Deutsche Bank và Barclays “gặp hạn” ở Mỹ
Ảnh minh họa |
Con số này thấp hơn đáng kể so với số tiền gần 14 tỷ USD mà Mỹ hồi tháng Chín vừa qua đã yêu cầu Deutsche Bank thanh toán do liên quan đến vụ chào bán sai cổ phiếu chứng khoán được đảm bảo bằng tài sản thế chấp. Nhà chức trách Mỹ cho rằng các ngân hàng châu Âu, trong đó có Deutsche Bank, đã cố tình khiến các nhà đầu tư hiểu nhầm giá trị và chất lượng của các loại trái phiếu/chứng khoán đảm bảo bằng tài sản thế chấp trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính 2008.
Kết quả là nhiều khoản vay đã trở nên vô giá trị và khiến người nắm giữ các loại chứng khoán đảm bảo bằng tài sản thế chấp thua lỗ hàng tỷ USD, khi thị trường bất động sản sụp đổ.
Theo đề xuất hòa giải, Deutsche Bank sẽ trả khoản phạt dân sự trị giá 3,1 tỷ USD và một khoản 4,1 tỷ USD cứu trợ khách hàng tại Mỹ. Tuy nhiên, Deutsche Bank cho biết đây chưa phải là thỏa thuận cuối cùng và hiện chưa có gì đảm bảo rằng Bộ Tư pháp Mỹ và Deutsche Bank sẽ nhất trí với những văn bản cuối cùng.
Cuộc thương lượng giữa hai bên về vấn đề này đã khiến chứng khoán của Deutsche Bank giảm mạnh, đồng thời làm dấy lên quan ngại về sự ổn định của ngân hàng này, cũng như những nguy cơ có thể xảy ra cho cả hệ thống tài chính.
Cùng ngày 22/12, Bộ Tư pháp Mỹ cũng đã kiện "người khổng lồ" trong lĩnh vực tài chính Barclays Plc với cáo buộc gian lận trong vụ bán chứng khoán đảm bảo bằng tài sản thế chấp trong thời điểm đang xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính hồi năm 2008-2009. Barclays bị cáo buộc đã hành xử thiếu trung thực trong việc bán các chứng khoán đảm bảo bằng tài sản thế chấp, góp phần khơi mào cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Theo các công tố viên liên bang, Barclays bị cáo buộc đã bán 31 tỷ USD trái phiếu/chứng khoán dưới chuẩn và cận chuẩn chất lượng thấp cho các nhà đầu tư trên thế giới. Ngân hàng này đã "cố tình và cung cấp một cách có hệ thống" thông tin thiếu chính xác về chất lượng các trái phiếu/chứng khoán đó, khiến cho hơn một nửa số nhà đầu tư mua chúng rơi vào cảnh vỡ nợ.
Theo ông Robert Capers, công tố viên trưởng của Quận Đông New York, việc làm của Barclays đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhiều nhà đầu tư, bao gồm các cá nhân và tổ chức "nòng cốt" của Mỹ.
Barclays là một trong số những ngân hàng lớn cho đến nay vẫn chưa đạt được thỏa thuận với chính quyền Mỹ liên quan tới vai trò của họ trong cuộc khủng hoảng 2008 gây hỗn loạn trên toàn giới đầu tư, bên cạnh những cái tên như Deutsche Bank, Royal Bank of Scotland và Credit Suisse. Tuy nhiên, đáng chú ý là trong vụ kiện lần này, phía Mỹ không tìm kiếm một dàn xếp đồng thuận giữa hai bên như phần lớn các trường hợp tranh cãi pháp lý với các thể chế tài chính lớn.
Trong tuyên bố chính thức, Barclays cho biết sẽ "quyết liệt bảo vệ" ngân hàng này trước các cáo buộc mà họ cho là "không dựa trên dữ liệu thực tế" và bác bỏ mọi cáo buộc của phía Mỹ.