Dịch chuyển chuỗi cung ứng tạo cơ hội phát triển mới tại Việt Nam
Theo nghiên cứu của JLL, trong thập kỷ tới, sự chuyển dịch chuỗi cung ứng sẽ được đẩy mạnh, khi các địa điểm sản xuất và chế tạo sẽ đa dạng hóa sang nhiều nơi khác nhau trên khắp Đông Nam Á và Ấn Độ.
Như vậy, Đông Nam Á và Ấn Độ sẽ là những khu vực hưởng lợi chính từ việc các công ty đa dạng hóa khả năng sản xuất để bổ sung cho các cơ sở hiện có ở Trung Quốc. Tuy nhiên, các công ty sẽ cần linh hoạt khi xem xét các địa điểm và các lựa chọn tài chính để tận dụng sự biến động trong chuỗi cung ứng.
Dịch chuyển chuỗi cung ứng tạo cơ hội phát triển mới tại Việt Nam |
Trong vài năm qua, nhiều công ty đã bắt đầu khám phá việc chuyển sản xuất ra ngoài Trung Quốc. Tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, xu hướng này đã dẫn đến chiến lược Trung Quốc+1, trong đó các công ty bổ sung thêm các cơ sở sản xuất ngoài Trung Quốc để giảm sự phụ thuộc vào một quốc gia duy nhất và phòng ngừa gián đoạn chuỗi cung ứng.
Ông Michael Ignatiadis, Giám đốc cấp cao Khối Chiến lược Sản xuất Châu Á - Thái Bình Dương của JLL cho biết: "Đa dạng hóa chuỗi cung ứng là bước đi tự nhiên cho các công ty tham gia sản xuất trong chu kỳ kinh tế rộng lớn của khu vực này. Chúng tôi nhận thấy Đông Nam Á và Ấn Độ là sự bổ sung tự nhiên cho sức mạnh sản xuất hiện có của Trung Quốc, nhưng để các công ty có thể phản ứng nhanh chóng với những thay đổi trong chuỗi cung ứng, họ cần có tư duy linh hoạt về lựa chọn đất đai và các lựa chọn tài chính".
Động lực thúc đẩy xu hướng này không chỉ là nhu cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng, mà còn nhằm tận dụng các nền tảng kinh tế mạnh mẽ của khu vực, bao gồm dân số và lực lượng lao động đông đảo, chi phí hợp lý và các ưu đãi khác nhau. Từ góc độ đầu tư sản xuất, những yếu tố này đặt Đông Nam Á và Ấn Độ vào vị trí các trung tâm sản xuất lớn cho các thị trường toàn cầu.
Thực tế, chi phí gia tăng ở Trung Quốc trong thập kỷ qua đã trở thành động lực chính thúc đẩy sự chuyển dịch hướng tới đa dạng hóa. Nhu cầu cao về đất công nghiệp, cùng với tiền lương và chi phí nguyên vật liệu tăng, đã đẩy giá đất ở Trung Quốc lên, có thể cao gấp hai lần so với một số quốc gia Đông Nam Á và Ấn Độ. Hơn nữa, các yếu tố như lao động có tay nghề, cơ sở hạ tầng, quy định về môi trường, gần gũi với nhà cung cấp và khách hàng, cũng như ổn định chính trị, đóng vai trò quan trọng trong sự thành công và bền vững lâu dài của một nhà máy.
Bà Trang Lê, Giám đốc cấp cao Khối Nghiên cứu và Tư vấn tại Việt Nam, kiêm Giám đốc Cấp cao Nghiên cứu Chiến lược sản xuất Châu Á - Thái Bình Dương của JLL cho biết thêm: “Trước tiềm năng tái thiết hình thành thương mại toàn cầu thông qua sự đa dạng hóa chuỗi cung ứng trong ngành công nghiệp sản xuất và chế biến, Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm phát triển mới. Thế mạnh của Việt Nam vốn gắn với sản xuất điện tử, nhưng khả năng không chỉ giới hạn, dừng lại ở đó mà còn nhiều tiềm năng để phát triển hơn thế nữa”.