Đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù đẩy nhanh chương trình MTQG
Chính phủ đề xuất 8 cơ chế đặc thù đẩy nhanh các Chương trình mục tiêu Quốc gia |
Quốc hội nghe Chính phủ đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn Chương trình MTQG |
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu từ Nguyễn Chí Dũng cho biết, xuất phát từ thực tiễn triển khai các chương trình MTQG và cụ thể hóa nhiệm vụ Quốc hội giao Chính phủ tại các Nghị quyết số 100/2023/QH15 ngày 24/6/2023, số 108/2023/QH15 ngày 29/11/2023, Chính phủ đề xuất các giải pháp chính sách đặc thù vượt thẩm quyền của Chính phủ nhằm tháo gỡ triệt để các khó khăn, vướng mắc, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn các chương trình MTQG trong thời gian tới.
Về tên gọi dự thảo Nghị quyết, trên cơ sở kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đề xuất tên Nghị quyết là “Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình MTQG”.
Về nội dung, dự thảo Nghị quyết gồm 6 Điều, quy định về: Phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; nội dung các cơ chế đặc thù; tổ chức thực hiện và điều khoản thi hành. Nội dung cơ bản của 8 cơ chế đặc thù tại Điều 4 như sau:
Về cơ chế phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm, Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết nghị cơ chế đặc thù khác quy định của Luật Ngân sách nhà nước để phân cấp cho các địa phương quyết định việc phân bổ chi tiết dự toán chi thường xuyên nguồn hỗ trợ của ngân sách trung ương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Cụ thể, Quốc hội quyết định phân bổ dự toán; Thủ tướng Chính phủ giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm cho các địa phương theo tổng kinh phí từng chương trình MTQG. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm của từng chương trình MTQG chi tiết đến dự án thành phần. Trường hợp cần thiết, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp huyện quyết định.
Về cơ chế điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn hằng năm, Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết nghị cơ chế chưa được quy định tại Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công.
Cụ thể, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước 2024 (chi thường xuyên) và dự toán ngân sách nhà nước chưa giải ngân hết trong năm 2023 (bao gồm chi đầu tư, chi thường xuyên được chuyển nguồn từ các năm trước sang năm 2023) của các chương trình MTQG đã được chuyển sang năm 2024. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, huyện, theo thẩm quyền, quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước của các chương trình MTQG các năm trước đã được kéo dài sang năm 2024.
Về ban hành quy định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất, Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết nghị cơ chế thí điểm khác quy định tại khoản 4 Điều 14 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Cụ thể, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất. Trường hợp Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đã ban hành quy định, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được quyết định việc sửa đổi, bổ sung và báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp tại kỳ họp gần nhất.
Về cơ chế sử dụng ngân sách nhà nước trong trường hợp giao chủ dự án phát triển sản xuất tự thực hiện việc mua sắm hàng hóa, việc áp dụng quy định Luật Đấu thầu năm 2013 trong trường hợp giao cho chủ dự án (doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, người dân) tự thực hiện mua sắm hàng hóa không gặp vướng mắc, khó khăn. Tuy nhiên, khi áp dụng quy định tại Luật Đấu thầu năm 2023 đã phát sinh khó khăn, vướng mắc, chưa đủ cơ sở pháp lý để tiếp tục áp dụng cơ chế giao chủ dự án tự thực hiện việc mua sắm hàng hóa từ vốn ngân sách nhà nước.
Do vậy, Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết nghị cơ chế khác quy định tại khoản 1, Điều 2 Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15. Trong đó, đề xuất quy định chủ dự án phát triển sản xuất (gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, người dân) khi được giao thực hiện việc mua sắm hàng hóa từ nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách nhà nước cũng được tự quyết định phương thức mua sắm hàng hóa trong phạm vi nội dung dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (bổ sung đối tượng được tự thực hiện mua sắm hàng hóa từ nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách nhà nước).
Các trường hợp cơ quan nhà nước trực tiếp thực hiện việc mua sắm hàng hóa để bàn giao lại chủ dự án, hoặc hỗ trợ trực tiếp cho người dân trong thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất phải thực hiện đấu thầu mua sắm hàng hóa theo quy định Luật Đấu thầu…