Để rượu không còn là mối lo
Ảnh minh họa |
Đội QLTT số 6 (Chi cục QLTT Hà Nội) vừa kiểm tra phát hiện và thu giữ 50 can rượu, với tổng trọng lượng 1.080 lít rượu tại địa chỉ số nhà 32, ngõ 129, phố Thiên Hiền, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm. Điều đáng chú ý là địa điểm thu giữ số rượu trên cũng là nơi buôn bán phế liệu của chủ hàng Nguyễn Văn Khương (sinh năm 1980) hộ khẩu thường trú tại xã Toàn Thắng, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên.
Chưa nói đến việc các loại rượu này được sản xuất ra như thế nào, nhưng việc để rượu tại nơi chứa phế liệu như thế này cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ đối với người tiêu dùng. Những can rượu, những hộp carton đựng chuối hột, ba kích được để lẫn với các loại phế liệu. Trong nhà kho ẩm thấp là nơi sang chiết các loại rượu, chưa kể các loại nguyên liệu tích trữ lâu ngày đã xuất hiện nấm mốc, nhiều nhãn mác cũng đã được tìm thấy trong cơ sở này.
Không giấy phép kinh doanh, không nguồn gốc xuất xứ, cách duy nhất để phân biệt các loại rượu là những dòng chữ được viết trên vỏ can. Chủ hàng khai nhận, không sản xuất mà toàn bộ số rượu được thu mua lẻ từ Hưng Yên và bán lại kiếm lời.
Ngay sau đó, ngày 11/3, Đội QLTT số 25 (Chi cục QLTT Hà Nội) phối hợp với UBND xã Hồng Phong và các ngành chức năng trên địa bàn huyện Chương Mỹ (Hà Nội) kiểm tra hộ nấu rượu thủ công do ông Lại Văn Bằng làm chủ (thôn Hạ, xã Hồng Phong, huyện Chương Mỹ). Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở có 5 téc inox chứa các loại rượu.
Trong đó, rượu trắng 2.200 lít đựng trong 3 téc, nếp cẩm 800 lít đựng trong 1 téc, nếp cái 800 lít đựng trong 1 téc. Kiểm tra giấy tờ, ông Lại Văn Bằng không có giấy phép sản xuất rượu, chưa xuất trình được nguồn gốc nguyên liệu sản xuất. Đội QLTT số 25 đã tạm giữ số rượu trên và gửi mẫu về Viện kiểm nghiệm an toàn thực phẩm Quốc gia kiểm nghiệm chất lượng của 3 mẫu rượu trên.
Từ đầu tháng 3/2017 đến nay, lực lượng QLTT Hà Nội đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn, đặc biệt là rượu thủ công, trong đó, chỉ riêng trong ngày 13/3, lực lượng QLTT Hà Nội đã kiểm tra 37 vụ, xử lý 27 vụ, không xử lý 7 vụ và đang xử lý 8 vụ, phạt tiền 49,35 triệu đồng; Trị giá hàng vi phạm: 105,955 triệu đồng, Tạm giữ, tịch thu 862 lít rượu; 256 chai rượu các loại và 59 vỏ chai rượu mang nhãn hiệu “Sơn Tinh”.
Ông Trần Việt Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội cho biết, trước tình trạng ngộ độc rượu liên tục xảy ra trong thời gian gần đây, Chi cục QLTT đã có văn bản chỉ đạo tập trung toàn lực lượng kiểm tra, tăng cường kiểm tra, kiểm soát mặt hàng rượu lưu thông trên thị trường, trong đó, đặc biệt chú trọng đến mặt hàng rượu thủ công.
Kết quả, chỉ trong 10 ngày (từ 4-13/3), Chi cục QLTT Hà Nội đã tiến hành kiểm tra: 324 vụ; đã xử lý: 190 vụ; Không xử lý: 32 vụ; Đang xử lý: 102 vụ; Phạt tiền: 453,10 triệu đồng; Trị giá hàng vi phạm: 403,574 triệu đồng; Tạm giữ, tịch thu gần 26.640,5 lít rượu; 578 chai rượu các loại; 59 vỏ chai rượu mang nhãn hiệu “Sơn Tinh”; 2 can rượu; 9 bình rượu; 2 chum rượu ngâm 67 kg và 4,9 kg men rượu.
Ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng Đội QLTT số 6 chia sẻ, qua đấu tranh khai thác đối tượng tiêu thụ chủ yếu là những người lao động nghèo, thu nhập thấp có nhu cầu về rượu rẻ tiền. Do vậy, trong thời gian tới, cần phải tuyên truyền đến người tiêu dùng để họ có thể biết được tác hại của các loại rượu trôi nổi, không rõ nguồn gốc sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của chính bản thân.
Tại hội nghị đánh giá tình hình, triển khai các giải pháp khẩn cấp phòng, chống ngộ độc Methanol diễn ra sáng 15/3 tại Hà Nội, Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm (ATTP) đã chỉ đạo các đơn vị sở, ngành, quận, huyện xây dựng kế hoạch cụ thể, tổng kiểm tra từ sản xuất đến tiêu dùng.
Cụ thể, thành lập 10 đoàn kiểm tra độc lập, liên ngành từ 16/3 - 15/4 tiến hành kiểm tra, xử lý những sai phạm liên quan. Riêng các quận, huyện, thị xã giao các Chủ tịch và Phó Chủ tịch phường, xã, thị trấn trực tiếp đi kiểm tra thường xuyên hàng tuần.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức người dân về sự nguy hại của rượu không rõ nguồn gốc, tem mác. Giao các sở, cơ quan chức năng có thẩm quyền kiểm soát rượu từ địa phương khác được chuyển về Hà Nội cũng như truy xuất nguồn gốc, xuất xứ các loại rượu. Giao Sở Y tế, Sở Công thương xây dựng dự thảo chế tài quản lý sản xuất và lưu thông rượu trên địa bàn thành phố và trình thành phố trước ngày 31/3. Đồng thời, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các cửa hàng, đơn vị sản xuất, nhà máy rượu nếu có vi phạm.