Để xuất khẩu nông nghiệp phát triển bền vững
Tuy nhiên, một vấn đề được đặt ra cấp bách đối với ngành nông nghiệp trước mắt cũng như lâu dài là hiện nay thị trường xuất khẩu nông sản của Việt Nam đã mở rộng trên 200 quốc gia, vùng lãnh thổ, với doanh thu hàng năm đạt 40 tỷ USD. Tuy nhiên, khoảng 40% tổng giá trị xuất khẩu nông sản vẫn chủ yếu là xuất sang thị trường Trung Quốc. Riêng đối với mặt hàng trái cây, rau củ tỷ lệ phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc còn cao hơn nhiều với hơn 70%.
Việt Nam phải tiếp tục tái cơ cấu nông nghiệp, tập trung vào các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh |
Chính vì các loại hàng hóa nông sản Việt Nam xuất khẩu phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, nên trong bối cảnh dịch bệnh Covid – 19 kéo dài, thương mại trì trệ, thì nông nghiệp là một trong những lĩnh vực “thấm đòn” nhiều nhất. Ngành này đã và đang phải đối mặt với những khó khăn nặng nề, thậm chí ngay cả khi dịch bệnh được khống chế hoàn toàn.
Một chuyên gia trong lĩnh vực nông sản xuất khẩu cho biết, một điểm yếu khác của nông sản Việt Nam là thiếu kiểm soát chặt chẽ về an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc hàng hóa, dẫn đến chất lượng sản phẩm xuất khẩu chưa cao, khó chen chân vào những thị trường có rào cản kỹ thuật cao như Nhật, Mỹ, châu Âu...
“Mặc dù không ít mặt hàng nông sản Việt Nam như hạt tiêu, hạt điều, tôm, cá da trơn, cà phê và gạo... nằm trong số các hàng hóa đứng nhất, nhì thế giới về sản lượng xuất khẩu; nhưng nếu xét về tổng giá trị xuất khẩu lại thấp do giá hàng hóa nông sản Việt Nam không cao. Đơn cử, xuất khẩu hồ tiêu đứng đầu thế giới, nhưng giá xuất khẩu hồ tiêu đứng thứ 8; hạt điều sản lượng xuất khẩu cũng đứng đầu thế giới, nhưng giá đứng thứ 6; trong khi gạo và cà phê đứng thứ hai và thứ ba trên thế giới, nhưng giá xuất khẩu chỉ đứng thứ 10...” – chuyên gia nêu ra thực trạng.
Theo ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sở dĩ sản xuất nông nghiệp của Việt Nam còn yếu kém, hiệu quả thu về chưa cao vì hầu hết quy mô trang trại đều nhỏ bé, trang thiết bị, máy móc lạc hậu, quy trình kỹ thuật chưa được kiểm duyệt chặt chẽ... khiến ngành luôn trong tình trạng bấp bênh, thậm chí khó khăn nặng nề mỗi khi gặp biến đổi khí hậu, hạn hán, thiên tai, dịch bệnh.
Vì vậy, để hạn chế những mặt yếu kém, cũng như hướng đến một nền xuất khẩu nông nghiệp bền vững, thời gian tới ngành nông nghiệp phải đặt mục tiêu tái cấu trúc toàn bộ chuỗi sản xuất, chế biến và phân phối nông sản, cải thiện kết nối giữa các hoạt động sản xuất và phân phối nhằm nâng cao hiệu quả, tăng tiêu thụ nông sản và đảm bảo chất lượng. Các sản phẩm xuất khẩu bắt buộc phải kiểm soát và có nguồn gốc truy xuất để đảm bảo chất lượng, phân loại và đóng gói sản phẩm theo tiêu chuẩn được công nhận của nước nhập khẩu. Chú trọng phát triển sàn giao dịch nông sản với thông tin về giá cả thị trường ở nhiều quốc gia và dịch vụ thanh toán tích hợp sẽ được tạo ra để cung cấp các điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
“Việt Nam phải tiếp tục tái cơ cấu nông nghiệp, tập trung vào các sản phẩm mà đất nước có lợi thế cạnh tranh, quy hoạch vùng sản xuất và cải thiện xúc tiến thương mại, nâng cao năng suất lao động. Đồng thời, tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác với các quốc gia có nền sản xuất tiên tiến, vừa học hỏi kỹ thuật, vừa đẩy mạnh mở rộng tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, cần có nhiều quan hệ đối tác công - tư để phát triển nguồn tài chính cho một hệ sinh thái quản lý nông nghiệp hoàn chỉnh, không những đáp ứng nhu cầu lương thực của người dân Việt Nam mà còn cả thị trường quốc tế” – ông Cường đưa ra khuyến nghị.