Để thị trường khí Việt Nam phát triển bền vững
Thị trường khí tại Việt Nam trong thời gian qua đạt mức tăng trưởng trên 12%/năm. Tuy nhiên, sản lượng khí sản xuất và tiêu thụ trong nước vẫn còn thấp so với mức tiêu thụ của khu vực và thế giới. Nhằm thúc đẩy ngành này phát triển ổn định, bền vững thông qua các giải pháp tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, giúp các DN kinh doanh khí nâng cao hiệu quả sản xuất, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) phối hợp cùng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI) vừa tổ chức Hội thảo với chủ đề: “Tiềm năng phát triển thị trường khí tại Việt Nam”.
Cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy nhằm phát triển thị trường khí tại Việt Nam |
Ông Trần Duy Đông, Vụ Trưởng Vụ Thị trường trong nước Bộ Công thương cho biết, trải qua hơn 20 năm hình thành và phát triển, bên cạnh những thành tựu nổi bật, ngành công nghiệp khí Việt Nam vẫn còn tồn tại những bất cập và khó khăn cần tháo gỡ. Đây sẽ là cơ hội để các cơ quan quản lý nhà nước, các bộ ngành, các nhà nghiên cứu kinh tế, các DN kinh doanh trong lĩnh vực khí cùng trao đổi, thảo luận về những khó khăn, vướng mắc đối với phát triển ngành công nghiệp khí, những rào cản thực tế trong quá trình hoạt động kinh doanh. Từ đó từng bước hoàn thiện các quy định, các cơ chế, chính sách hướng tới phát triển ngành công nghiệp khí hiệu quả, bền vững trong tương lai nhằm phát huy hết tiềm năng.
Theo ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương, mặt hàng khí được quy định là một trong các nhóm hàng kinh doanh có điều kiện, theo đó 2 sản phẩm chủ yếu là khí thiên nhiên (khí thiên nhiên hóa lỏng – LNG; khí thiên nhiên nén – CNG) và khí dầu mỏ hóa lỏng - LPG khi hoạt động kinh doanh tại Việt Nam được điều chỉnh chủ yếu bởi các văn bản pháp lý ở cấp nghị định.
Năm 2016, Nghị định số 19/2016/NĐ-CP được ban hành đã có đóng góp tích cực đối với thị trường kinh doanh khí, đặc biệt là thị trường LPG. Các quy định trong Nghị định được đưa ra nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng thị trường kinh doanh khí minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng nhằm phát triển thị trường khí tại Việt Nam ổn định và bám sát diễn biến trên thị trường khí quốc tế.
Tuy nhiên, trong tình hình mới, thực hiện chủ trương Nhà nước kiến tạo, lấy DN là đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho DN đầu tư kinh doanh và phát triển, đồng thời, đảm bảo các quy định về điều kiện kinh doanh phải rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện, có lộ trình phù hợp để sớm bỏ các loại giấy phép con, phí, phụ phí, bất hợp lý, ngày 15/6/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 87/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định số 19/2016/NĐ-CP về kinh doanh khí. Nghị định này đã cắt giảm nhiều điều kiện kinh doanh, tạo thuận lợi cho DN, đặc biệt là DNNVV dễ dàng tiếp cận thị trường.
Ông Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh, trên thực tiễn sau hơn 1 năm triển khai Nghị định số 87/2018/NĐ-CP thì vẫn có nhiều vấn đề vướng mắc, bất hợp lý xuất hiện cần sớm xử lý trong thời gian tới. Do đó để tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy nhằm phát triển thị trường khí tại Việt Nam cần tập trung xây dựng theo 3 hướng: Thiết lập đầy đủ các loại hình thương nhân theo chuỗi hoạt động kinh doanh khí; Quy định điều kiện gắn sát bản chất của từng khâu kinh doanh khí, đáp ứng yêu cầu an toàn, quyền lợi của người sử dụng khí; Có chính sách khuyến khích, thúc đẩy thiết lập hệ thống phân phối khí gắn kết, bảo đảm thị trường khí phát triển ổn định, hiệu quả.
Đánh giá về giá và cơ chế hình thành, vận động và xu hướng áp dụng giá khí tại Việt Nam, đại diện Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho rằng, tại Việt Nam tùy thuộc từng sản phẩm khí, thì thị trường sẽ phát triển ở các cấp độ khác nhau. Thị trường khí Việt Nam nhìn chung chủ yếu vẫn đang phát triển mảng bán buôn. Một phần nhỏ khí qua chế biến đã góp phần hình thành thị trường bán lẻ. Theo quy định quản lý nhà nước về giá hiện hành, các loại khí LPG, CNG, LNG là sản phẩm thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá (hiện áp dụng biện pháp kê khai giá). Cơ chế giá đối với các sản phẩm này thực hiện theo cơ chế thị trường, nhà nước tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, do vai trò quan trọng và ảnh hưởng sâu rộng của ngành công nghiệp khí đối với kinh tế - xã hội và đời sống sinh hoạt của người dân, cũng như vấn đề an toàn, an ninh năng lượng nên vai trò quản lý Nhà nước đối với các sản phẩm khí là rất cần thiết. Theo đó, cơ chế quản lý đối với giá khí trong giai đoạn tới vẫn tiếp tục theo cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Tại hội thảo, ông Trần Trọng Hữu, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gas Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP kinh doanh khí miền Bắc đã đưa ra những giải pháp xây dựng và hoàn thiện hạ tầng kinh doanh khí tại Việt Nam. Hiện nay bên cạnh những bất cập liên quan đến quản lý Nhà nước đối với mặt hàng khí, về hạ tầng kỹ thuật và thủ tục pháp lý của công trình khí đốt thì vấn đề cạnh tranh không lành mạnh đang rất được quan tâm. Ông Hữu cho rằng, đây đang là vấn đề cốt lõi làm rối loạn thị trường, gây thiệt hại nghiêm trọng cho những thương nhân làm ăn chân chính và Nhà nước thất thu thuế, gây mất an toàn cho người sử dụng.