Để tăng trưởng GDP cả năm chạm 6,5%, cần đạt các mức 7,4% và 10,3% trong quý III và IV
Kinh tế 2023: Thách thức và kịch bản tăng trưởng |
Kinh tế vĩ mô ổn định, nhiều tín hiệu tích cực
Trình bày báo cáo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023 diễn ra ngày 4/7/2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng tăng 3,29% so với cùng kỳ, tiếp tục xu hướng giảm, tạo điều kiện tập trung điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ phục vụ thúc đẩy tăng trưởng.
Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định; mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục giảm; tỷ giá ổn định, phù hợp với diễn biến thị trường; bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng. Kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu tháng 6 tiếp tục xu hướng tăng so với tháng trước, ước lần lượt tăng 3,6%, 4,5%, 2,6%; 6 tháng ước xuất siêu 12,25 tỷ USD (cùng kỳ năm trước là 1,2 tỷ USD).
Đầu tư cũng có dấu hiệu tích cực hơn. Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý II tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước và tăng cao hơn mức tăng của quý I (quý I tăng 3,7%). Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt trên 1,35 triệu tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ.
Vốn FDI đăng ký quý II đạt gần 8 tỷ USD, tăng gần 50% so với quý I (khoảng 5,4 tỷ USD); FDI thực hiện 6 tháng ước đạt trên 10 tỷ USD, tăng nhẹ khoảng 0,5% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, giải ngân vốn đầu tư công đã có bước cải thiện đáng kể, ước đạt 30,49% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ cả về số tương đối (2,74 điểm %) và số tuyệt đối (hơn 65 nghìn tỷ đồng, tăng 40%).
Hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục có chuyển biến. Sản xuất nông nghiệp ổn định; Dịch vụ tiếp tục là động lực quan trọng, đóng góp gần 80% vào tăng trưởng chung của nền kinh tế 6 tháng đầu năm. Nhiều địa phương thuộc các vùng động lực quan trọng đã có mức tăng trưởng GRDP quý II cao hơn quý I cũng như cao hơn mức bình quân chung cả nước, như: TP. Hồ Chí Minh tăng 5,9% (quý I chỉ tăng 1,1%); Bình Dương tăng 5,7% (quý I tăng 1,7%); Đồng Nai tăng 4,8% (quý I tăng 3,1%); Bắc Giang tăng 13,8% (quý I tăng 8,1%); Vĩnh Phúc tăng 3,8% (quý I giảm 4,5%)...
Tình hình đăng ký doanh nghiệp có dấu hiệu tích cực hơn. Có khoảng 13,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 6, tăng 4,8% về số doanh nghiệp và 14,6% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; gần 7,1 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, gấp 3,1 lần cùng kỳ.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, các kết quả đạt được như đã nêu ở trên cơ bản là tích cực. Tuy nhiên, những khó khăn, bất lợi của tình hình thế giới đã ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng, sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, khó khăn của quý I tiếp tục kéo dài trong quý II, ảnh hưởng đến kết quả chung của cả 06 tháng.
Tăng trưởng kinh tế quý II tích cực hơn, ước tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 6 tháng tăng 3,72%, thấp hơn kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (6,2%). Hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn; sức chống chịu của nhiều doanh nghiệp đã tới hạn, việc duy trì hoạt động và tranh thủ cơ hội thị trường gặp nhiều thách thức, tác động không nhỏ đến thu ngân sách nhà nước.
Thủ tục hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh tuy đã có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn bất cập. Tình hình lao động, việc làm còn nhiều thách thức. Rủi ro dịch bệnh, bão lũ, nắng nóng, hạn hán, biến đổi khí hậu diễn biến trái quy luật, khó dự báo, an ninh kinh tế, an ninh mạng, bạo lực học đường phức tạp,… tiếp tục là những vấn đề cần quan tâm.
Kỳ vọng và nỗ lực để được tăng trưởng cao trong 6 tháng tới
Mặc dù bối cảnh tình hình thế giới, trong nước dự báo tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng nền kinh tế cũng xuất hiện một số yếu tố thuận lợi hơn trong nửa cuối năm: Doanh nghiệp, nền kinh tế đã chủ động thích ứng với tình hình mới của thế giới, trong nước; các chính sách, giải pháp tiền tệ, tài khóa,... đã được triển khai và sẽ bắt đầu được triển khai trong thời gian tới; nhiều dự án quy mô lớn, quan trọng quốc gia được khởi công, tăng tốc thực hiện, giải ngân.
Căn cứ nhiệm vụ, mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã được Quốc hội giao, trên cơ sở kết quả quý II và 6 tháng đầu năm, dự báo bối cảnh, tình hình các tháng cuối năm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết các kịch bản cập nhật tăng trưởng các quý còn lại và cả năm 2023 như sau:
Kịch bản 1: Tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 6%; trong đó tăng trưởng quý III đạt 6,8%, quý IV đạt 9% (cao hơn lần lượt 0,3 điểm % và 1,9 điểm % so với kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP), tính chung 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8,0%.
Kịch bản 2: Tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 6,5%; trong đó tăng trưởng quý III đạt 7,4%, quý IV đạt 10,3% (cao hơn lần lượt 0,9 điểm % và 3,2 điểm % so với kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP), tính chung 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8,9%.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, yêu cầu đặt ra là cần triển khai nhanh, hiệu quả hơn nữa các giải pháp đã ban hành, đồng thời tiếp tục có các giải pháp mới, chủ động, quyết liệt để củng cố, đẩy nhanh hơn nữa xu hướng phục hồi của nền kinh tế; củng cố niềm tin, kỳ vọng của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân vào sự chia sẻ, đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp ngành, địa phương.
Bên cạnh đó, cần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, thúc đẩy các động lực tăng trưởng về tiêu dùng trong nước, đầu tư (bao gồm khu vực tư nhân trong nước, DNNN, thu hút FDI và đầu tư công), xuất khẩu. Trong đó, cần lưu ý các giải pháp như tập trung thúc đẩy phát triển hiệu quả thị trường trong nước, đẩy mạnh cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ bán hàng, kết nối cung cầu trong nước; Thúc đẩy phát triển du lịch bền vững, tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch trong nước, thu hút khách du lịch quốc tế.
Đồng thời, cần điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để giảm chi phí, lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn vay, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh; triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ thuế, phí, lệ phí,... đã ban hành, chủ động đề xuất, tham mưu kéo dài chính sách trong trường hợp cần thiết, đồng thời nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ mới để thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước.
Ngoài ra, phải tập trung tháo gỡ khó khăn, phát triển bền vững các thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, lao động; Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.