Để thị trường vốn minh bạch và có vị thế tốt hơn
Đây là những thông điệp và kết luận chính của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị "Phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế" ngày 22/4.
Xử lý nghiêm sai phạm
Những năm qua, thị trường vốn và thị trường tiền tệ đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, năng lực tài chính, quản trị, công nghệ... đóng góp quan trọng trong việc huy động nguồn lực phục vụ phát triển của đất nước. Trong đó, khung khổ pháp lý thị trường vốn, thị trường tiền tệ thường xuyên được hoàn thiện và cập nhật để phù hợp với sự phát triển của thị trường và tiếp cận chuẩn mực quốc tế.
Với thị trường vốn, theo báo cáo của Bộ Tài chính, quy mô thị trường tăng trưởng bình quân 28,5%/năm giai đoạn 2016-2021. “Hiện tại, quy mô thị trường vốn đạt 134,5% GDP năm 2021, gấp 3,5 lần quy mô năm 2015. Trong đó quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu tương đương 93,8% GDP; quy mô thị trường trái phiếu đạt 39,7% GDP (trong đó trái phiếu Chính phủ là 22,7% GDP và trái phiếu doanh nghiệp là 14,2% GDP)”, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Hồ Đức Phớc cho biết.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo Hội nghị |
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả tích cực, thị trường vốn thời gian gầy đây cũng phát sinh nhiều bất cập, trong đó nổi lên là các vấn đề liên quan đến thao túng giá, làm giá, không chấp hành đúng quy định công bố thông tin, tung tin sai lệch… trên thị trường cổ phiếu, TTCK phái sinh; hay các hiện tượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp tài sản đảm bảo tỷ lệ thấp, doanh nghiệp có kết quả sản xuất kinh doanh thua lỗ nhưng vẫn phát hành khối lượng lớn, phát hành trái phiếu nhưng sử dụng sai mục đích… Những vụ việc lớn bị phát hiện và xử lý trong thời gian vừa qua đều liên quan đến các rủi ro này.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, những vụ việc xảy ra liên quan đến thị trường vốn trong thời gian gần đây có nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, nhất là quản lý nhà nước còn lỏng lẻo và trong thời gian dài việc giám sát, kiểm tra không được đẩy mạnh. Nhiều người đặt câu hỏi tại sao lại có vụ việc phát hành trái phiếu như Tân Hoàng Minh, vụ việc thao túng chứng khoán của Chủ tịch FLC, hay Công ty chứng khoán Trí Việt... và nhiều câu hỏi khác nữa liên quan đến việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đến TTCK. "Từ tình hình thực tiễn, chúng ta cần khẳng định: Những sai phạm chỉ là thiểu số. Việc xử lý là cần thiết, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đại đa số các nhà đầu tư, doanh nghiệp chân chính, hoạt động lành mạnh, tuân thủ nghiêm pháp luật. Đây cũng là bước đi cần thiết làm trong sạch thị trường, để thị trường tốt hơn, lành mạnh hơn, an toàn, bền vững hơn", Thủ tướng nói.
Dẫn lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh "một cái ung nhọt dầu có đau cũng phải cắt bỏ, không để nó lây lan nguy hiểm", Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: "Chính phủ thể hiện rất rõ quan điểm xử lý nghiêm và quyết liệt những hành vi sai trái, để minh bạch hóa thị trường và bảo vệ nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân. Chính vì vậy, chúng ta phải tập trung giải quyết ngay những bất cập đã và đang được nhận diện trong thẩm quyền của Chính phủ và các bộ, ngành".
Trên tinh thần đó, Thủ tướng giao Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ phối hợp với các bộ, ngành liên quan kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. “Ai cố tình vi phạm pháp luật thì phải cương quyết xử lý nhưng không hình sự hóa các quan hệ dân sự, quan hệ kinh tế”, Thủ tướng khẳng định.
Trong trình bày của mình, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, cần coi những vụ việc trong thời gian vừa qua như là cơ hội để lành mạnh hóa thị trường. “Các nước khác cũng xảy ra tình trạng tương tự như vậy khi thị trường còn non trẻ. Trong bối cảnh thị trường phát triển nhanh và khung pháp lý tiếp tục hoàn thiện, chúng ta vừa kiến tạo nhưng vẫn phải kiểm soát rủi ro”, chuyên gia này nhấn mạnh và đề xuất, cần sớm giải quyết những vụ việc trên thị trường vừa qua, vừa khắc phục hậu quả cho nhà đầu tư, qua đó củng cố niềm tin vào thị trường. “Tăng cường kiểm tra, giám sát trên cơ sở rủi ro, chứ không phải chỉ là hành chính. Đây là quan điểm rất quan trọng, phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng, theo đó chúng ta không hình sự hóa nhưng phải nghiêm, đúng chỗ và đúng lúc”, TS. Lực nói.
Nỗ lực nâng hạng thị trường
Khẩn trương triển khai các biện pháp cần thiết để nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi cũng là một yêu cầu và mục tiêu được Chính phủ nêu rõ tại hội nghị này. Mục tiêu này là hoàn toàn có cơ sở, xuất phát từ thực tiễn tình hình, triển vọng phát triển của nền kinh tế Việt Nam, cũng như quan điểm mà nhiều tổ chức tài chính, tiền tệ, chuyên gia quốc tế, trong nước có uy tín đều khẳng định: Thị trường vốn, TTCK Việt Nam có những yếu tố nền tảng vững chắc từ tiềm lực, triển vọng của nền kinh tế và sự năng động, hiệu quả của khu vực sản xuất kinh doanh và có sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế.
Thực tế ngay tại hội nghị này, các tổ chức định chế tài chính quốc tế như WB, IMF, ADB đều thể hiện sự tin tưởng và kỳ vọng trên. Theo ông Zafer Mustafaeglu - Giám đốc Khối Nghiệp vụ về Tài chính, Năng lực cạnh tranh và Đổi mới sáng tạo, Khu vực Đông Á-Thái Bình Dương của WB, hiện thị trường cổ phiếu của Việt Nam đã có trọng số trên 30% trong Chỉ số Thị trường Cận biên toàn cầu của MSCI. Đây là trọng số lớn nhất (tiếp theo là Maroc chỉ ở mức 10%). “Quy mô thị trường của Việt Nam đã trở nên quá lớn để ở lại nhóm Thị trường Cận biên. Việt Nam hiện giống như võ sĩ hạng trung nhưng vẫn đang tham gia thi đấu trong nhóm hạng nhẹ”, chuyên gia này ví von.
Việc nỗ lực nâng cấp thành thị trường mới nổi không chỉ là cải thiện về địa vị, mà còn là tín hiệu cho thấy sự cải thiện mạnh mẽ về chất lượng với nền tảng thị trường vững chắc và hành vi trên thị trường, cho thấy sự thành công liên tục trong phát triển thị trường. “Nâng cấp thành thị trường mới nổi cũng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế thứ hạng lớn đến Việt Nam. Trên thị trường cổ phiếu, nâng cấp thành thị trường mới nổi có thể đem lại thêm 10 tỷ USD đầu tư gián tiếp mới cho Việt Nam, trong đó riêng năm đầu tiên có thể tiếp nhận thêm từ 2 tỷ đến 5 tỷ USD”, ông Zafer Mustafaeglu khẳng định.
Nhưng để đạt được kỳ vọng đó, Việt Nam cần có nền tảng vững chắc để thị trường hoạt động lành mạnh, hiệu quả. Nói cách khác, bên cạnh quy mô thị trường thì vấn đề “chất lượng” cũng quan trọng không kém, tức là cần có nền tảng vững chắc để thị trường hoạt động hiệu quả. Theo đại diện WB, 6 yếu tố để thị trường hiệu quả cần được quan tâm sát sao, bao gồm: Thể chế; Hạ tầng; Bên phát hành; Nhà đầu tư; Tổ chức trung gian; Công cụ. Những yếu tố này kết hợp với thông tin kịp thời, đáng tin cậy và dễ tiếp cận cũng như sự phối hợp tốt của thị trường vốn với các thị trường, lĩnh vực khác sẽ giúp chất lượng, hiệu quả gia tăng.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các báo cáo và các ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của của các bộ, ngành; chuyên gia kinh tế; đại diện các doanh nghiệp, đặc biệt trong phân tích, nhận diện khá đầy đủ về những mặt tích cực cũng như nguyên nhân của những khuyết tật, yếu kém của thị trường tài chính và những kiến nghị đề xuất đưa ra. Trong phạm vi thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành, cơ quan liên quan tập trung một số nội dung quan trọng.
Trong đó về môi trường chung, Thủ tướng nhấn mạnh ổn định môi trường đầu tư, đặc biệt là sự nhất quán, ổn định chính sách để nhà đầu tư yên tâm. Trong thời gian qua, Việt Nam đã tạo lập được niềm tin với nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài. Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục kiên định thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19. Đồng thời, Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, trình các cấp có thẩm quyền để bảo vệ nhà đầu tư tham gia thị trường. Có các giải pháp để phát triển cân bằng thị trường vốn và thị trường tiền tệ.
Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Thủ tướng giao Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát lại cơ chế, chính sách, tập trung sơ kết, tổng kết để đề xuất các cấp có thẩm quyền sửa đổi hành lang pháp lý, trong đó khẩn trương sửa Nghị định 153 và Nghị định 155 để nâng cao tiêu chuẩn, điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp góp phần lành mạnh, minh bạch hóa thị trường. Tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, giám sát quá trình phát hành, phân phối, lưu ký, đầu tư, mua bán trái phiếu doanh nghiệp.
Đối với TTCK, Bộ Tài chính cần khẩn trương rà soát, sửa đổi các quy định bất cập hiện hành, đặc biệt là liên quan đến quy định việc minh bạch thông tin doanh nghiệp, quyền và trách nhiệm của các chủ thể quản lý, tham gia thị trường, tăng cường các giải pháp chế tài để xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trên TTCK để bảo vệ nhà đầu tư, từ đó khôi phục niềm tin, đặc biệt là xử lý nghiêm tình trạng thao túng, làm giá, thông tin sai lệch… Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo khắc phục ngay tình trạng nghẽn lệnh và đầu tư đổi mới công nghệ; khẩn trương triển khai các biện pháp cần thiết để nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.
Đối với thị trường tiền tệ, NHNN tiếp tục rà soát, củng cố, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để xử lý tình trạng tồn tại bất cập thời gian qua, nhất là liên quan đến vấn đề sở hữu chéo, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu TCTD gắn với xử lý nợ xấu, tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, giám sát để xử lý tình trạng sử dụng vốn vay không đúng mục đích, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Thủ tướng giao Bộ Tài chính ngay sau hội nghị này sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo và sớm trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về phát triển thị trường vốn lành mạnh, hiệu quả, bền vững.
Phát triển thị trường vốn để giảm áp lực cho các TCTD
Tham luận tại Hội nghị "Phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế", Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định, hội nghị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và rất kịp thời trong bối cảnh hiện nay. Thị trường vốn và thị trường tiền tệ là hai phân khúc quan trọng của thị trường tài chính, trong đó thị trường tiền tệ (ngắn hạn) thuộc chức năng tổ chức, điều hành của NHNN. Còn đối với thị trường vốn thực hiện theo các quy định pháp luật về TTCK. Trên thực tế, khi các TCTD tham gia vào thị trường vốn, ngoài việc phải tuân thủ các quy định pháp luật về lĩnh vực chứng khoán, các TCTD còn phải tuân thủ các quy định pháp luật chuyên ngành trong lĩnh vực ngân hàng nhằm bảo đảm an toàn trong hoạt động của hệ thống các TCTD. Trên thị trường vốn, các TCTD có thể tham gia với vai trò là nhà đầu tư; nhà phát hành; cấp tín dụng đầu tư, kinh doanh chứng khoán; tham gia TTCK phái sinh. Để phát triển đồng bộ, minh bạch và bền vững thị trường tài chính theo hướng hoạt động an toàn, hiệu quả, có cơ cấu hợp lý, cân đối giữa thị trường tiền tệ, tín dụng với thị trường vốn, NHNN kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng chủ động theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tình hình thị trường tài chính, tiền tệ để kịp thời thực hiện biện pháp ổn định thị trường, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, trong đó tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm dưới đây: Phát triển đồng bộ các phân khúc của thị trường tài chính theo hướng tập trung hiện đại hóa công nghệ thông tin và cơ sở hạ tầng phục vụ giao dịch; đa dạng hóa các nhà đầu tư tham gia thị trường, khuyến khích các quỹ, công ty bảo hiểm... tham gia sâu và rộng hơn vào thị trường; thành lập các công ty xếp hạng tín nhiệm uy tín, nâng cao tính công khai, minh bạch của thị trường. Rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý và triển khai các giải pháp tạo điều kiện phát triển thị trường vốn (trong đó có thị trường trái phiếu doanh nghiệp), giảm áp lực tới nguồn vốn tín dụng từ hệ thống các TCTD, nhất là vốn trung dài hạn. Tăng cường công tác quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động của TTCK, trong đó có thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ, tài khóa nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào TTCK. Về phía doanh nghiệp, cần tiếp tục nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị điều hành, áp dụng chuẩn mực quốc tế về quản trị, hạch toán kế toán và công bố thông tin trong hoạt động; đa dạng hóa mô hình, chiến lược kinh doanh;… để tăng niềm tin của nhà đầu tư, gia tăng mức độ hấp dẫn của trái phiếu, cổ phiếu được phát hành, từ đó nâng cao khả năng huy động vốn trên TTCK. |