Để xuất khẩu sầu riêng năm 2023 đạt 1,6 tỷ USD
Sẽ tạm dừng mã số sầu riêng, thanh long nếu vi phạm kiểm dịch khi xuất khẩu Tín hiệu lạc quan với sầu riêng Việt Nam Đắc Lắk: Tăng cường kiểm soát đối tượng kiểm dịch thực vật |
Thị trường Trung Quốc 1,4 tỷ dân, sầu riêng Việt Nam chất lượng, giá cả phải chăng sẽ phục vụ được đông đảo người tiêu dùng Trung Quốc. |
Được giá…
Hiện giá thu mua sầu riêng ở miền Tây đang tăng do vào cuối vụ. Giá sầu riêng loại 1 khoảng 85.000-100.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sầu riêng Thái loại đẹp có giá 99.000 đồng/kg ở khu vực miền Tây Nam Bộ. Sầu riêng Ri6 đẹp giá vẫn ổn định khoảng 60.000 đồng/kg.
Trong khi đó tại các tỉnh Tây Nguyên, giá sầu riêng ở mức cao. Sầu riêng Ri6 loại đẹp có giá khoảng 55.000 - 58.000 đồng/kg, sầu riêng Ri6 xô có giá khoảng 45.000 - 50.000 đồng/kg. Sầu riêng Thái loại đẹp có giá 90.000 đồng/kg. Giá sầu riêng Thái xô được thương lái thu mua tại mức 75.000 đồng/kg.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, giá sầu riêng tại khu vực Tây Nguyên đang đạt mức cao kỷ lục vì thời điểm này, Việt Nam là nước duy nhất còn sầu riêng để thu hoạch còn các quốc gia khác như Thái Lan, Malaysia đã hết mùa. Các quốc gia khác chỉ có một mùa sầu riêng nhất định trong năm, còn ở Việt Nam cho thu hoạch cả năm.
Cùng với lợi thế đó, chúng ta còn có khả năng cao trong cạnh tranh với các nước xuất khẩu sầu riêng khác khi ở cạnh Trung Quốc - thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới với kim ngạch nhập khẩu lên tới vài tỷ USD mỗi năm. Theo đó, Việt Nam có lợi thế về thời gian vận chuyển, chi phí vận chuyển rẻ hơn nhiều các đối thủ Thái Lan và Malaysia.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng tới 57,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 3,45 tỷ USD. Sầu riêng, xoài, thanh long, chuối là những sản phẩm đóng góp kim ngạch lớn nhất cho ngành hàng rau quả Việt Nam. Đặc biệt, xuất khẩu sầu riêng đã lập kỷ lục mới về kim ngạch khi cán mốc hơn 1,2 tỷ USD trong 8 tháng, chiếm 30% trong tổng kim ngạch rau quả.
Không lo Trung Quốc tự trồng
Trung Quốc cũng đã thử nghiệm trồng sầu riêng tại Hải Nam. Ông Đặng Phúc Nguyên cho hay, việc Trung Quốc trồng sầu riêng chưa chắc đã có trái và có trái chưa chắc đã ngon. Bởi cây sầu riêng kén chọn thổ nhưỡng, khí hậu, nắng quá hay mưa nhiều quá đều không được. Sầu riêng trồng ở vùng không có nước sẽ rất khó. Trong khi đó, Trung Quốc trồng ở Hải Nam, là khu vực gánh chịu nhiều cơn bão, cây rung lắc sẽ khó đậu và giữ quả.
Bà Nguyễn Thị Thành Thực - Chủ tịch Công ty cổ phần Bagico cho biết, dân Trung Quốc rất thích ăn sầu riêng tươi. Trái sầu riêng cũng là sản phẩm dùng để làm quà tặng cho nhau, tâm lý chung là họ thích những trái sầu riêng. Người Trung Quốc có tâm lý rất yêu thích những sản phẩm nông sản của Việt Nam và đặc biệt hương vị sầu riêng Việt Nam vẫn có những cái riêng biệt nhất định, chỉ cần chúng ta chỉn chu về mặt hình thức, chỉn chu về mặt chất lượng và có sự đồng nhất về mẫu mã thì Việt Nam có nhiều lợi thế để xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc.
Với thị trường Trung Quốc 1,4 tỷ dân, sầu riêng Việt Nam chất lượng, giá cả phải chăng sẽ phục vụ được đông đảo người tiêu dùng Trung Quốc. Ông Đặng Phúc Nguyên dự báo, xuất khẩu sầu riêng đạt 1,6 -1,7 tỷ USD trong năm 2023.
"Thị trường Trung Quốc còn rất lớn, tôi cho rằng chúng ta cần xây dựng chiến lược thương hiệu cho sầu riêng Việt Nam thì chúng ta vẫn còn rất nhiều cơ hội ở thị trường Trung Quốc", bà Thực chia sẻ.
Để cạnh tranh thị phần xuất khẩu sầu riêng với các quốc gia, theo bà Thực, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có rất nhiều cái phương án. Việc cần làm ngay lúc này, ngoài việc tuân thủ những điều khoản trong nghị định thư, người dân, hợp tác xã và doanh nghiệp và toàn bộ ngành hàng sầu riêng sẽ cần phải đặc biệt quan tâm tới thị hiếu của thị trường xuất khẩu. Trong đó, bản thân người nông dân và doanh nghiệp Việt Nam cần phải có nhiều chuyến đi tham quan, học hỏi để chúng ta cùng nhau xây dựng thị trường.
Đặc biệt, đối với những người làm thương mại đa quốc gia cho nhiều nước, bà Thực cho rằng không nên tách riêng thị trường Việt Nam hay Thái Lan hay Indonesia, mà các nước ASEAN cần phải định hướng lại, chúng ta đừng coi nhau là đối thủ mà phải coi nhau là “cùng hội cùng thuyền”. Khi đó, các nước xuất khẩu sầu riêng trong ASEAN có quyền lực rất lớn trong ngành hàng chúng ta có thế mạnh. Ví dụ như những trái cây nhiệt đới, đặc biệt như sầu riêng, chúng ta hãy chia sẻ kinh nghiệm và đôi khi có thể nói rằng chúng ta phải liên kết để giữ được thị trường.
"Đấy là cái điều mong muốn dưới góc độ của những người làm kinh doanh nhiều năm như chúng tôi", bà Thực cho hay.