Deloitte: AI tạo sinh - tiềm năng lớn, thách thức nhiều
Tiềm năng vô hạn, thách thức hiện hữu
Cụ thể theo báo cáo “Hiện trạng GenAI trong doanh nghiệp: Bước kế tiếp” - ấn bản quý III của báo cáo “Hiện trạng GenAI trong doanh nghiệp” do Viện AI Deloitte công bố mới đây dựa trên phỏng vấn hơn 2.700 lãnh đạo doanh nghiệp tại 14 quốc gia trên toàn cầu, cho thấy mặc dù 67% các tổ chức đang tăng cường đầu tư vào GenAI, nhưng dữ liệu và rủi ro vẫn là hai trở ngại lớn nhất.
“Trong khi các ứng dụng GenAI gần đây cho thấy kết quả khả quan, chúng ta đã bước vào giai đoạn then chốt khi phải cân bằng giữa kỳ vọng và các thách thức như chất lượng dữ liệu, chi phí đầu tư, đo lường hiệu quả và khung pháp lý đang thay đổi”, ông Jim Rowann, Trưởng nhóm AI ứng dụng và Lãnh đạo Deloitte Consulting LLP, nhận định và cho biết: “Khảo sát quý III của chúng tôi đã cho thấy việc quản lý sự thay đổi và tích hợp mang tính tổ chức đóng vai trò rất quan trọng để vượt qua rào cản, mở khóa giá trị và xây dựng tương lai cho GenAI”.
Ông Costi Perricos, lãnh đạo GenAI, Deloitte Toàn cầu, cho biết: “Chúng tôi tiếp tục nhận thấy sự quan tâm nhiệt thành ở khắp các tổ chức dành cho GenAI và các nhà lãnh đạo đang tận dụng công nghệ này thông qua tích hợp vào các chức năng và quy trình kinh doanh chính”.
GenAI không chỉ giúp cải thiện hiệu quả và năng suất mà còn mở ra nhiều cơ hội mới như tăng cường đổi mới, cải thiện sản phẩm và dịch vụ, tăng cường mối quan hệ với khách hàng và các giá trị khác. Tuy nhiên, để khai thác hết tiềm năng của công nghệ này, các doanh nghiệp cần vượt qua nhiều rào cản.
Cân bằng giữa đổi mới và an toàn
Khảo sát cho thấy, 75% các tổ chức tăng cường đầu tư vào quản lý dữ liệu cho GenAI. Tuy nhiên, chất lượng dữ liệu và các vấn đề liên quan đến kiến trúc dữ liệu vẫn là những trở ngại lớn, khiến 55% các tổ chức phải hạn chế một số trường hợp sử dụng GenAI.
Do đó, giải quyết các vấn đề về kiến trúc dữ liệu là một bước quan trọng trong việc giải quyết các yêu cầu cụ thể của GenAI. Để hiện đại hóa các khả năng liên quan đến dữ liệu của mình, các tổ chức đang tăng cường bảo mật dữ liệu (54%); cải thiện các hoạt động về chất lượng dữ liệu (48%); và cập nhật các khuôn khổ quản trị dữ liệu cũng như phát triển các chính sách dữ liệu mới (45%). Các doanh nghiệp đang tập trung vào việc tăng cường bảo mật dữ liệu, cải thiện chất lượng dữ liệu và cập nhật các khuôn khổ quản trị dữ liệu để giải quyết vấn đề này.
Bên cạnh đó, mặc dù những người tham gia khảo sát cho rằng việc quản lý rủi ro GenAI là rất quan trọng nhưng ba trong số bốn rào cản hàng đầu được báo cáo đối với việc triển khai GenAI thành công đều liên quan đến rủi ro, bao gồm: Lo ngại về việc tuân thủ quy định (36%); khó khăn trong việc quản lý rủi ro (30%); và thiếu mô hình quản trị (29%).
Nguyên nhân cụ thể có thể bao gồm định kiến thiên vị, lo ngại về quyền riêng tư, lòng tin và an toàn an ninh thông tin. Để giúp xây dựng lòng tin và đảm bảo việc ứng dụng có trách nhiệm, các tổ chức đang nỗ lực xây dựng các hàng rào và năng lực giám sát mới, bao gồm thiết lập khuôn khổ quản trị để sử dụng các công cụ và ứng dụng GenAI (51%); giám sát các yêu cầu theo quy định và đảm bảo tuân thủ (49%); và tiến hành kiểm toán/thử nghiệm nội bộ đối với các công cụ và ứng dụng GenAI (43%).
Song song với việc thử nghiệm liên tục, nhu cầu chứng minh giá trị của các sáng kiến GenAI ngày càng tăng. Trong khi các tổ chức được khảo sát đang hoàn thành nghiên cứu khả thi và bắt đầu mở rộng quy mô, 41% đã phải vật lộn để xác định và đo lường tác động chính xác của các nỗ lực GenAI của họ và chỉ 16% đã lập báo cáo thường xuyên cho CFO về giá trị được tạo ra với GenAI. Điều này cho thấy việc đo lường và chứng minh giá trị của các sáng kiến GenAI vẫn còn là một thách thức lớn.
Để giải quyết vấn đề này, các doanh nghiệp đang áp dụng các hệ thống KPI cụ thể để đánh giá hiệu suất GenAI, xây dựng khuôn khổ để đánh giá các khoản đầu tư GenAI và theo dõi những thay đổi trong năng suất của nhân viên.