đang phụ thuộc nhiều vào nhà đầu tư. Bên cạnh đó, khi công trình xây dựng hoàn thành, cơ quan nhà nước nghiệm thu nhưng sau đó chủ đầu tư thay đổi công năng thì hiện chưa có chế tài kiểm soát”.
Thậm chí có tình trạng quy hoạch nhà nước phải chạy theo vì “chúng ta có một khung pháp luật về quy hoạch tích hợp thống nhất được áp dụng trên phạm vi cả nước nhưng quy hoạch sử dụng đất lại bị thay đổi hoàn toàn, không còn là một hệ thống”, GS. Đặng Hùng Võ nói.
Đồng tình như vậy, PGS.TS. Trần Quốc Toản bổ sung: “Quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất phải là một nội dung trọng yếu thể hiện chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn, phù hợp với từng địa phương, khu vực. Đây cũng là cơ sở để Nhà nước định giá đất trong từng giai đoạn”.
Vấn đề cơ bản nhất để bảo đảm chuyển dịch đất đai hiệu quả là cần có những đổi mới căn bản về cơ chế chuyển dịch đất đai phục vụ mục đích sinh lợi, và cần đổi mới căn bản quy hoạch sử dụng đất để nguồn lực đất đai thực sự được khai thác và phát huy, trở thành nguồn lực quan trọng phục vụ cho đầu tư phát triển.
Với mục đích này, theo CIEM, cần sửa đổi về quy hoạch để nhằm không chỉ hoàn thiện công cụ quy hoạch thúc đẩy chuyển dịch đất đai còn phải đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Đồng thời các quy hoạch phải được đi liền với các chế tài tránh tình trạng thực hiện không đúng quy hoạch và sau đó đề nghị sửa đổi bổ sung quy hoạch; hoặc là sửa đổi bổ sung không đúng thẩm quyền; hoặc là vi phạm quy hoạch.
CIEM nhấn mạnh việc thực hiện đầy đủ cơ chế lấy ý kiến của nhân dân về việc lập và điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, lập phương án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư...