Để tiêu dùng trực tuyến trở thành thói quen
Siêu thị đẩy mạnh bán hàng online
Trong thời điểm này, để phòng chống Covid-19, tại TP. Đà Nẵng một loạt chợ dân sinh đã tạm ngừng hoạt động. Điều này, đã và đang dồn sức mua lên các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn. Để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng cũng như để phòng chống dịch bệnh, hạn chế tập trung đông người, các siêu thị tập trung đẩy mạnh bán hàng online.
Với sự chuẩn bị tốt về nguồn hàng, không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa nhìn chung thị trường TP. Đà Nẵng tương đối ổn định, nguồn cung dồi dào, ổn định, bảo đảm nhu cầu tiêu dùng của người dân. Các siêu thị, trung tâm thương mại vẫn hoạt động bình thường, đồng thời sẵn sàng cung ứng tăng 3 đến 5 lần các chủng loại thực phẩm...
Mua sắm online đang trở thành thói quen của nhiều người tiêu dùng |
Bên cạnh việc chuẩn bị đủ hàng hóa, không để thiếu hụt, các cơ quan chức năng ở TP. Đà Nẵng còn khuyến khích, tạo điều kiện mua bán trực tuyến để phòng chống Covid-19. Cụ thể, Sở Công thương TP. Đà Nẵng đã khuyến khích người dân mua sắm hàng hóa thông qua các giải pháp công nghệ như đặt hàng online, đặt hàng qua điện thoại… giảm việc mua sắm trực tiếp hàng hóa tại các cửa hàng, trung tâm thương mại, siêu thị.
Ông Nguyễn Hữu Hạnh - Phó giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng cho biết, đơn vị đã đề nghị, các cơ sở bán hàng tăng cường giải pháp bán hàng online, đặt mua hàng qua điện thoại. Sở Công thương cũng tổng hợp danh sách các đơn vị, hộ tiểu thương cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, suất ăn công nghiệp (đặt hàng hotline, giao hàng tận nhà) để phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân, hạn chế việc đi lại, góp phần giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã đề nghị các trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, doanh nghiệp phân phối hàng hóa thiết yếu, ban quản lý các chợ... lập danh sách lái xe, nhân viên giao nhận của đơn vị mình và gửi danh sách về sở để được cấp giấy xác nhận đi đường.
Chung tay thực hiện nghiêm cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhiều siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng bách hóa trên địa bàn TP. Đà Nẵng đã đẩy mạnh tổ chức bán hàng qua mạng, giao hàng tận nhà, nhằm tránh việc người dân di chuyển nhiều, hạn chế tiếp xúc, tập trung đông người. Theo đại diện một số siêu thị trên địa bàn, “kênh” bán hàng qua điện thoại, đặt hàng online duy trì đà tăng trưởng liên tục trong thời gian gần đây, đặc biệt từ cuối tháng 4/2021 do tác động nặng nề của đợt bùng phát đại dịch Covid-19 lần thứ 4.
Theo đại diện siêu thị Lotte Mart Đà Nẵng, các đơn hàng trực tuyến, qua hotline tại siêu thị vẫn duy trì đà tăng trưởng. Do đơn hàng nhiều, siêu thị đã tăng cường nhân sự cho bộ phận bán hàng trực tuyến bao gồm cả nhận đơn, lấy hàng và giao hàng để đảm bảo giao hàng cho khách trong thời gian nhanh nhất. Để bảo đảm an toàn, nhân viên giao hàng của siêu thị đảm bảo tuân thủ các quy định phòng chống dịch như giữ khoảng cách, đeo khẩu trang thường xuyên, rửa tay sát khuẩn thường xuyên.
“Thượng đế” hình thành thói quen
Để phục vụ việc kinh doanh trực tuyến, bán hàng online, các siêu thị cũng đã tăng cường áp dụng các biện pháp công nghệ, tạo thuận lợi cho khách hàng. Đơn cử như, Co.opmart triển khai đặt hàng qua hotline/email/Zalo. Để đặt hàng Co.opmart, người dùng chỉ cần mở ứng dụng Zalo, tìm kiếm từ khóa “Co.opmart - Bạn của mọi nhà”, nhấn quan tâm, sau đó nhấn nút đặt hàng để tham khảo và chọn mua sản phẩm. Đối với Big C/GO hay Satra Mart khách hàng cũng thực hiện các thao tác tương tự, khi các đơn vị này cũng đã đẩy mạnh kênh đặt hàng qua Zalo, hotline, website...
Có thể nói, vào thời điểm đại dịch đang hết sức căng thẳng như hiện nay việc mua bán online, không chỉ giúp giảm tải cho siêu thị mà còn đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng trước tình hình dịch bệnh. Đặc biệt, đối với nhiều “thượng đế” trên địa bàn TP. Đà Nẵng, cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước tiêu dùng trực tuyến đang trở thành một thói quen.
Theo bà Nguyễn Thanh My, trú tại phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, kể từ thời điểm đầu năm 2020 khi đại dịch Covid-19, bắt đầu xuất hiện tại Đà Nẵng, gia đình đã bắt đầu đặt mua hàng online tại các siêu thị, và vẫn duy trì thường xuyên thói quen này từ đó đến nay. Tương tự, theo bà Nguyễn Thị Lan trú tại phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà một địa phương đang bị “phong tỏa cứng”, trong thời điểm căng thẳng như hiện nay việc đặt mua hàng online khiến bà yên tâm hơn. Bà Lan cho biết, khi đặt hàng online, hàng hóa được giao khá nhanh, chất lượng đảm bảo, giá cả ổn định, đặc biệt nhiều siêu thị còn giao miễn phí tận nhà...
Tuy nguồn hàng nhiều, mua bán đang thuận lợi song các cơ quan chức năng ở địa phương vẫn luôn khuyến cáo, các “thượng đế” không nên tích trữ hàng hóa với số lượng quá nhiều. Sở Công thương thành phố đã đề nghị UBND các quận, huyện trên địa bàn thông tin, tuyên truyền kịp thời đến người dân về nguồn cung hàng hóa vẫn dồi dào, ổn định, bảo đảm nhu cầu tiêu dùng của người dân toàn thành phố. Khuyến cáo người dân không nên mua tích trữ hàng hóa với số lượng lớn, chỉ nên mua với số lượng đủ dùng.
Được biết, tại TP. Đà Nẵng để tăng cường công tác phòng, chống Covid-19 thành phố cũng đã áp dụng thẻ QR Code mua hàng thiết yếu thay thế thẻ vào chợ QR Code. Thẻ QR Code mua hàng thiết yếu sẽ sử dụng chung cho việc đi mua các mặt hàng thiết yếu tại một trong các địa điểm: chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại trên địa bàn. Tần suất sử dụng thẻ 3 lần/tuần và ngày đi do UBND phường in trên phiếu, người dân được đến bất kỳ điểm bán hàng thiết yếu nào, thẻ được sử dụng tối đa 1 ngày/lần (đi đúng ngày và có giá trị quét 1 lần trong ngày). Việc kiểm soát ra vào bằng thẻ QR Code mua hàng thiết yếu sẽ hạn chế việc người dân đến chợ nhiều lần trong ngày.